Thứ Bảy, 23/11/2024
Chính sách
Thứ Năm, 14/7/2016 9:47'(GMT+7)

Gia Lai: Hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam ổn định cuộc sống

Từ năm 2011 đến nay, các tổ chức từ thiện, doanh nghiệp, trường học, đơn vị lực lượng vũ trang... đã ủng hộ Quỹ nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai hơn 13 tỷ đồng. Có những đơn vị đã ủng hộ Quỹ từ hàng trăm triệu đồng cho đến nhiều tỷ đồng như Chi nhánh Ngân hàng Ngoại thương Gia Lai (1 tỷ đồng), Công ty cổ phần Kinh doanh và Phát triển (300 triệu đồng), Công ty Bê tông Chiến thắng (150 triệu đồng), cộng đồng ở địa bàn huyện Chư Sê (hơn 2 tỷ đồng)... Với số tiền huy động được, Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh đã hỗ trợ cây giống, vật nuôi, sửa chữa nhà ở, cho vay vốn để gia đình các nạn nhân chất độc da cam phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Gia đình anh Lê Văn Kỳ ở làng Tơ Nung thuộc xã HBông (huyện Chư Sê) có 2 con đều bị nhiễm chất độc da cam, mặc dù đã chạy chữa nhiều nơi song bệnh tình của 2 cháu vẫn không thuyên giảm. Trong sinh hoạt hằng ngày, các cháu không tự chủ được và phải có người thường xuyên chăm sóc. Năm 2013, Hội nạn nhân da cam tỉnh đã hỗ trợ cho gia đình anh Lê Văn Kỳ vay 15 triệu đồng từ chương trình "Hỗ trợ giải quyết việc làm để cải thiện đời sống chăm sóc, phục hồi chức năng cho nạn nhân da cam tại gia đình và cộng đồng". Với số tiền hỗ trợ này, anh Kỳ thuê 5 sào đất để trồng sắn và mua 1 con bò cái sinh sản để chăn nuôi. Qua hai mùa vụ, gia đình anh đã có thu nhập từ cây trồng - vật nuôi và dần tiến tới mua đất để mở rộng diện tích canh tác và phát triển đàn. Từ chỗ phải thuê đất canh tác nay anh đã "tậu" được 5 sào đất canh tác; đàn bò của gia đình anh cũng tăng lên 5 con; hằng năm gia đình anh có mức thu nhập từ 70 - 80 triệu đồng từ trồng trọt và chăn nuôi.

Không chỉ riêng trường hợp gia đình anh Lê Văn Kỳ, trên địa bàn tỉnh còn có rất nhiều gia đình nạn nhân chất độc da cam đã được hỗ trợ để từng bước ổn định và vươn lên trong cuộc sống. Chẳng hạn, gia đình nạn nhân da cam Nguyễn Trọng Bình (huyện Đức Cơ), Nguyễn Đình Ngụ (huyện K'Bang), Lê Bá Diệp (huyện Chư Sê)... hiện đều có mức thu nhập từ 50 - 70 triệu cho đến cả trăm triệu đồng.

Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Gia Lai đã thành lậpTrung tâm tiếp nhận và nuôi dưỡng thường xuyên 30 cháu là nạn nhân chất độc da cam mỗi năm và đã luân chuyển nuôi dưỡng được 200 cháu. Nhìn chung các cháu được nuôi dưỡng tại Trung tâm đều phục hồi sức khỏe tốt, nhanh nhẹn hơn, có ý thức trong sinh hoạt, ăn uống, vệ sinh cá nhân và ít ốm đau. Tại đây, Trung tâm còn tổ chức dạy học chữ, học vi tính, học may... phù hợp sức khoẻ của các cháu. Nhà xông hơi - giải độc cũng được xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng được hơn một năm nay, thực hiện được 10 đợt xông hơi - giải độc cho 154 người gồm các đối tượng nạn nhân chất độc da cam/dioxin, cựu chiến binh, thanh niên xung phong...

Hiện trên địa bàn tỉnh Gia Lai có khoảng 13.000 người bị phơi nhiễm và nghi nhiễm chất độc da cam/dioxin, trong đó có 6.725 nạn nhân trực tiếp, 6.247 nạn nhân gián tiếp và 456 nạn nhân thế hệ thứ 3; có 642 gia đình có từ 2 - 3 nạn nhân chất độc da cam, trong đó có 243 gia đình thuộc diện đặc biệt khó khăn./.

Văn Thông/TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất