Ghép tạng được thế giới nghiên cứu từ thế kỷ 19, những năm đầu thế kỷ 20, các nhà khoa học Mỹ đã ghép tạng ở động vật thành công. Ðến năm 1954, trường hợp ghép thận đầu tiên được thực hiện bởi Mu-ray ở Bô-xtơn (Hoa Kỳ), sau đó đến ghép phổi năm 1962, ghép gan 1963 (cũng ở Hoa Kỳ) và ghép tim năm 1967 ( ở Nam Phi). Ghép tạng thành công mở ra cơ hội sống cho những người bệnh suy tạng giai đoạn cuối. Riêng về kỹ thuật, ngày nay đã đạt trình độ rất cao. Ngoài yếu tố về con người còn có sự hỗ trợ rất hiệu quả của máy móc, phương tiện phục vụ cho gây mê hồi sức, theo dõi điều trị cho người bệnh sau mổ và nhất là sự tiến bộ vượt bậc của ngành dược trong điều trị chống thải ghép. Ở châu Á, những nước đi đầu trong lĩnh vực ghép tạng là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Ấn Ðộ... Cùng với sự thay đổi về nhận thức của cộng đồng, chính phủ các nước đã có những điều chỉnh thích hợp về luật pháp để đáp ứng nguồn tạng cho nhu cầu ghép.
Ở Việt Nam, từ năm 1965, Giáo sư, Viện sĩ Tôn Thất Tùng đã nghiên cứu ghép tạng, năm 1966 thực hiện thành công ghép tạng ở động vật nhưng phải đến năm 1992 mới thành công ghép thận ở người, năm 2004 ghép gan, năm 2010 ghép tim. Hiện nay, cả nước có 12 trung tâm ghép thận, bốn trung tâm ghép gan và ba trung tâm ghép tim. Bệnh viện Hữu nghị Việt-Ðức là đơn vị đi đầu trong việc lấy tạng từ người cho chết não, với 12 người bệnh chết não cho tạng, bệnh viện đã ghép cho 23 người nhận thận, tám người nhận gan, năm người nhận tim, bốn người nhận van tim và cung cấp 20 giác mạc cho Bệnh viện Mắt T.Ư. Ngoài ra, bệnh viện cũng đã ghép ba gan và 116 thận lấy từ người cho sống.
Tuy chúng ta ghép tạng muộn so với nhiều nước trong khu vực và trên thế giới, song các nhà y học của Việt Nam đã làm chủ được kỹ thuật này, thực hiện ghép tạng rất có hiệu quả cả trong ghép có chuẩn bị và cấp cứu. Mặt khác các điều kiện về thuốc điều trị (viêm gan do vi-rút); các loại thuốc ức chế miễn dịch dùng trong chống thải ghép, chẩn đoán giải phẫu bệnh lý, các máy móc thiết bị dùng trong cấp cứu, gây mê, hồi sức, lọc huyết tương, siêu lọc... đã có đầy đủ tại các Trung tâm y tế chuyên sâu ở Việt Nam. Chúng ta lại có sự giao lưu, hợp tác các Trung tâm ghép tạng hàng đầu trên thế giới ở Ðài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Ðức, Mỹ bằng nhiều hình thức, vì vậy rất thuận lợi cho ghép tạng ở Việt Nam.
Nhu cầu ghép tạng ở Việt Nam là rất lớn. Với số dân hơn 85 triệu người, theo điều tra của ngành Y tế có khoảng 8.000 người suy thận mãn, có nhu cầu ghép thận, hàng nghìn người có chỉ định ghép gan và ghép tim. Nhưng mỗi năm các Trung tâm ghép tạng ở Việt Nam chỉ thực hiện ghép thận cho khoảng 100 trường hợp, số ghép tim và gan là rất ít. Khó khăn chủ yếu của chúng ta hiện nay là không có nguồn tạng để ghép. Hiện nay, do quan niệm xã hội, nhiều người chưa thật sự hiểu được lợi ích của việc hiến tạng để cứu sống những người suy tạng giai đoạn cuối, không được ghép tạng sẽ tử vong. Nếu một người không may mất đi để lại nội tạng để cứu người khác là việc làm nhân nghĩa cao cả.
Ở các nước trên thế giới, ngoài quy định về luật pháp, các tôn giáo rất thấm nhuần, rất đồng tình với quan điểm làm phúc này nên mọi người khi còn sống có thể tình nguyện hiến tạng cho phép khi chết đi các thầy thuốc được phép lấy tạng để cứu người khác. Chính vì vậy, với chúng ta cũng cần phải tuyên truyền để mọi người hiểu vấn đề này. Mặt khác, do không có nguồn tạng ghép nhiều người phải ra nước ngoài ghép tạng, nếu tính chi phí đắt gấp 5 - 6 lần ghép tạng ở Việt Nam, chưa kể đến những yếu tố chuyên môn mà nhiều khi không lường trước được. Ngoài ra, tất cả các người bệnh sau khi ghép tạng ở nước ngoài đều phải về theo dõi và điều trị tại Việt Nam. Qua thăm khám những người ghép tạng ở nước ngoài về điều trị tại Việt Nam, khó khăn lớn nhất là không đủ hồ sơ, không đủ dữ liệu về chuyên môn, phần lớn đều khai thác theo kể lại của người bệnh, do đó nhiều khi phải tìm hiểu, thăm dò từ đầu rất tốn kém và phiền phức.
Ðể đẩy nhanh ghép tạng ở Việt Nam, đáp ứng nhu cầu cấp bách hiện nay của người bệnh cần tuyên truyền rộng rãi để người dân hiểu được ý nghĩa của việc ghép tạng, không chỉ đơn thuần để cứu người nó còn mang tính nhân văn cao cả. Bên cạnh đó, nội lực của ngành Y tế phải phát triển mạnh, toàn diện để đáp ứng yêu cầu về khoa học, mở ra nhiều cơ hội cứu sống cho người bệnh, tiết kiệm phần lớn chi phí lọc máu cho những người suy thận mạn giai đoạn cuối, tính ra đắt hơn nhiều so với được ghép thận. Riêng ghép gan, ghép tim là phương pháp duy nhất để cứu những người bị bệnh cơ tim, bị suy gan nặng nôn máu tối cấp.
Ghép tạng với những người có bảo hiểm y tế đã được chi trả phần lớn tiền thuốc chống thải ghép. Tuy nhiên, kinh phí cho ghép tạng là số tiền rất lớn đối với nhiều người bệnh. Nếu chúng ta có hệ thống bảo hiểm y tế toàn dân, huy động tổng lực sức mạnh cộng đồng, hy vọng sẽ giảm bớt khó khăn cho bệnh nhân ghép tạng. Ðó là điều rất cần thiết thực hiện trong chính sách y tế hiện nay.
PGS, TS NGUYỄN TIẾN QUYẾT
Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt - Ðức, Chủ tịch Hội Ngoại khoa Việt Nam
Nguồn: Nhân Dân