Thứ Ba, 1/10/2024
Kinh tế
Thứ Tư, 29/2/2012 21:16'(GMT+7)

Tái cấu trúc ngân hàng: Nhận đúng đường sẽ có cơ bứt phá

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng VP Bank.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng VP Bank.

-Thưa bà, 2011 là một năm đầy khó khăn với ngành ngân hàng, sang năm 2012, vẫn dự báo tiếp tục chặng đường không dễ dàng... Bà nhìn nhận thế nào về vấn đề này?

PGS-TS Nguyễn Thị Mùi: Năm 2011 là một năm nhiều khó khăn do tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam lại phải đối mặt với những bất ổn do tích tụ từ nhiều năm trước như lạm phát tăng cao và đồng tiền mất giá mạnh... Năm 2012, dự báo những khó khăn của nền kinh tế sẽ tác động lớn đến hoạt động của hệ thống ngân hàng, trong khi những bất ổn của hệ thống đang phải từng bước xử lý như: vấn đề thanh khoản, nợ xấu, quản trị nội bộ và vấn đề tái cấu trúc hệ thống… Vì thế, theo dự cảm của tôi, năm 2012 trong khó khăn sẽ có những cơ hội, trong đó ngân hàng nào nhận định đúng, xác định được hướng đi phù hợp và có hành động kịp thời, thì ngân hàng đó sẽ phát triển bền vững và bứt phá.

- Quan điểm của Chính phủ rất rõ: ngân hàng phải chia sẻ khó khăn chung với nền kinh tế. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều doanh nghiệp khó tiếp cận vốn dẫn tới phá sản, trong khi nhiều ngân hàng thông báo lợi nhuận cuối năm từ hàng trăm đến hàng nghìn tỷ đồng lãi trước thuế. Vậy hệ thống ngân hàng đã làm tốt nhiệm vụ của mình hay chưa?

PGS-TS Nguyễn Thị Mùi: Trong năm 2011, có nhiều doanh nghiệp phá sản nhưng cũng có không ít các doanh nghiệp có lợi nhuận cao. Ngân hàng cũng là doanh nghiệp và họ cũng vậy, một số ngân hàng lãi cao nhưng cũng không ít ngân hàng rơi vào tình trạng mất thanh khoản, phải hợp nhất hoặc phải có sự trợ giúp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Đặc biệt, dẫu đóng vai trò trung gian tài chính trong nền kinh tế với những rủi ro tiềm ẩm lớn, hoạt động ngân hàng vẫn buộc phải tuân thủ những nguyên tắc, thông lệ mà NHNN quy định. Đó là vừa ổn định cung ứng vốn cho nền kinh tế, vừa bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh ngân hàng. Các ngân hàng không thể bán vốn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ để đến hạn không có khả năng thu hồi vốn cho vay, ảnh hưởng tới sự an toàn của từng ngân hàng cũng như cả hệ thống ngân hàng.

Mặt khác, trong bối cảnh lạm phát cao, với lãi suất huy động 14%/ năm cho từng kỳ hạn, nhiều ngân hàng khó khăn trong khâu huy động. Do vậy trên “chợ”, không thể áp chủ quan giá bán vốn của một số ngân hàng phải thấp xuống để “cứu” doanh nghiệp, bởi lãi suất cho vay còn phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đo có lãi suất huy động, và cung cầu vốn và lạm phát. Và chỉ khi khách hàng/doanh nghiệp tồn tại và phát triển bền vững, thì ngân hàng mới có điều kiện phát triển ổn định và bền vững.

Vì thế, chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp là việc các NHTM đều làm, nhưng cần có tính chọn lọc.

- Thực tế là tỷ lệ an toàn vốn của các ngân hàng khá thấp, trong khi nợ xấu cao, nhưng nhiều ngân hàng vẫn đưa ra báo cáo tài chính với lợi nhuận lớn. Ở đây, tính minh bạch của các ngân hàng đã “chuyên nghiệp” hay chưa thưa bà?

PGS-TS Nguyễn Thị Mùi: Theo tôi, đến thời điểm này, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu theo quy định của NHNN đối với các NHTM hầu hết đã đạt 9% (VCB 10%; CTG 9,86%; BIDV 10,28%...).

Tương tự, tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của một số NHTM đến 31-12-2011 ở mức thấp hoặc vẫn trong giới hạn cho phép, chỉ số ROA (tỷ số lợi nhuận ròng trên tài sản) và ROE (tỷ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu) cũng ở mức khá cao.

Như vậy, nếu cho rằng tất cả các NHTM Việt Nam tỷ lệ an toàn vốn rất thấp, tỷ lệ nợ xấu hiện rất cao… mà vẫn có lợi nhuận lợi thì chưa chuẩn xác.

Ở những ngân hàng có lợi nhuận lớn, thường là những ngân hàng có định hướng kinh doanh đúng, nắm bắt được cơ hội, thì ngân hàng đó vẫn duy trì được tăng trưởng cao và có lợi nhuận ổn định. Vấn đề cần bàn ở đây là độ chuẩn xác của các chỉ tiêu tài chính và tính minh bạch thông tin trên các báo cáo tài chính. Song, cho dù báo cáo tài chính đã được kiểm toán, thì đó cũng chỉ là thông tin tại thời điểm kiểm toán. Điều quan trọng hơn đó là yêu cầu các NHTM từng bước minh bạch thông tin, hạch toán đúng và đủ các khoản chi phí phát sinh, phân loại nợ và trích dự phòng rủi ro theo đúng các quy định hiện hành của NHNN, tiến tới việc công bố đầy đủ các tiêu chí và xếp hạng ngân hàng. Đây là vấn đề luôn được người dân và các nhà đầu tư quan tâm.

-Thống đốc Nguyễn Văn Bình khẳng định, NHNN sẽ tiếp tục kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu tổng phương tiện thanh toán tăng 14-16%, tín dụng tăng 15-17%... Chính sách tiền tệ vẫn ưu tiên cho kiềm chế lạm phát, nếu thị trường chưa ổn định, NHNN sẽ chưa bỏ quy định trần lãi suất tiền gửi, thậm chí có thể áp trần lãi suất tiền vay. Ý kiến của bà về vấn đề này?

PGS-TS Nguyễn Thị Mùi: Việc NHNN tiếp tục kiểm soát lượng tiền cung ứng phù hợp với mục tiêu tổng phương tiện thanh toán dự kiến tăng 14-16%, tín dụng tăng 15-17% trong bối cảnh lạm phát vẫn còn cao, vĩ mô vẫn còn những dấu hiệu bất ổn… là hợp lý. Bởi trong thời gian qua, tín dụng ngân hàng luôn tăng trưởng nóng (khoảng 120%/GDP; cung tiền rất lớn), trong khi sử dụng vốn vay cũng như hiệu quả đầu tư công không cao. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến lạm phát, và bất ổn trong hoạt động ngân hàng.

Vì thế, thực hiện chính sách tiền tệ ưu tiên cho lạm phát là hợp lý nếu lạm phát vẫn có xu hướng tăng cao. Tuy nhiên, không nên cứng nhắc, bởi kiềm chế lạm phát không phải bằng mọi giá, mà cần xử lý nó trong mối quan hệ với việc giải quyết an sinh xã hội và lành mạnh hoá hệ thống ngân hàng.

Mới đây, NHNN đã giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2012 cho các nhóm ngân hàng. Động thái này không chỉ khẳng định cần phải giám sát chặt chẽ tăng trưởng tín dụng để kiềm chế lạm phát, mà còn hướng đến xử lý thanh khoản nhóm ngân hàng yếu kém, đang mất an toàn. Vì vậy, vấn đề đặt ra, việc bỏ quy định lãi suất tiền gửi hay áp trần lãi suất tiền vay thì cần phải xem xét trên cả hai phương diện: Điều kiện cần và đủ.

Lạm phát mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ chính là khả năng thanh khoản của các ngân hàng và những bất ổn trên thị trường liên ngân hàng. Chỉ khi đó mới thực sự có dư địa để giảm lãi suất hay bỏ trần lãi suất tiền gửi mà không sợ gây ra những xáo trộn lớn trong nền kinh tế.

- Nhiều ý kiến cho rằng, với phương châm: Đi chậm lại để kiểm soát rủi ro tốt hơn, đi chậm lại để có quyết sách hợp lý, hiệu quả, để từ đó xây dựng một nền tảng tài chính tốt hơn cho những năm tiếp theo. Phải chăng đây là hướng đi “sáng”trong tiến trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng năm 2012 và những năm tới?

PGS-TS Nguyễn Thị Mùi: Người ta hay nói “chậm mà chắc”, song không phải trong mọi trường hợp đều đúng. Song, nếu lập luận như vậy thì khoảng cách thua kém của hệ thống ngân hàng Việt Nam so với các nước trong khu vực sẽ rất lớn.

Một khi có định hướng đúng, nắm bắt được thời cơ và có đủ điều kiện để phát huy những thế mạnh này một cách an toàn và hiệu quả thì không nhất thiết “phải đi chậm lại”.

Chẳng hạn năm 2011, tăng trưởng tín dụng của toàn hệ thống chỉ ở khoảng 10,9% (theo số liệu NHNN vừa cập nhật đến ngày 21-12-2011), nhưng tín dụng cho xuất khẩu vẫn tăng tới 58%, chính điều này đã góp phần kiềm chế nhập siêu tốt hơn. Điều đó có nghĩa, dòng vốn được điều chỉnh đến những địa chỉ cần ưu tiên để tạo động lực cho các lĩnh vực khác phát triển theo.

Chủ động “đi chậm lại” là cần thiết để tiến nhanh hơn, song phải có lộ trình và mục tiêu rõ ràng cho từng giai đoạn cụ thể, thì việc “đi chậm lại” mới thực sự mang lại hiệu quả. Còn nếu “đi chậm lại” chỉ bởi không thể đi nhanh hơn, thì rất cần phải xem xét đến những nguyên nhân đằng sau quá trình này.

Xin cảm ơn bà.

Theo Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất