Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai chỉ đạo các ngành chuyên môn giám sát chặt chẽ việc vận hành hồ chứa và xả nước đúng lưu lượng về hạ du theo quy trình liên hồ chứa trong mùa cạn của các công trình thủy điện.
Trước nguy cơ hạn hán xảy ra trên diện rộng, tỉnh Gia Lai đang huy động tổng lực triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống hạn hán vụ Đông Xuân năm 2015-2016 và ứng phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra.
Ủy ban Nhân dân tỉnh Gia Lai chỉ đạo các ngành chuyên môn giám sát chặt chẽ việc vận hành hồ chứa và xả nước đúng lưu lượng về hạ du theo quy trình liên hồ chứa trong mùa cạn của các công trình thủy điện.
Đối với các diện tích cây trồng thuộc khu tưới của các công trình thủy lợi thuộc công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên khai thác công trình thủy lợi quản lý có nguy cơ thiếu nước, đơn vị đã có phương án tiếp nước từ các công trình hồ chứa thuộc hệ thống và chuyển sang tưới luân phiên theo từng tổ kênh để giảm thất thoát lượng nước.
Đơn cử như mực nước đầu cống của đập dâng Ia Lâu xuống còn 0,5m sẽ cho tiếp nước từ hồ PleiPai qua kênh N2T, nếu mực nước xuống còn 0,3m sẽ cho tiếp nước từ hồ chứa Ia GLai qua 35km suối.
Các đập dâng còn lại như An Phú, Ia Pet, Ayun Thượng, đơn vị đã cho nạo vét lòng suối, kênh mương và khơi thông dòng chảy. Công trình thủy lợi Ayun Hạ đang được điều tiết nước cống đầu mối, nếu mực nước xuống thấp sẽ chuyển sang tưới luân phiên, nếu xảy ra hạn nặng sẽ tính đến phương án sử dụng dung tích chết của hồ chứa để cung cấp nước tưới...
Ngoài việc triển khai giải pháp chống hạn từ các công trình thủy lợi, Gia Lai cũng huy động và hỗ trợ nhân dân sử dụng máy bơm của gia đình để bơm nước từ các khe suối, ao, hồ và đào giếng để bổ sung nước phục vụ tưới tiêu.
Cùng với việc khai thác triệt để nguồn nước, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai khuyến cáo người dân nhân rộng những mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến với các loại cây trồng đã được thử nghiệm có khả năng chịu hạn cao kết hợp với áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước như tưới phun mưa, tưới nhỏ giọt thay cho tưới tràn truyền thống rất tốn nước. Đối với cây lúa, ưu tiên áp dụng mô hình tiên tiến như hệ thống thâm canh lúa cải tiến, canh tác thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu.
Tính đến thời điểm này, toàn tỉnh Gia Lai có trên 100ha lúa mất trắng và gần 3.000ha cây trồng bị hạn, thiếu nước tưới, tập trung chủ yếu trên địa bàn ba huyện Chư Sê, Chư Pưh và Kbang. Nếu nắng hạn tiếp tục kéo dài trong thời gian tới, huyện Chư Pưh sẽ có khoảng 460 ha lúa nước có khả năng mất trắng, huyện Chư Sê sẽ có khoảng gần 4.000ha càphê và hồ tiêu thiếu nước tưới.
Ngoài ra, các huyện Đắk Đoa, Đức Cơ, Kbang và Mang Yang sẽ có khoảng gần 1.000ha lúa, cà phê, tiêu thiếu nước tưới...
Thông tin từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Gia Lai, lượng mưa năm 2015 trên địa bàn tỉnh thiếu hụt phổ biến từ 20-30% so với trung bình nhiều năm. Hiện dòng chảy trên các sông, suối đang có xu thế giảm dần, đặc biệt sẽ giảm nhanh trong thời gian tới, nhiều nơi dòng chảy thiếu hụt từ 10-20% so với trung bình nhiều năm, cá biệt dòng sông Ba đoạn chảy qua thị xã An Khê thiếu hụt tới 40-60%.
Mực nước tại các hồ chứa cũng đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước, dung tích một số hồ chứa ở khu vực Đông, Đông Nam tỉnh hiện tại thấp hơn nhiều so với dung tích thiết kế. Đơn cử như hồ Ia Dréh (Krông Pa) chỉ tích được chưa đầy 30% lượng nước so với thiết kế; hồ Ia Mlá (Krông Pa), hồ chứa Hà Ra Nam (Mang Yang), hồ Hòn Cỏ (An Khê) cũng chỉ đạt được từ 72-85%./.
TTXVN