(TG) - Theo báo cáo của UBND tỉnh Gia Lai, trong năm 2021, tỉnh này bị thiệt hại trên 227,443 tỷ đồng do ảnh hưởng nặng nề của hạn hán, các cơn bão số 5, 6, 7 và 8, áp thấp nhiệt đới và mưa lớn.
Gần đây nhất, từ ngày 27- 30/11, các địa phương phía Đông, Đông Nam của tỉnh Gia Lai bị ngập lụt khiến hàng trăm người dân bị mắc kẹt, hàng nghìn hộ dân bị ngập nhà cửa, tài sản…
Công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2021 đã được tỉnh Gia Lai triển khai khẩn cấp, đảm bảo ổn định đời sống nhân dân.
Tại các khu vực bị ảnh hưởng, tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thành phố, thị xã huy động, bố trí các nguồn lực tập trung khắc phục một số hạng mục, công trình nhằm đảm bảo nhà ở, giao thông đi lại; đã tổ chức san gạt các điểm sạt lở và đảm bảo giao thông, thông tuyến; đồng thời tổ chức cắm biển cảnh báo tại các khu vực nguy hiểm và các điểm bị sạt lở chưa được khắc phục để nhân dân biết, phòng tránh khi tham gia giao thông... phục vụ tạm thời cho nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng.
Trong đó, thiệt hại do hạn hán khoảng 141,13 tỷ đồng; thiệt hại do các đợt dông, lốc sét, mưa, bão, áp thấp nhiệt đới 10 tháng năm 2021 khoảng 30,023 tỷ đồng; do đợt mưa từ ngày 27 đến ngày 30/11/2021 khoảng 56,29 tỷ đồng.
|
Lực lượng chức năng đã tập trung vệ sinh môi trường sau bão, lũ, đảm bảo tốt công tác phòng, chống các dịch bệnh trên người và động vật phát sinh sau lũ.
Để đảm bảo ổn định đời sống người dân, khắc phục các hậu quả do thiên tai gây ra, tỉnh Gia Lai đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương tiếp tục quan tâm hỗ trợ nguồn lực cho tỉnh triển khai các công tác khắc phục hậu quả thiên tai trong năm 2021, nhất là thiệt hại do đợt lũ cuối tháng 11, đầu tháng 12 vừa qua.
Đối với quy trình vận hành liên hồ chứa, tỉnh đề nghị Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành Trung ương rà soát, kiểm tra điều chỉnh Quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định 878/QĐ-TTg, ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ để phù hợp với các điều kiện thực tế và biến đổi khí hậu, bồi lắng, thoát lũ hiện nay; đồng thời sớm số hóa quy trình vận hành liên hồ chứa, cung cấp tài khoản cho cho các địa phương theo dõi, chỉ đạo, công khai, minh bạch, trách nhiệm để chủ động làm tốt công tác chỉ đạo, vận hành tại địa phương.
Đặc biệt, tỉnh mong muốn Trung ương sớm quan tâm, đầu tư triển khai các giải pháp công trình, triển khai các quy hoạch thủy lợi theo các Quyết định số 5205/QĐ-BNN-TCTL ngày 27/12/2018 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt điều chỉnh quy hoạch thủy lợi lưu vực sông Ba và vùng phụ cận giai đoạn 2030, tầm nhìn 2050 và Quyết định số 4325/QĐ-BNN-TCTL ngày 2/11/2018 phê duyệt Quy hoạch tổng thể thủy lợi vùng Tây Nguyên giai đoạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2050.
Bên cạnh đó, Gia Lai đề nghị các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ địa phương triển khai các giải pháp phi công trình như: Số hóa quy trình vận hành liên hồ chứa theo Quyết định 878/QĐ- TTg ngày 18/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng, hiện đại hóa các hệ thống cảnh báo, dự báo; nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo của các cơ quan chuyên môn; nâng cao năng lực cộng đồng về công tác phòng, chống thiên tai; hỗ trợ triển khai các công tác nuôi trồng rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ./.
Duy Phong