Thứ Tư, 27/11/2024
Môi trường
Thứ Hai, 29/8/2016 9:48'(GMT+7)

Giải pháp bảo đảm an ninh nguồn nước ở Tây Nguyên

Sông Ba (Gia Lai) bị thủy điện An Khê-Ka Nat chặn dòng nên đã cạn trơ đáy.

Sông Ba (Gia Lai) bị thủy điện An Khê-Ka Nat chặn dòng nên đã cạn trơ đáy.


Thực tế và vấn đề đặt ra

Các tỉnh Tây Nguyên có 4 con sông lớn chảy qua là: Sông Sê San, sông Ba, sông Srêpôk và sông Đồng Nai. Trong đó, lưu vực sông Sê San và Srêpôk là hai phụ lưu quan trọng, đóng góp lượng nước lên đến 18% cho lưu vực sông Mê Công. Đây là vùng trọng điểm phát triển kinh tế của Việt Nam và là nơi sinh sống của 6 triệu người, bao gồm nhiều dân tộc anh em. Dưới áp lực của phát triển kinh tế, hệ sinh thái và cảnh quan môi trường ở Tây Nguyên đã có nhiều thay đổi. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp: Rừng ở khu vực này suy giảm nghiêm trọng. Trong các năm 2008-2014, tổng diện tích rừng bị mất là 358.700ha, tương đương mỗi năm mất hơn 51.000ha rừng.

Việc phát triển thủy điện trên dòng chính của các con sông lớn và dòng nhánh của sông Sê San, sông Ba (Gia Lai), sông Srêpôk (Đắc Lắc) cũng là một trong những nguyên nhân khiến nguồn nước mặt tự nhiên bị chia cắt, phân mảnh và giảm sút. Tính đến cuối năm 2015, Tây Nguyên có 190 công trình thủy điện xây dựng trên các sông, suối, với tổng công suất thiết kế là 7.923kW (20% công suất hệ thống điện quốc gia).

Quá trình mở rộng diện tích không theo quy hoạch để trồng cây công nghiệp như cà phê, cao su, hồ tiêu, chanh dây… tại khu vực Tây Nguyên cũng dẫn tới tình trạng khai phá đất rừng. Bên cạnh đó, các yếu tố khách quan từ ảnh hưởng của hiện tượng El Nino kéo dài bất thường đã gây nên sự thiếu bền vững về an ninh nguồn nước tại khu vực này. Thực tế cho thấy, những năm gần đây, trên địa bàn Tây Nguyên, nắng hạn liên tục xảy ra, đặc biệt trong năm 2016, vùng đất này đã phải hứng chịu đợt khô hạn lịch sử trong hơn 20 năm qua. 

Ở Tây Nguyên, nông nghiệp là ngành kinh tế chính với tỷ lệ chiếm đến 90%, đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội. Thế nhưng, toàn vùng hiện đang thiếu khoảng 5 tỷ mét khối/năm và đến năm 2030 sẽ thiếu 5,5 tỷ mét khối/năm. Thiếu nước, Tây Nguyên sẽ thiếu lương thực và cuộc sống người dân sẽ rất khó khăn.

Sông Ba (Gia Lai) bị thủy điện An Khê-Ka Nat chặn dòng nên đã cạn trơ đáy. 

Đâu là giải pháp hữu hiệu?

Để khắc phục tình trạng thiếu nước trong sinh hoạt và phát triển sản xuất, tại thành phố Plei-cu, tỉnh Gia Lai, Ban chỉ đạo Tây Nguyên, Mạng lưới sông ngòi Việt Nam cùng Trung tâm Con người và Thiên nhiên đã phối hợp tổ chức Hội thảo “An ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên”. Các tham luận tại hội thảo đều đánh giá một cách tổng thể, toàn diện về thực trạng, mối quan hệ giữa an ninh nguồn nước và phát triển kinh tế-xã hội. Nhiều ý kiến cũng đã chỉ ra nguyên nhân thiếu nước, hạn hán và những biện pháp khắc phục để bảo đảm nguồn nước sinh hoạt, phát triển sản xuất cho người dân địa phương. Nhiều nhà khoa học khẳng định: “Muốn có nước, phải giữ lấy rừng”, vì nước ở khu vực này không thể giữ lại, nước theo các hệ thống sông chảy về vùng khác và chảy sang Cam-pu-chia. 

Theo Tiến sĩ Đào Trọng Tứ (Trung tâm Phát triển bền vững Tài nguyên nước và thích nghi biến đổi khí hậu), hệ lụy tác động đến nguồn nước ngầm có nguyên nhân từ việc xây dựng các dự án thủy điện ở Tây Nguyên. Số tiền các công trình thủy điện nộp ngân sách chỉ khoảng 6.500 tỷ đồng, không đáng kể so với những mất mát về môi trường, sinh thái và sinh kế của người dân, diện tích rừng và nông nghiệp bị mất, cảnh quan thiên nhiên thay đổi... Vì vậy, không nên phát triển thủy điện ở Tây Nguyên và đó cũng là yêu cầu của Ban chỉ đạo Tây Nguyên.

Trong chuyến kiểm tra tình hình hạn hán tại Gia Lai và chủ trì buổi làm việc với các tỉnh khu vực Tây Nguyên về công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả hạn hán vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có những chỉ đạo về lâu dài đối với việc bảo đảm nguồn nước cho vùng. Trong đó, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các địa phương, các cơ quan có liên quan rà soát kết quả điều tra, tiếp tục tìm kiếm nguồn nước gắn với tạo nguồn hỗ trợ cấp nước sinh hoạt cho nhân dân; chủ động thực hiện điều tra, quy hoạch tài nguyên, tài nguyên nước khu vực Tây Nguyên, nghiên cứu giải pháp phù hợp nhằm tăng cường quản lý, khai thác nguồn nước để phát triển kinh tế, xã hội hiệu quả, bền vững. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo kiên quyết thực hiện việc đóng cửa rừng tự nhiên, không chuyển mục đích sử dụng đất lâm nghiệp trong khu vực 2,25 triệu héc-ta rừng tự nhiên hiện có sang mục đích khác, kể cả các dự án, công trình đã được phê duyệt nhưng chưa triển khai, trừ các dự án phục vụ mục đích quốc phòng, an ninh quan trọng.

Để đạt được mục tiêu bảo đảm an ninh nguồn nước phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Nguyên, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương phải nhanh chóng hoàn thiện chính sách, pháp luật, chiến lược về tài nguyên nước nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ, khai thác, sử dụng nước hợp lý, tiết kiệm tài nguyên nước và phòng, chống có hiệu quả các tác hại do nước gây ra. Ngoài ra, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của xã hội về an ninh nguồn nước, trách nhiệm bảo vệ và sử dụng nguồn nước tiết kiệm, hiệu quả…, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường và bảo vệ nguồn nước, góp phần đưa Tây Nguyên phát triển bền vững.

Quang Lê/Báo QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất