Thứ Hai, 25/11/2024
Thời sự - Chính trị
Thứ Năm, 15/11/2012 10:18'(GMT+7)

Giải pháp mạnh hơn tháo gỡ 2 "nút thắt"

Thủ tướng nêu rõ tại kỳ họp Quốc hội lần này, nhiều đại biểu đã bày tỏ lo lắng về tình trạng tồn kho cao, nợ xấu lớn và Chính phủ nhận thức rõ điều đó. Nghị quyết 13 tuy có những tác động tích cực nhưng chưa đủ mức, cần có những giải pháp mạnh hơn cả về cơ chế chính sách và nguồn lực, để đưa nền kinh tế vượt qua sức ỳ, ra khỏi khó khăn, tạo đà đi lên.

Xem xét gói hỗ trợ doanh nghiệp lớn hơn, dài hơi hơn

Nhằm tháo gỡ "nút thắt" tồn kho, Chính phủ đề ra 3 nhóm giải pháp. Thứ nhất, Chính phủ sẽ tập trung vào các giải pháp tăng nhanh tổng cầu của nền kinh tế. Cụ thể, mở rộng tín dụng cho sản xuất và tiêu dùng, tăng dư nợ tín dụng của nền kinh tế.

Cùng với việc đẩy mạnh giải ngân các công trình trong kế hoạch đầu tư năm 2012, sẽ phân bổ ngay vốn và đẩy nhanh tiến độ các dự án trong kế hoạch 2013, tập trung cho những dự án tạo sức lan toả lớn, những dự án thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới, nhà ở xã hội, ký túc xá học sinh sinh viên. Thực hiện chủ trương hỗ trợ xi măng, sắt thép cho việc cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các công trình giao thông, thủy lợi ở nông thôn, nhà ở cho hộ nghèo...

Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về dự toán ngân sách nhà nước năm 2013, trong đó, điều chỉnh mức lương tối thiểu từ 1,05 triệu đồng lên 1,15 triệu đồng, đồng thời tìm mọi giải pháp cân đối nguồn để khi có điều kiện tiếp tục tăng lương theo sát lộ trình…

Thứ hai là nhóm giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu. Chính phủ sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến bán hàng, coi trọng bán hàng sản xuất trong nước trên thị trường nội địa, đưa hàng Việt về nông thôn. Khuyến khích các doanh nghiệp liên kết tiêu thụ sản phẩm sản xuất trong nước.

Cùng với đó, quản lý chặt việc buôn bán qua biên giới, ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn lậu dưới mọi hình thức…

Nhóm giải pháp thứ ba là giảm chi phí sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hạ giá thành và tiêu thụ sản phẩm. Để giải quyết vấn đề vốn cho doanh nghiệp,  tiếp tục hạ lãi suất tín dụng phù hợp với mức giảm của lạm phát; tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận tín dụng. Ban hành cơ chế mới về bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp vừa và nhỏ. Thực hiện khoanh nợ hoặc bảo lãnh cho những doanh nghiệp kinh doanh hiệu quả nhưng đang gặp khó khăn tạm thời. Tăng hạn mức tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn và cho hộ nông dân vay tín chấp…

Đặc biệt, Thủ tướng cho biết sẽ thực hiện các biện pháp nuôi dưỡng nguồn thu, tạo khả năng tăng thu về sau; xem xét áp dụng các biện pháp về thuế, phí và các gói hỗ trợ ngay trong nửa đầu năm với mức độ lớn hơn, thời gian dài hơn…

Đẩy mạnh đơn giản hóa thủ tục hành chính và trên cơ sở những thực tiễn tốt nhất đã đạt được ở những địa phương, đơn vị trong từng lĩnh vực quản lý, lấy đó làm tiêu chuẩn áp dụng chung cho toàn ngành, toàn quốc…

Cả ba nhóm giải pháp nêu trên đều cần có nguồn lực tài chính, đòi hỏi phải tăng cường công tác chống thất thu và điều đặc biệt quan trọng là triệt để thực hành tiết kiệm. Chính phủ sẽ quy định chặt chẽ hơn việc tiết kiệm chi tiêu ngân sách năm 2013.

Báo cáo của Thủ tướng Chính phủ cho thấy Chính phủ quan tâm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản – lĩnh vực liên quan trực tiếp và đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số nợ xấu. Những giải pháp đề ra cụ thể là: Mở rộng tín dụng cho vay mua nhà; rà soát các dự án đã giao để xác định các dự án tạm dừng, dự án được tiếp tục triển khai, các dự án cần điều chỉnh cơ cấu sản phẩm cho phù hợp; cho phép phân nhỏ các căn hộ phù hợp với quy hoạch; khuyến khích hạ giá bán; đẩy mạnh thu hút đầu tư nước ngoài; tăng cường quản lý nhà nước về thị trường bất động sản…

Đưa mức nợ xấu về khoảng 3-4%

Thủ tướng nêu rõ, việc xử lý nợ xấu là yêu cầu cấp bách, cần thực hiện khẩn trương, quyết liệt nhưng phải có lộ trình phù hợp, quy trình chặt chẽ và theo hướng: chỉ đạo tập trung, hành động theo nhiều tuyến, bằng nhiều giải pháp, kể cả việc giải phóng hàng tồn kho, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất kinh doanh.

Ngoài các giải pháp về hỗ trợ doanh nghiệp, Chính phủ đang chỉ đạo thực hiện một loạt giải pháp xử lý nợ xấu. Cụ thể, rà soát đánh giá lại chính xác tổng mức nợ xấu; tiến hành phân loại các khoản nợ xấu (theo loại hình doanh nghiệp, tổ chức tín dụng và theo các loại tài sản bảo đảm, nợ xấu trong bất động sản, nợ xây dựng cơ bản...).

Các tổ chức tín dụng phải chủ động cơ cấu lại nợ với các hình thức thích hợp, trích lập đủ quỹ dự phòng rủi ro và sử dụng quỹ này để xử lý nợ xấu. Tổ chức tín dụng nào chưa trích lập đủ thì phải dùng các nguồn phù hợp, kể cả vốn điều lệ để bù đắp và buộc phải giảm mức tăng trưởng tín dụng để bảo đảm an toàn.

Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng yêu cầu tổ chức tín dụng và doanh nghiệp có nợ phải khẩn trương xử lý tài sản bảo đảm để thanh lý nợ xấu.

Theo Thủ tướng, kinh nghiệm quốc tế cho thấy phải sử dụng nhiều giải pháp để xử lý nợ xấu nhưng không thể không có vai trò của Nhà nước. Chính phủ đã yêu cầu Ngân hàng Nhà nước phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án thành lập công ty mua bán nợ, ban hành các văn bản pháp lý làm cơ sở cho việc xử lý nợ xấu, xác định rõ cơ chế hoạt động của công ty này phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam và có tham khảo thông lệ quốc tế.

Ngoài ra, để góp phần xử lý nợ xấu, một trong những trọng tâm cần tập trung xử lý là nợ đọng xây dựng cơ bản từ vốn ngân sách. Hiện nay, tổng số nợ đọng xây dựng cơ bản khoảng 90 nghìn tỷ đồng; trong đó, nợ các dự án đã hoàn thành khoảng 20 nghìn tỷ, nợ các dự án chuyển tiếp gần 70 nghìn tỷ đồng.

Với các giải pháp đồng bộ, phấn đấu đưa mức nợ xấu về khoảng 3-4% vào cuối năm 2015.

Thủ tướng nhấn mạnh, giải quyết hàng tồn kho, xử lý nợ xấu và tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất  động sản có liên quan chặt chẽ với nhau và  phải được tiến hành đồng thời với các giải pháp  đồng bộ. Chính phủ coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới.

(Theo Chinhphu.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất