Thứ Tư, 2/10/2024
Thế giới
Chủ Nhật, 19/2/2017 21:31'(GMT+7)

Giấc mơ hồi hương xa vời

Người dân chạy nạn Xy-ri tại khu trại Di-bơ-rin, ngoại vi A-lép-pô. (Ảnh: Reuters)

Người dân chạy nạn Xy-ri tại khu trại Di-bơ-rin, ngoại vi A-lép-pô. (Ảnh: Reuters)

Những “ngôi làng tổ ong” bị lãng quên

Ở đông nam thành phố A-lép-pô có những “ngôi làng tổ ong” với những căn nhà mái vòm được chát bùn đang sụp đổ dần bởi sự tàn phá của chiến tranh và sau nhiều năm bị bỏ bê. Cư dân của những ngôi làng nằm trên chiến tuyến giữa quân đội Chính phủ Xy-ri và các tay súng thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng đã bỏ đi từ rất lâu.

Nhưng những cư dân ra đi từ Ca-lay-a, một trong những ngôi làng ở vùng chiến sự, thề sẽ có một ngày trở về và lấy lại những gì thuộc về mình. Họ hiện chưa thể hoặc chưa sẵn sàng để trở về nơi mình đã phải trốn chạy vì bom đạn chiến tranh, và cũng chưa có cơ hội để chạy xa hơn. Và nơi họ đang trú ẩn là khu trại tị nạn Di-bơ-rin thuộc địa phận A-lép-pô. 

Một trong những cư dân trốn chạy từ Ca-lay-a, ông A-bu Mô-ha-mét (Abu Mohammed), 40 tuổi, nói: “Chúng tôi có đất đai và chăn thả cừu. Nhưng khi rời đi chúng tôi buộc phải bán tất cả. Chúa muốn chúng tôi trở về. Đó là làng của chúng tôi, chúng tôi không thể từ bỏ nó”.

“Những ngôi làng tổ ong” của Xy-ri là cách gọi chỉ những ngôi làng có các căn nhà bùn hình nón đặc trưng. Từ lâu những ngôi làng này đã thu hút sự chú ý từ bên ngoài, nhưng chúng đã bị bỏ hoang lâu ngày trong làn sóng xung đột tại quốc gia này.

Ở làng Ra-xmơ An Náp, tường của các ngôi nhà chi chít những lỗ đạn, còn trên mặt đất, các hộp mực đã sử dụng nằm lăn lóc. Trong khoảnh sân bên cạnh một ngôi nhà bùn bị sụp mái, một chiếc áo chui đầu màu cam lẫn trong bùn và rác rưởi cùng với đôi giày cao gót màu bạc.

Gần đó có một cột đá mòn dường như có từ thuở sơ khai, cho thấy lịch sử lâu đời của vùng đất khô cằn thuộc khu vực từng là nơi khởi phát của những đế quốc và nền văn minh lớn trên thế giới.

Theo ông A-bu Mô-ha-mét, người dân làng Ra-xmơ An Náp đã di chuyển sâu hơn vào vùng do IS kiểm soát khi xảy ra giao tranh gần đó, không phải vì ủng hộ các tay súng cực đoan mà để tìm kiếm đồng cỏ cho đàn gia súc của mình. Tuy nhiên, ông và những người dân khác từ làng Ca-lay-a đã bán gia súc và tìm cách lánh nạn ở những vùng do chính phủ kiểm soát ở A-lép-pô.

Đã khá lâu rồi, tình trạng tiêu điều của các vùng nông thôn ở Xy-ri không còn nhận được sự quan tâm chú ý bằng các thành phố bị tàn phá vì bom đạn oanh tạc. Tài sản của người dân trong làng nằm cả ở những đàn gia súc và đất đai nên họ thường khó có thể làm lại từ đầu khi buộc phải di chuyển tới nơi ở mới tại các vùng lân cận.

Những đứa trẻ chân trần ở Di-bơ-rin


Ở Di-bơ-rin, dân làng hiện sống trong một khu công nghiệp bị đóng băng, nơi các vũng nước lớn trên những con đường ngập ngụa bùn đất bị đóng đá ngay giữa ban ngày. Nơi đây, trẻ em chạy chân trần chơi đuổi bắt gà giữa những nhà kho.

Ở trại tị nạn này, những đứa trẻ phải chịu thiệt thòi nhiều nhất. Chúng chỉ có thể đi học tại một trung tâm do Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) quản lý và được điều hành bởi một tổ chức từ thiện của Xy-ri ở vùng do quân chính phủ kiểm soát. Các giáo viên, cũng là người tị nạn từ các vùng khác nhau ở đông A-lép-pô tới lánh nạn ở Di-bơ-rin cho biết, nhiều trẻ em ở đây đã không được đi học chính thức trong nhiều năm.

Cô Rim Oát (Reem Ward), một nhân viên thiện nguyện cho biết, khi bọn trẻ mới tới Di-bơ-rin, chúng tỏ ra rất hung dữ và thường đánh nhau. Nhiều em đã sống thời gian dài ở vùng chiến sự phía đông A-lép-pô do quân nổi dậy kiểm soát, nơi thường bị oanh kích dữ dội trong các cuộc giao tranh. Nhưng giờ đây chúng đã lớn và ôn hòa hơn.

Trong khi những đứa trẻ nhỏ tuổi từ làng Ca-lay-a đi học thì những em lớn hơn, tầm 13 đến 14 tuổi, làm việc tại các nhà máy. Những bé trai sau vài năm sẽ đi nghĩa vụ quân sự.

Xa khỏi làng Ra-xmơ An Náp ở phía tây của hồ An Gia-bun, nơi có những chú chim trắng tuyệt đẹp ngụp lội trong nước mặn, những người chăn thả gia súc đã trở lại với công việc thường ngày khi chiến sự tạm lắng.

Nhưng để trở lại những ngôi làng bị phá hủy là điều không dễ dàng với những cư dân tị nạn ở Di-bơ-rin. Mặc dù họ có thể sửa chữa lại những ngôi nhà tổ ong đặc biệt của mình, nhưng họ không biết sẽ phải bắt đầu ra sao khi đã bán cả đàn cừu và tiêu sạch tiền trang trải cuộc sống hàng ngày.

Ông A-bu Mô-ha-mét buồn rầu chia sẻ: “Kể cả phải sống trong một túp lều, chúng tôi vẫn có đất đai. Vì thế chúng tôi sẽ trở về và làm việc trên mảnh đất đó. Nếu chính phủ hỗ trợ tiền, chúng tôi có thể mua thêm cừu. Còn nếu không, chúng tôi sẽ không cơ hội”.

Quân đội Xy-ri đã chiếm được vùng đất nổi loạn cuối cùng ở phía đông A-lép-pô vào tháng 12 năm 2016 sau nhiều tháng bao vây và nhiều năm giội bom ác liệt. Quân đội chính phủ đã giành được một số thắng lợi trước IS ở phía đông thành phố, nhưng chiến sự vẫn tiếp diễn ở gần đó.

Và đáng buồn là những cư dân chạy nạn ở Di-bơ-rin có thể thực hiện được giấc mơ hồi hương của mình hay không phần lớn lại phụ thuộc vào việc các tay súng IS còn có thể bám trụ được bao lâu. IS đã bị đánh bật khỏi vùng lãnh thổ chiếm đóng ở phía Bắc Xy-ri. Nhưng các cuộc giao vẫn đang diễn ra giữa quân chính phủ và IS. Những cột khói bốc lên phía sau khu vực hồ nước mặn An Gia-bun gần làng Ca-lay-a cũng như làng Ra-xmơ An Náp là dấu hiệu cho thấy hòa bình vẫn còn xa vời./.

Mai Nguyên (Báo QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất