Thứ Hai, 25/11/2024
Thế giới
Thứ Hai, 31/10/2016 21:53'(GMT+7)

Giải mã tuyên bố của ứng cử viên Hi-la-ri Clin-tơn về thiết lập vùng cấm bay ở Xy-ri

Ảnh: Tên lửa S-300 và S-400 của Nga đã kiểm soát toàn bộ không phận Xy-ri.

Ảnh: Tên lửa S-300 và S-400 của Nga đã kiểm soát toàn bộ không phận Xy-ri.

Theo nhận định của Giôn Cô-oen (John Koen), cựu sỹ quan Hải quân Mỹ, nếu làm theo đề xuất của bà Hi-la-ri Clin-tơn thì sẽ đưa thế giới tới thảm họa một cuộc chiến tranh lớn mang tính hủy diệt. Ông nói thêm: “Tôi hy vọng đề xuất đó của Hi-la-ri Clin-tơn chỉ là một thủ đoạn chính trị (nhằm thu hút sự chú ý của các cử tri)”.

Ông Giô-sua Rôp-nơ (Joshua Rovner), chuyên gia về quan hệ quốc tế, lo ngại: “Tôi không hiểu, bằng cách nào vùng cấm bay (ở Xy-ri) có thể hóa giải được tình hình hiện nay. Tôi cũng không hiểu, bằng cách nào vùng cấm bay có thể có tác động tới mức có thể khiến Tổng thống Nga V.Pu-tin và Tổng thống Xy-ri Ba-xa An At-xat phải thay đổi quan điểm”.

Để giải mã được tuyên bố của ứng cử viên Hi-la-ri Clin-tơn về thiết lập vùng cấm bay ở Xy-ri, cần ngược dòng thời gian về năm 2011 khi cuộc khủng hoảng ở Li-bi đã leo thang tới cao điểm. Vào thời điểm đó, bà Hi-la-ri Clin-tơn còn giữ chức Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ trong nhiệm kỳ 1 của Tổng thống Mỹ Ba-răc Ô-ba-ma. Bà là một trong những người hăng hái nhất trong chuyện đề xuất thiết lập vùng cấm bay ở Li-bi.

Ở thời điểm đó, Mỹ đã mượn cớ Tổng thống Li-bi Ca-đa-phi  dùng máy bay ném bom vào dân thường giết hại tới 50.000 người (cần lưu ý rằng, khi các nhà báo hỏi lấy đâu ra con số này, phía Mỹ trả lời rằng lấy từ các thông tin trên mạng Internet!), trình lên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc nghị quyết thiết lập vùng cấm bay ở Xy-ri để ngăn chặn máy bay của Không quân Li-bi. Do Nga (hồi đó do ông D.Met-vê-đep làm Tổng thống) và Trung Quốc bỏ phiếu trắng nên Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc đã thông qua Nghị quyết 1973 về thiết lập vùng cấm bay ở Li-bi.

Ngay sau đó, lấy danh nghữa thực hiện Nghị quyết 1973 của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc, Liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO) phát động cuộc chiến tranh xâm lược Li-bi với kết cục là tiêu diệt tổng thống quốc gia này, ông Ca-đa-phi.

Nhận định về Nghị quyết 1973, ông V.Pu-tin hồi đó giữ cương vị Thủ tướng Nga, cho rằng văn kiện này là biểu hiện của cuộc “Thập Tự Chinh thời hiện đại”. Ông V.Pu-tin nhận định hoàn toàn chính xác: sau đó kịch bản Li-bi đã được lặp lại ở Xy-ri nhằm loại bỏ Tổng thống Xy-ri Ba-xa An At-xat.  

Chỉ có điều, Xy-ri không phải là Li-bi, hơn nữa sau khi bước vào Điện Crem-li vào năm 2012, Tổng thống Nga V.Pu-tin kiên quyết ủng hộ nhân dân Xy-ri bảo vệ chủ quyền quốc gia. Do đó, đã hơn 5 năm nay, Mỹ và NATO không thể trực tiếp ra tay như ở Li-bi  mà phải sử dụng cái gọi là “các lực lượng đối lập ôn hòa” để tiến hành “cuộc chiến tranh qua tay người khác” nhằm lật đổ Tổng thống Xy-ri Ba-xa An At-xat. Thế nhưng tới nay Mỹ vẫn không thể nào thực hiện được mục  tiêu đó.

Kể từ ngày 30-9-2015, Nga mở chiến dịch chống khủng bố ở Xy-ri và hiện nay đã triển khai các hệ thống phòng không S-300 và S-400 hiện đại nhất, có khả năng kiểm soát toàn bộ không phận Xy-ri. Một số chuyên gia quân sự Mỹ nhận định, trong điều kiện hiện nay Nga gần như  đã thiết lập vùng cấm bay ở Xy-ri. Do đó, Mỹ đã phải hợp tác với Nga để máy bay hai bên không va chạm nhau trên bầu trở Xy-ri trong khi cả hai đều chống khủng bố. Một cựu Tư lệnh NATO đã nhận xét một cách hình ảnh rằng, trong điều kiện Nga kiểm soát không phận Xy-ri như lúc này, thì ngay cả chim bồ câu muốn đi vào Xy-ri thì cũng phải đi bộ!

Trong điều kiện đó, nếu Mỹ làm theo “sáng kiến” của ứng cử viên Hi-la-ri Clin-tơn mà thiết lập vùng cấm bay ở Xy-ri, nghĩa là cấm cả máy bay của Nga đang tiến hành chiến dịch chống khủng bố, thì đương nhiên Mat-xcơ-va sẽ không bao giờ chấp nhận.

Hơn nữa, việc Nga hiện diện ở Xy-ri là hoàn toàn phù hợp với luật pháp quốc tế, vừa thực hiện Nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc về chống khủng bố, vừa nhận được lời mời chính thức của Chính phủ Xy-ri. Trong khi đó, Mỹ chỉ là “khách không mời mà đến” nên trên thực tế đã vi phạm Hiến chương Liên Hợp Quốc.

Do đó, nếu Mỹ muốn đơn phương thiết lập vùng cấm bay ở Xy-ri, thì sự đối đầu quân sự với Nga là không thể tránh khỏi và thảm họa như cựu sỹ quan Hải quân Mỹ Giôn Cô-oen nhận định là hoàn toàn có sơ sở. Tuy nhiên, tất có thể, nếu đắc cử Tổng thống Mỹ trong cuộc bầu cử sắp tới gần, bà Hi-la-ri Clin-tơn sẽ thay đổi quan điểm bởi thông thường không phải tổng thống mới cũng sẽ làm đúng tất cả những gì đã hứa trong cuộc vận động tranh cử.

Thí dụ điển hình nhất là ông Ô-ba-ma đã từng hứa với các cử tri Mỹ rút quân khỏi Ap-ga-ni-xtăng và I-răc, nhưng tới nay sau hai nhiệm kỳ, vẫn có tới gần 20.000 lính Mỹ hiện diện ở Ap-ga-ni-xtăng và Oa-sinh-tơn hiện đang tăng thêm quân tới I-răc. Hoặc, ông Ô-ba-ma hứa đóng cửa nhà tù ở Gu-an-ta-na-mô nhưng đến này vẫn là “lời hứa gió bay”./.

Đại tá Lê Thế Mẫu

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất