Nicotine chính là thủ phạm gây nghiện trong thuốc lá và khiến người hút TL không thể bỏ được. Khi hút thuốc, nồng độ nicotine tăng nhanh, chỉ trong vài giây vượt qua ngưỡng sảng khoái, khiến người hút thuốc cảm thấy yêu đời, an tâm, sảng khoái, thư giãn, tăng mức độ thức tỉnh, tăng mức tập trung, chú ý, tăng hiệu quả hoạt động trí óc, giảm cân nặng. Khi nồng độ nicotine giảm xuống ngưỡng khó chịu, gây mất ngủ, trầm cảm, cáu gắt, lo âu, khó tập trung, ớn lạnh, sốt, thèm ăn... thúc đẩy bệnh nhân tiếp tục hút TL để duy trì được những cảm giác dễ chịu do hút TL mang lại và tránh né những cảm giác khó chịu do thiếu TL gây ra.
Theo BS Hoàng Anh Đức, Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai, với bệnh nghiện TL, không có phương pháp “tuyệt vời”, đơn độc để cai, cũng không có loại thuốc nào uống để biến một người hôm qua còn hút cả gói thành người không hút TL chỉ sau 1 ngày hay trong một thời gian ngắn. Thành công cai TL dựa vào “nỗ lực”, quyết tâm của bệnh nhân. Điều kiện tiên quyết để cai TL thành công là kiến thức (biết tác hại thuốc lá, cảm giác khó chịu khi bỏ thuốc…), quyết tâm cai TL và sự hỗ trợ.
Song song đó, phương pháp điều trị nhận thức chuyển đổi hành vi: Tự can thiệp, lời khuyên của bác sĩ, điều dưỡng thông qua tư vấn cá nhân, tư vấn theo nhóm và tư vấn qua điện thoại (đường dây tư vấn) cũng sẽ giúp thay đổi nhận thức, hành vi và quyết tâm bỏ TL. Điều trị nhận thức chuyển đổi hành vi đóng vai trò rất quan trọng. Với bệnh nhân nghiện thực thể vừa và nặng thì chưa đủ, cần có những biện pháp hỗ trợ bằng thuốc để người bệnh vượt qua hội chứng cai.
Triệu chứng cai thuốc gây nhiều khó chịu cho bệnh nhân, là nguyên nhân gây tái nghiện và cai thuốc không thành công. Vì thế, người nghiện TL cần có thuốc hỗ trợ cai. Thuốc hỗ trợ cai TL có tác dụng giảm nhẹ, loại bỏ các cảm giác khó chịu, làm giảm nhẹ các cảm giác hưng phấn do hút thuốc mang lại và góp phần cai TL thành công. Hiện tại có 3 chế phẩm chính: nicotine thay thế, bupropion, varenicline, chỉ định rộng rãi cho mọi người nghiện thuốc lá muốn cai TL. Nicotine, bupropion, varenicline giảm hội chứng cai thuốc lá. Varenicline làm giảm hưng phấn khi hút TL. Thuốc hỗ trợ là thành tố then chốt trong cai nghiện TL, tăng gấp đôi hiệu quả tư vấn nhưng không thay thế tư vấn.
Qua nghiên cứu, áp dụng cả phương pháp tư vấn kết hợp dùng thuốc hỗ trợ, tỷ lệ cai TL thành công hơn chỉ tư vấn đơn thuần. Tuy nhiên, nhân viên y tế chỉ tư vấn đơn thuần cũng giúp 15% bệnh nhân bỏ TL thành công. Phần lớn bệnh nhân dạng này mới chỉ nghiện TL ở mức độ nhẹ. Chỉ định phối hợp trị liệu cho bệnh nhân nghiện thực thể nặng (không cai nổi, tái nghiện sớm, tái nghiện nhiều lần) hoặc nghiện thuốc lá, nguy cơ cao (bệnh nhân COPD, hen suyễn, ung thư, chờ ghép phổi).
BS Hoàng Anh Đức nhấn mạnh: Nghiện TL là một bệnh lý thực thể, cần được chẩn đoán và điều trị như các bệnh lý khác. Điều trị cai nghiện TL là hỗ trợ thay đổi nhận thức - hành vi, điều trị thuốc hỗ trợ cho bệnh nhân. Tái nghiện, không phải là thất bại, ngược lại là bước cần thiết, bước đầu tiên đi đến thành công.
Tỷ lệ cai thuốc thành công ở Mỹ là 7,5%; Anh là 23%; Úc là 23% và Trung Quốc là 20%. Con số của Việt Nam cũng tương tự. Những con số thực tế này đã cho thấy rằng các chương trình chống và giảm tác hại thuốc lá điếu trên toàn cầu không thành công như mong đợi, thậm chí có thể được xem là thất bại. Do đó, cần có các giải pháp mới hơn để “vá lỗ hổng” này.
Giảm tác hại bằng liệu pháp nicotin thay thế: Tốt nhưng chưa thành công
Hiện nay, có 3 yếu tố khiến việc cai thuốc lá không đơn giản. Đầu tiên, phải biết rằng người hút thuốc lá ngoài việc bị ảnh hưởng gây nghiện của nicotin, còn bị lệ thuộc vào tâm lý và thói quen. Hút thuốc lá và đốt điếu thuốc lá đều là những phản xạ có điều kiện. Theo đó, người hút thuốc lá sẽ hình thành thói quen hút một điếu thuốc sau khi ăn cơm, trong khi gặp gỡ bạn bè, hay khi vừa ra khỏi máy bay… Dần dần, cứ mỗi một khoảng thời gian hay một hành vi nhất định, người hút thuốc sẽ có phản xạ đốt điếu thuốc, không thể “bẻ gãy thói quen” này được.
Ảnh minh họa
Tổng hợp hai yếu tố tâm lý này sẽ lý giải được vì sao các giải pháp thay thế nicotin bao gồm nicotin dán, ngậm... đều thất bại. Từ năm 1985, khi FDA của Mỹ bắt đầu chấp thuận các liệu pháp nicotin thay thế thì tỷ lệ cai thuốc lá thành công cũng không có sự thay đổi nào đáng kể, dù liệu pháp này được bán phổ biến khắp các siêu thị Mỹ.
Yếu tố thứ ba phổ biến hơn ở châu Âu, đó là việc tăng cân. Nhiều người quan tâm đến thẩm mỹ và lo ngại chuyện tăng cân nếu như bỏ thuốc lá.
Từ thực tế này, thế giới hiện đã nghiên cứu và áp dụng cách tiếp cận theo hướng giảm tác hại vì không thể mãi bám vào những chiến lược hiện tại khi số liệu và lịch sử đã chứng minh những giải pháp này không đem lại hiệu quả đáng kể ở mức độ cộng đồng.
Loại bỏ quá trình đốt cháy: Giải pháp giảm tác hại mà người hút thuốc cần
Ai cũng biết, muốn hút thuốc lá điếu thì phải đốt thuốc. Khi đó, nhiệt độ đầu điếu thuốc lá bị đốt tăng lên đến 900oC và sinh ra những chất và hợp chất cực kỳ độc hại như: những chất sinh ung thư, carbon monoxid, chất gây xơ vữa thành động mạch tăng lên đáng kể và gây ra các bệnh lý liên quan đến hút thuốc lá. Do đó, nếu quá trình đốt cháy được loại bỏ, hàm lượng các chất gây hại sẽ giảm đi đáng kể.
Trong khi đó, nicotin là một chất tương đối không độc hại, không có tác dụng ngoại lý nghiêm trọng, không tăng yếu tố tim mạch, tỷ lệ ung thư và tử vong. FDA của Mỹ và Viện Y tế và Chất lượng Điều trị Quốc gia Anh (NICE) đã xác nhận rằng nicotin không phải là nguyên nhân chính của những bệnh lý do hút thuốc.
Từ những hiểu biết về tập tính của người hút thuốc và khoa học của việc loại bỏ quá trình đốt cháy, các giải pháp giảm tác hại thế hệ tiếp theo phải đáp ứng được cả hai yếu tố này. Có như vậy thì mới dễ dàng thuyết phục được người hút thuốc chuyển đổi.
Đến nay, các nghiên cứu trong lĩnh vực tim mạch về các sản phẩm giảm tác hại thay thế thuốc lá điếu áp dụng công nghệ loại bỏ quá trình đốt cháy đã được công bố trên các tạp chí uy tín trên thế giới, như: Tạp chí Tim mạch châu Âu, Tạp chí Y khoa châu Âu... Tạp chí uy tín Circulation còn đăng tải một nghiên cứu được thực hiện trên 5 triệu người hút thuốc lá nhằm đánh giá mối liên hệ giữa những thay đổi trong thói quen sử dụng thuốc lá đốt cháy và thuốc lá không đốt cháy với nguy cơ mắc bệnh tim mạch trong ngắn hạn. Kết quả cho thấy, khi người dùng thuốc lá điếu đốt cháy chuyển đổi sang sử dụng thuốc lá không đốt cháy thì nguy cơ mắc các bệnh tim mạch thấp hơn 34% so với tiếp tục hút thuốc lá điếu đốt cháy. Dĩ nhiên, việc cai hoàn toàn thuốc lá và nicotin vẫn luôn là tốt nhất.
Hiện nay, trên thế giới, ngoài hai tổ chức uy tín FDA của Mỹ và NICE (Anh) nói trên, Bộ Y tế Nhật Bản cũng đã chính thức cho phép thương mại các sản phẩm áp dụng công nghệ loại bỏ quá trình đốt cháy này. Thậm chí, Bộ Y tế Anh Quốc còn có khuyến cáo sử dụng các sản phẩm công nghệ này để giúp người hút thuốc cai thuốc lá.
Có thể nói, chính sách “Zero thuốc lá” này cũng tương tự như chính sách “Zero COVID’, đều là cách tiếp cận không khả thi. Nếu xã hội chấp nhận sống chung hòa bình với COVID và áp dụng chiến lược giảm thiểu tác hại bằng 5K; thì tương tự với thuốc lá, cũng nên nhìn nhận công bằng dựa trên sở cứ khoa học và sớm áp dụng chiến lược giảm tác hại để bổ trợ cho các chính sách về sức khỏe cộng đồng./.
Gọi 1800 6606 để được tư vấn, hỗ trợ cai thuốc lá
(CT) - Thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai, Tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá hotline 1800 6606 (miễn phí), hoạt động từ 8:00 đến 22:00 hằng ngày, kể cả thứ 7, chủ nhật (trừ ngày lễ, Tết).
Tổng đài tư vấn, hỗ trợ bệnh nhân đến khi cai thuốc thành công. Trong 3 năm (2019-2021), Tổng đài tư vấn cai nghiện thuốc lá đã tiếp nhận tổng cộng 36.657 cuộc gọi tới dịch vụ 1800 6606. Tổng đài viên đều có chứng chỉ về tư vấn cai nghiện thuốc lá; được đào tạo chuyên sâu kỹ năng tư vấn và có kiến thức về cai nghiện thuốc lá.
Từ tháng 12-2021, Bệnh viện Bạch Mai xây dựng hệ thống đánh giá sau cuộc gọi tư vấn của Tổng đài nhằm đo lường mức độ hài lòng của bệnh nhân đối với tư vấn viên. |
Thanh Tú