Nằm ở độ cao 1.200 m so với mực nước biển, huyện KonPlông (tỉnh Kon Tum) có khí hậu ôn đới, quanh năm mát mẻ, nhiệt độ trung bình hàng năm giao động từ 16-220C, độ ẩm trung bình 82-84%. Hiện nay, một trong những thế mạnh chính của huyện KonPlông là phát triển du lịch sinh thái, trong đó khu du lịch sinh thái Măng Đen là “điểm nhấn” quan trọng, với cảnh quan thiên nhiên và hệ động, thực vật lý tưởng cho du lịch, nghỉ dưỡng gắn với nghiên cứu khoa học…
Mật độ rừng ở đây có độ che phủ hơn 80% diện tích tự nhiên; có nhiều hệ động vật, thực vật quý hiếm sinh sống; tập trung nhiều suối đá, thác (Đăk Ke, Pasih, Lô Ba), hồ (Toong Đam, Toong Zơri, Toong Pô)… Bên cạnh đó, địa bàn Kon Plông còn có tiềm năng về thuỷ điện rất lớn (thuỷ điện Thượng Kon Tum, thuỷ điện ĐăkPôNe, thuỷ điện ĐăkRe, thuỷ điện Đăk Lô, thủy điện ĐăkHRing...). Điều kiện tự nhiên và khí hậu môi trường ở KonPlông cũng rất thích hợp với việc trồng các loại rau, hoa xứ lạnh; phát triển nuôi cá hồi, cá tầm (loại cá xứ lạnh Châu Âu) cũng như đầu tư các cơ sở nuôi các loại động vật như hươu, nai, heo rừng, nhím, gà rừng, chim trĩ, trăn và nhiều loại động vật quý hiếm khác. Tất cả những yếu tố trên góp phần đẩy mạnh sự đa dạng các sản phẩm du lịch cho Khu Du lịch sinh thái Măng Đen - KonPlông.
|
Khởi công Thủy điện Thượng Kon Tum năm 2009 |
KonPlông còn có vị trí khá thuận lợi trong giao lưu phát triển kinh tế, là vị trí trung chuyển của Quốc lộ 24 nối liền giữa tỉnh Quảng Ngãi với tỉnh Kon Tum, là vùng chịu tác động tích cực của hành lang kinh tế Đông-Tây. Vì vậy, không những được Chính phủ bổ sung vào Quy hoạch du lịch sinh thái Quốc gia, KonPlông còn được Đảng bộ tỉnh, UBND tỉnh Kon Tum xác định là 1 trong 3 vùng kinh tế động lực của tỉnh. Hiện tại, Chính phủ đang đầu tư nâng cấp Quốc lộ 24 qua 3 xã và Trung tâm huyện; đường Trường sơn Đông đi qua xã Hiếu và xã Ngọc Tem - huyện KonPlông; UBND tỉnh Kon Tum đầu tư tuyến đường Ngọc Hoàng- Măng Bút- Tu Mơ Rông- Ngọc Linh dài gần 59 km, nối liền 3 huyện KonPlông-Đăk Glei-Tu mơ rông nối dài gặp đường Hồ Chí Minh; nâng cấp tỉnh lộ 676… Đây là những tuyến đường huyết mạch, sau khi hoàn thành sẽ mở ra cơ hội lớn để phát triển kinh tế-xã hội, khai thác du lịch sinh thái Măng Đen gắn với phát triển du lịch văn hóa cộng đồng.
Hiện nay, cùng với việc đầu tư kết cấu hạ tầng kỹ thuật, tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi về thuế, đất để thu hút các nhà đầu tư, huyện KonPlông đang tập trung khôi phục các làng nghề truyền thống như đan lát, dệt thổ cẩm và hình thành các điểm du lịch văn hóa, kết hợp với các lễ hội như lễ hội cồng chiêng, lễ hội đâm trâu, lễ hội ăn lúa mới; xây dựng, phát triển làng văn hóa du lịch. Huyện đã trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án “Đầu tư, tôn tạo, bảo tồn và phát triển làng văn hoá du lịch cộng đồng dân tộc thiểu số tại KonPlông”.
Công tác xúc tiến đầu tư được triển khai mạnh mẽ, với việc tham gia các hội nghị xúc tiến đầu tư tại Đăk Lăk, Quảng Ngãi; phát hành 5.000 tờ rơi, xây dựng 1.500 băng đĩa quảng bá và được phát hình trên sóng HTV9, VTV2... Tại huyện KonPlông, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ những người làm du lịch của Miền trung và Tây Nguyên, UBND tỉnh đã tổ chức lễ hội dân gian và nghệ thuật cồng chiêng các dân tộc thiểu số, với các hoạt động biểu diễn cồng chiêng, múa xoang, hát dân ca, các loại nhạc cụ dân tộc… nhằm giới thiệu với du khách, những người làm du lịch Tây Nguyên những nét văn hóa đặc trưng đậm đà bản sắc của người dân Kon Tum nói chung và huyện KonPlông nói riêng. Qua đó, Măng Đen - Konplông đã có nhiều người biết đến, nhiều nhà đầu tư đến khảo sát, đăng ký và triển khai các dự án trên địa bàn.
|
Vườn ươm trồng các loài hoa xứ lạnh tại Khu Du lịch sinh thái Măng Đen - KonPlông. |
Thời gian qua, UBND tỉnh Kon Tum đã phê duyệt quy hoạch chi tiết khu trung tâm thị trấn Măng Đen - KonPlông gắn với phát triển du lịch sinh thái Măng đen với tổng diện tích 720 ha. Trong đó quy hoạch chi tiết khu trung tâm thương mại và du lịch sinh thái hồ Đăk ke 75 ha; quy hoạch chi tiết 3 khu du lịch sinh thái Măng Đen 270 ha (Thác Đăk ke và thác Lô ba 95ha, hồ Toong Đam, Toongzơri 90 ha, khu sinh thái cảnh quan, leo núi, suối và thác Pasih 85 ha); quy hoạch chi tiết cụm tiểu thủ công nghiệp và làng nghề truyền thống đồng bào các dân tộc Tây Nguyên 55 ha; quy hoạch chi tiết khu trung tâm thị trấn 70 ha; quy hoạch chi tiết phía Đông, phía Tây, phía Nam, phía bắc khu trung tâm thị trấn 250 ha. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì thực hiện lập quy hoạch và thống nhất chỉ thực hiện triển khai lập một quy hoạch và tên quy hoạch thống nhất là “Quy hoạch chung xây dựng đô thị Du lịch sinh thái Măng Đen và vùng phụ cận huyện Konplông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030”.
Tuy trước mắt còn nhiều bộn bề, khó khăn, lượng khách đến du lịch, tham quan đến với Măng Đen-KonPlông chưa nhiều như mong muốn, nhưng trong tương lai không xa, cùng với sự quan tâm đầu tư của Chính phủ và quyết tâm của chính quyền, nhân dân địa phương, khu du lịch sinh thái Măng Đen - KonPlông sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước.
Với mục tiêu của Đại hội Đảng bộ huyện KonPlông lần thứ XVII đề ra: phấn đấu nâng tỷ trọng của ngành thương mại-dịch vụ trong tổng sản phẩm xã hội của huyện từ 18,77% (năm 2010) lên 27,32% (năm 2015); đến sau năm 2015 đưa ngành du lịch của huyện trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, tạo động lực để thúc đẩy các ngành kinh tế khác cùng phát triển. Trong thời gian tới, cùng với việc phối hợp với các sở, ngành của Tỉnh, bộ, ngành của Chính phủ sớm hoàn chỉnh “Quy hoạch chung xây dựng đô thị Du lịch sinh thái Măng Đen và vùng phụ cận huyện Konplông, tỉnh Kon Tum đến năm 2030”, huyện tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ bản, chủ yếu sau:
Đẩy nhanh tiến độ, hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển Kinh tế - Xã hội đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Tiếp tục xây dựng Kế hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng du lịch giai đoạn 2011-2015; thực hiện tốt Đề án tôn tạo và phát triển làng văn hóa các dân tộc trên địa bàn huyện gắn với du lịch sinh thái.
|
Khu Nhà nghỉ tại Măng Đen - KonPlông |
Xây dựng một số cơ chế chính sách đặc thù cho vùng Kinh tế động lực KonPlông nhằm tạo môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng, hấp dẫn để thu hút các nhà đầu tư.
Tranh thủ và huy động nhiều nguồn lực từ ngân sách nhà nước để tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, các công trình công cộng bảo đảm các dịch vụ công đủ mạnh. Làm việc với cấp trên cho chủ trương đầu tư các dự án thuộc thẩm quyền như: Dự án đầu tư sân bay mini Măng Đen; Dự án đầu tư Casino; Dự án xây dựng làng đại học...
Đẩy mạnh giới thiệu du lịch sinh thái Măng Đen tại một số tỉnh, thành trong cả nước bằng các hình thức quảng bá phù hợp như: thường xuyên tổ chức, hoặc tích cực tham gia các hội thảo, hội nghị xúc tiến đầu tư du lịch, thông qua đó lồng ghép chương trình quảng bá giới thiệu tiềm năng của du lịch sinh thái Măng Đen; đồng thời quảng bá rộng rãi qua mạng Internet, xuất bản một số ấn phẩm, tờ rơi, tờ gấp giới thiệu du lịch sinh thái Măng Đen với các nhà đầu tư, khách du lịch ... nhằm kêu gọi, thu hút đầu tư.
|
Hoàng hôn bên hồ |
Đầu tư làng văn hóa du lịch như làng Tu rằng, Kon Năng, Kon Chênh xã Măng cành; Konpring, Kon ke xã Đắk Long. Khôi phục các lễ hội văn hóa, nét đẹp văn hóa, bản sắc của đồng bào các dân tộc trong huyện; đồng thời quảng bá những nét đặc trưng của du lịch sinh thái Măng Đen nhằm thu hút khách du lịch.
Thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, nhất là bảo tồn các loại động, thực vật quý hiếm, làm cho môi trường sinh thái ngày càng trong lành, đa dạng và phong phú.
Tiếp tục du nhập các mô hình trồng rau, hoa, quả xứ lạnh, nuôi cá hồi, cá tầm để phục vụ nhu cầu du khách, tiến tới mở ra đại trà để đồng bào làm quen dần với sản xuất hàng hoá. Hướng dẫn bà con trực tiếp làm du lịch qua việc giới thiệu với du khách những nét độc đáo trong sinh hoạt văn hoá, ẩm thực của dân tộc mình. Qua đó tạo việc làm, tăng thu nhập cho nhân dân trên địa bàn. Đây là một trong những giải pháp lớn góp phần giúp huyện KonPlông thoát nghèo, vươn lên phát triển bền vững./.
Mỹ Thu
Ban Tuyên giáo Huyện uỷ KonPlông - Kon Tum