Thứ Sáu, 22/11/2024
Kinh tế
Thứ Sáu, 11/3/2022 14:55'(GMT+7)

Giải ngân vốn đầu tư công: Chậm ngày nào mất cơ hội phục hồi ngày đó

Có thể thấy, mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu công năm nay có cơ sở để đạt được khi trong 2 tháng đầu năm 2022, cả nước giải ngân vốn đầu tư công đạt trên 44.612 tỷ đồng, bằng 8,61% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn so với cùng kỳ năm 2021 và cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây.

Cùng với đó, mục tiêu giải ngân hết vốn đầu tư công đã trở thành nhiệm vụ đặt lên hàng đầu của toàn hệ thống chính trị, khi trong các văn bản, nghị quyết, các phiên họp Chính phủ đều được đề cập, nhắc nhở.

Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 ít hôm, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký công điện số 126/CĐ-TTg gửi các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đôn đốc triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.

Trong công điện, Thủ tướng nhấn mạnh đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong các năm 2022 - 2023 của từng bộ, ngành, địa phương. Thủ tướng cũng yêu cầu từng bộ, cơ quan, địa phương thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân vốn để thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát và kịp thời xử lý các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn trong công việc này với mục tiêu đảm bảo hoàn thành giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay.

Đặc biệt Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có chế tài xử lý nghiêm, kịp thời đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực, nhũng nhiễu, cản trở, làm chậm tiến độ giao vốn, thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công.

Còn ngay trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1/2022, Thủ tướng kiên quyết yêu cầu các bộ, ngành, địa phương không để tình trạng "đầu năm đủng đỉnh, cuối năm gấp rút" trong giải ngân vốn đầu tư công.

Điều này cho thấy người đứng đầu Chính phủ đã rất rốt ráo trong việc phải thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm.

Trong 2 năm gánh chịu hậu quả của COVID-19, giải ngân vốn đầu công đạt tỷ lệ cao; trong đó năm 2020 đạt trên 91% so với kế hoạch năm là mức cao nhất trong giai đoạn 2011-2020. Kết quả này đã đóng góp tích cực để năm 2020-2021 tăng trưởng kinh tế giữ được mức ổn định và cao hơn một số nước trên thế giới.

Thực tế cũng cho thấy kết quả giải ngân trên đã khích lệ tinh thần nỗ lực vượt khó trong dịch bệnh của các bộ, ngành địa phương nhằm sớm đưa nguồn "vốn mồi" ngân sách đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Và ngay những tháng đầu năm 2022 này đã có nhiều đơn vị thi công cao tốc Bắc - Nam phía Đông đăng ký rút ngắn tiến độ, thể hiện quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ Chính phủ giao phó.

Dưới sự đôn đốc sát sao của Chính phủ, sự chủ động của các bộ, ngành, địa phương, kế hoạch giải ngân vốn ngân sách nhà nước năm 2022 và kế hoạch đầu tư vốn năm 2021 đang được cập nhật trên Hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư công. Điều này đồng nghĩa, việc giải ngân vốn đầu tư công sẽ được toàn hệ thống chính trị giám sát để đốc thúc triển khai hiệu quả.

Trước những bất lợi của tình hình thế giới, những xung đột chính trị khiến giá nhiên liệu, hàng hoá tăng, áp lực giải ngân vốn đầu tư công sẽ càng nặng nề hơn! Tuy nhiên, với quyết tâm "chậm một ngày là mất cơ hội phục hồi ngày đó", với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chắc chắn dòng vốn sẽ chảy nhanh, mạnh tới các công trình dự án trọng điểm, quan trọng để đóng góp kịp thời, hiệu quả vào chương trình phục hồi kinh tế-xã hội.

Theo TTXVN

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất