Thứ Tư, 9/10/2024
Tuyên giáo các cấp
Thứ Tư, 1/4/2009 12:35'(GMT+7)

Giải pháp đổi mới hoạt động giám sát khi không còn HĐND cấp huyện ở Lào Cai

Kỳ họp thứ 11 HĐND huyện Bảo Yên (Lào Cai) khóa XV .

Kỳ họp thứ 11 HĐND huyện Bảo Yên (Lào Cai) khóa XV .

Lào Cai là một trong 10 tỉnh, thành được thí điểm thực hiện không tổ chức HĐND huyện, phường. Việc thí điểm này cho thấy không đơn thuần là việc giữ hay bỏ HĐND cấp huyện mà có ý nghĩa quan trọng hơn là tìm cách hoàn thiện mô hình hoạt động của chính quyền địa phương để nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động. Dù chưa đi vào thực hiện, song chúng ta cũng dễ nhận thấy HĐND tỉnh sẽ gặp sức ép rất lớn do địa bàn giám sát quá rộng, đại biểu HĐND tỉnh phần lớp hoạt động không chuyên trách, hoạt động chủ yếu tại kỳ họp, ít có thời gian dành cho hoạt động giám sát trước và sau kỳ họp. Vì vậy, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND nói chung và hoạt động giám sát nói riêng khi không còn HĐND huyện, nhất thiết phải đồng thời quan tâm xử lý cả hai loại việc.

Thứ nhất, ngay sau khi nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội có hiệu lực thi hành, Thường trực HĐND và các Ban HĐND tỉnh cần xúc tiến ngay việc tổng hợp lại tất cả các chương trình giám sát của HĐND các huyện đã ra nghị quyết thực hiện trong năm 2009 để điều chỉnh, lồng ghép, bổ sung vào chương trình giám sát của HĐND tỉnh năm 2009 cho phù hợp với tình hình thực tế nhằm đảm bảo các hoạt động giám sát trên địa bàn huyện vẫn được duy trì theo đúng chương trình đã xác định. Không để nảy sinh tư tưởng coi nhẹ vai trò, chức năng, nhiệm vụ của HĐND các cấp đã được pháp luật quy định. Thực hiện tốt, hiệu quả cả hai hình thức giám sát chuyên đề và khảo sát, giám sát thường xuyên, trong đó đặc biệt quan tâm đến khảo sát, giám sát thường xuyên việc thực hiện nghị quyết HĐND giữa hai kỳ họp. Có cơ chế cụ thể và đổi mới nâng cao vai trò hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND tỉnh trên địa bàn huyện. Đối với các cuộc giám sát chuyên đề, khảo sát, giám sát thường xuyên tại cơ sở nhất thiết Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh phải thông báo và mời đại biểu HĐND tỉnh cùng tham gia đoàn giám sát, khảo sát. Nên tính tới phương thức: Thường trực HĐND tỉnh giao trực tiếp cho Tổ đại biểu chủ trì khảo sát, giám sát những vấn đề nổi cộm nhiều ý kiến của cử tri phản ánh, kết quả giám sát báo cáo về Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh để tổng hợp. Giữa hai kỳ họp cần có thêm các cuộc tiếp xúc cử tri, các buổi làm việc, chất vấn chuyên đề của Thường trực, các Ban HĐND tỉnh về những vấn đề bức xúc để thu nhận được nhiều ý kiến phản hồi, có thêm nhiều ý kiến phản biện trong các báo cáo thẩm tra của các cơ quan chuyên môn HĐND tỉnh trình tại kỳ họp. Trước kỳ họp cần bố trí thời gian thoả đáng cho các Tổ đại biểu HĐND tỉnh họp liên tịch với UBND và các cơ quan chuyên môn của UBND huyện, các đoàn thể cùng cấp thảo luận, tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo các báo cáo của UBND tỉnh dự kiến trình tại kỳ họp. Không nên bó hẹp việc họp Tổ đại biểu chỉ để tham gia ý kiến vào dự thảo các nghị quyết HĐND tỉnh dự kiến sẽ thông qua tại kỳ họp. Sớm đưa việc tham vấn ý kiến nhân dân về các cơ chế, chính sách của tỉnh đã và sẽ ban hành đi vào nền nếp và thường xuyên.

Thứ hai, khi không còn HĐND huyện việc tăng cường HĐND tỉnh về số lượng, chất lượng đại biểu, về cơ sở vật chất, điều kiện làm việc là điều đặc biệt quan trọng. Đề nghị cần tăng số lượng và chất lượng của Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh hoạt động chuyên trách. Tăng cường chuyên viên giúp việc cho Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND có trình độ chuyên môn sâu theo từng lĩnh vực, yên tâm và tâm huyết để cùng với các cơ quan của HĐND thực sự có đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ theo quy định của luật. Thực tế cho thấy, trong những điều kiện cụ thể, vị trí trong Đảng của người đứng đầu cơ quan Thường trực HĐND và các Ban HĐND có ảnh hưởng nhiều mặt đến chất lượng và hiệu quả của cơ quan HĐND. Đôi khi sự lúng túng trong hoạt động của Thường trực và các Ban HĐND tỉnh là do tiếng nói trong bộ máy HĐND chưa có sức nặng cần thiết do tâm lý nể nang thường gặp. Cần xem xét quy định nhiệm vụ cụ thể và quyền lợi rõ ràng đối với những chức danh kiêm nhiệm. Đồng thời quy định cụ thể cho thành viên của Thường trực HĐND, các Ban HĐND hoạt động kiêm nhiệm dành bao nhiêu thời gian cho hoạt động dân cử, đại biểu kiêm nhiệm không được viện dẫn lý do khó khăn quá bận công việc chuyên môn để từ chối các hoạt động đại biểu. Cần ban hành những cơ chế, quy định cụ thể về hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND giữa hai kỳ họp, chương trình giám sát trực tiếp của HĐND trong kỳ họp, chương trình giám sát việc thực hiện kiến nghị sau giám sát. Mở các lớp bồi dưỡng cho đại biểu HĐND nắm vững và thực hiện tốt các kỹ năng: Đọc, ghi chép, tra cứu tài liệu; tiếp xúc cử tri; chất vấn; giám sát; phân tích tổng hợp và xử lý thông tin... Làm được như vậy chắc chắn sẽ phát huy được vai trò của cơ quan dân cử và đại biểu dân cử một cách đầy đủ, góp phần làm tăng thêm sức mạnh của cả hệ thống chính trị, phát huy được vai trò của HĐND tỉnh trong cơ chế: Đảng lãnh đạo - Chính quyền quản lý - Nhân dân làm chủ./.

(Theo: Hoàng Mịch/Báo Lào Cai)

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất