1. Trải qua các thời kỳ cách mạng của Đảng, với tinh thần “lấy sức ta giải phóng cho ta”, phụ nữ nước nhà đã có nhiều đóng góp quan trọng, thể hiện rõ vai trò của người chủ xã hội, người chủ đất nước, xứng đáng với lời khen của Đảng và Nhà nước: Phụ nữ Việt Nam "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang"; "Dũng cảm, đảm đang chống Mỹ, cứu nước" và 8 chữ vàng trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội: “Trung hậu, đảm đang, tài năng, anh hùng”. Phụ nữ Việt Nam trở thành tấm gương tiêu biểu trên toàn thế giới về khát vọng hòa bình, độc lập, tự do và giải phóng con người.
Trong sự nghiệp cách mạng hiện nay, công việc GPPN càng trở nên thôi thúc. Bởi phụ nữ không chỉ là “một lực lượng trọng yếu của cách mạng” mà còn đóng vai trò quan trọng, là nền tảng trong xây dựng gia đình hạnh phúc, no ấm, tiến bộ, mà trước hết, phụ nữ là nhân tố đầu tiên nuôi dưỡng, giáo dục, hình thành nhân cách con người (phúc đức tại mẫu) cho thế hệ sau. Vì thế, GPPN theo đầy đủ ý nghĩa của nó, thực sự được coi là một động lực và là mục tiêu phát triển của mỗi quốc gia.
Hiện nay, trên nhiều lĩnh vực công tác, phụ nữ nước ta đang có nhiều đóng quan trọng: hơn 60% lực lượng lao động nữ trong các ngành nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, y tế, văn hóa, giáo dục. Số nữ có trình độ chuyên môn cao đã được nâng lên đáng kể: cao đẳng 61%, đại học 37%; thạc sĩ 33,95%, tiến sĩ 25,69%, tiến sĩ khoa học 5,1%; giáo sư 3,5%, phó giáo sư 5,9%; 10 nhà khoa học đoạt Giải thưởng Kovalepscaia; 19 nữ Anh hùng Lao động, hơn 250 nữ Chiến sĩ thi đua toàn quốc; các danh hiệu Nghệ sĩ, Nhà giáo, Thầy thuốc Nhân dân, Ưu tú... được trao tặng cho phụ nữ ngày càng nhiều hơn. Số phụ nữ tham gia Quốc hội khóa XII (2006-2011) đạt 25,76%, khóa XIII (2011-2016) đạt 24,4%, là một trong những nước đứng đầu khu vực Châu Á- Thái Bình Dương về tỉ lệ nữ tham gia Quốc hội và là một trong ít nước có tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội cao nhất thế giới. Các nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng gần đây luôn có nữ là Ủy viên Ban Bí thư Trung ương Ðảng và nhiều Ủy viên Trung ương, Bộ trưởng, thứ trưởng, gần đây có Ủy viên Bộ Chính trị; số phụ nữ tham gia Hội đồng nhân dân các cấp trên cả nước đạt trung bình 20%; tỷ lệ cán bộ nữ là lãnh đạo trong cơ quan Đảng và chính quyền các cấp chiếm từ 15-20%. Phụ nữ đã có nhiều đóng góp quan trọng, thể hiện tinh thần quyết tâm vươn lên làm chủ nước nhà, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân. Đó là điều không ai có thể phủ nhận.
Tuy nhiên, sự nghiệp GPPN ở nước ta vẫn đang còn là một trong những nội dung quan trọng trong đường lối lãnh đạo của Đảng. Điều mà Bác Hồ lúc sinh thời luôn căn dặn Đảng ta “phải thật sự giải phóng phụ nữ và thật sự tôn trọng quyền lợi của phụ nữ”, vẫn còn là nhiệm vụ cấp thiết và rất nặng nề. Những cản trở trong quá trình thực hiện GPPN vẫn còn diễn ra rất gay gắt và ngày càng có nhiều diễn biến, biểu hiện phức tạp, nghiêm trọng hơn.
Trên cả nước, ở đâu cũng xảy ra những bạo lực gia đình, bạo hành, buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, tinh thần; những quan niệm “trọng nam khinh nữ”… chưa được ngăn chặn, thậm chí đang ngày càng gia tăng, khiến cho nhiều phụ nữ luôn phải đối diện với sự bất công, oán hận, đau khổ cả về tinh thần lẫn thể xác. Ở nhiều nơi, không chỉ ở vùng nông thôn xa xôi hẻo lánh, mà ngay cả trong lòng những thành phố, nơi được coi là văn minh, nhiều phụ nữ vẫn phải “đầu tắt mặt tối” gánh vác quá nhiều công việc gia đình, họ tộc, thậm chí vẫn phải chịu đựng những nạn bạo hành, ngăn cản sự phấn đấu vươn lên, khiến họ chịu nhiều thiệt thòi, thậm chí không được hưởng thụ cả những thành quả do chính họ mang lại. Nhiều vụ án mạng nghiêm trọng diễn ra ở khắp nơi, đã gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh xã hội, nhưng ở đó, chi bộ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể và nhân dân địa phương vẫn chưa có các biện pháp thích hợp, làm cho nhiều phụ nữ không tiếp cận được với sự bênh vực của các tổ chức xã hội.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên, nhưng trong nhiều nghiên cứu gần đây đã cho thấy, nguyên căn bản nhất lại xuất phát từ trong các mâu thuẫn cuộc sống và những quan niệm “cổ hủ” của mỗi gia đình.
Về mặt xã hội, dẫu thiện chí hay không thiện chí, chúng ta đều không ai có thể phủ nhận được sự nỗ lực to lớn của Đảng và Nhà nước ta trong sự nghiệp GPPN. Chúng ta đã có một hệ thống các quan điểm tiến bộ của Đảng và một hệ thống pháp luật tương đối hoàn thiện; chúng ta cũng đón nhận được sự quan tâm to lớn của toàn xã hôi, đảm bảo cho quá trình thực hiện GPPN; chúng ta cũng đã tham gia từ rất sớm vào Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ (CEDAW); đồng thời, thành lập một hệ thống các ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ ở hầu hết các bộ, ngành trung ương và các tỉnh, thành trong cả nước để giúp đỡ bênh vực cho phụ nữ; công tác tuyên truyền cũng hết sức được chú trọng, thường xuyên, liên tục; các biện pháp giáo dục bình đẳng giới, vì sự tiến bộ của phụ nữ cũng được lồng ghép trong các chương trình giáo dục phổ thông và đại học, trong các chương trình truyền thông của xã hội, nhưng tại sao sự “bất bình đẳng giới” vẫn đang còn phổ biến, bức tranh GPPN vẫn chưa thực sự sáng sủa? Đó vẫn luôn là câu hỏi được các nhà nghiên cứu quan tâm.
Từ góc nhìn gia đình, chúng ta có thể thấy những biểu hiện đi ngược với chủ trương tiến bộ, đi ngược với pháp luật vẫn đang ngày càng gia tăng trong nhiều gia đình, kể cả ở những gia đình cán bộ, công chức, doanh nghiệp khá thành đạt. Những hành vi thiếu tôn trọng phụ nữ dẫn đến vi phạm pháp luật, gây hậu quả nặng nề; những cản trở việc học hành, tham gia công tác xã hội của phụ nữ vẫn còn phổ biến, là những tiềm ẩn làm hạn chế quá trình GPPN.
Xét đến cùng thì những hành vi đó lại có nguồn gốc từ những mâu thuẫn trong cuộc sống gia đình, có thể từ quan niệm phiến diện của các thành viên trong nhà, từ nhận thức thiếu đầy đủ của người chồng, đến sự cam chịu của người vợ, khiến họ bị đóng kín trong một vòng luẩn quẩn mà không thể tiếp cận được với các tổ chức bênh vực, bảo vệ quyền lợi cho họ. Chính từ gia đình và từ bản thân người phụ nữ trong các gia đình ấy, lại là nguyên nhân căn bản làm cho những “tế bào của xã hội” ngày càng bị “nhiễm khuẩn”, thậm chí trở thành căn bệnh khó chữa, ảnh hưởng đến trật tự, an toàn xã hội mà nhiều khi cơ quan pháp luật và các tổ chức xã hội lại chỉ coi là “chuyện riêng của nhà họ”.
Trong khi chúng ta chưa xây dựng được các thiết chế hoàn thiện cho một gia đình mới, thì các trật tự gia đình cũ lại luôn bị phá vỡ bởi nhận thức chưa đầy đủ về một gia đình mới trong cơ chế thị trường; trong khi công tác gia đình còn nhiều mặt hạn chế, thì cánh cửa đổi mới lại ùa vào rất nhanh những làn gió độc mà trong mỗi gia đình chưa kịp đề kháng, làm cho không chỉ công cuộc GPPN khó thực hiện mà xã hội luôn ở vào trạng thái bất ổn, thậm chí dẫn đến nhiều nguy cơ suy thoái về đạo đức, lối sống, làm cho nền tảng gia đình, xã hội ngày càng bị lung lay, giảm sút.
Với vị trí “gia đình là tế bào của xã hội”, gia đình có vị trí quan trọng đối với con người xã hội, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội và cũng là nơi định hình các mối quan hệ giữa các thành viên với nhau, là nơi đầu tiên truyền tải những chuẩn mực về đạo đức, lối sống, nền nếp gia phong, đến việc đưa ra các quyết định cơ bản như: số con, việc nuôi dạy con, phân bố thời gian, nguồn lực sản xuất, tiêu dùng và đầu tư cho tương lai… Quá trình đó luôn thể hiện mức độ bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau của các thành viên trong gia đình, nhất là của người vợ và người chồng (được gọi là bình đẳng giới), tạo nên sự hạnh phúc, no ấm, tiến bộ trong gia đình. Chỉ số hạnh phúc của gia đình là thước đo mức độ GPPN. Thực tế cho thấy, gia đình có thể làm trầm trọng, nguy kịch hơn định kiến về giới, hoặc có thể làm dịu đi sự phân biệt giới để tham gia tích cực vào việc giải phóng phụ nữ. Như vậy, gia đình đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp GPPN. Sẽ không có GPPN thực sự, nếu như phụ nữ còn bị ngược đãi từ trong các gia đình.
Ở nước ta hiện nay, chưa có các chỉ số căn cơ để đánh giá mức độ “hạnh phúc gia đình”, mà chỉ dựa trước hết vào sự khai báo của mỗi gia đình và cách nhìn nhận bên ngoài từ sự thành đạt của người vợ hoặc chồng, hoặc của cả vợ và chồng, hay sự thành đạt trong học hành, công danh của con cái; các tiêu chí để đánh giá Gia đình văn hóa mới cũng rất chừng mực ở một phạm vi tương đối, mà chưa có các tiêu chí kiểm tra, giám sát chặt chẽ của chính quyền hay các tổ chức đoàn thể. Chính vì vậy, trong thực tế, có nhiều gia đình dẫu được công nhận danh hiệu Gia đình văn hóa mới nhưng bên trong các gia đình ấy lại có muôn vàn trắc trở, người phụ nữ chỉ âm thầm làm việc như một kẻ sai khiến và chịu đựng muôn vàn tủi nhục mà cấp ủy, chính quyền, tổ dân phố không biết tới. Vì sự yên ổn trong gia đình và sợ dư luận xã hội, vì lo ảnh hướng đến uy tín, công danh của chồng con mà người phụ nữ trong các gia đình ấy đành “ngậm bồ hòn khen ngọt”, câm nín trước sự thờ ơ, lạnh nhạt, vô trách nhiệm, thậm chí trước cả những bạo hành tàn ác của người chồng, có khi cả của bố mẹ chồng.
Một nghiên cứu do Việt Nam và Liên hợp quốc tiến hành được công bố vào cuối năm 2010 cho thấy, tình trạng bạo lực trong gia đình vẫn còn tồn tại, có tới 58% phụ nữ Việt Nam bị chồng đánh đập, hoặc bị người chồng bạo hành tình dục, bạo hành về tinh thần ít nhất một lần trong đời. Việt Nam vẫn còn là một xã hội đang tồn tại tình trạng gia trưởng sâu sắc, phụ nữ vẫn bị đánh giá thấp so với đàn ông. Trong thực tế, những thay đổi quan niệm của nam giới về “bình đẳng giới” vẫn đang còn là kỳ vọng. Trách nhiệm gia đình và xã hội vẫn đang đặt lên vai người phụ nữ một “gánh nặng kép”, trong đó phụ nữ vẫn phải làm những công việc nội trợ là chủ yếu; vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ trong quá trình sinh con, nuôi con, chăm sóc con cái, kế hoạch hóa gia đình.
Hiện nay, thực trạng đó vẫn chậm được cải thiện. Hằng năm, trên cả nước ta vẫn có tới 8.000-10.000 vụ ly hôn, trong đó nguyên nhân chính là do bạo lực gia đình và những hành vi coi thường, ngược đãi phụ nữ. Theo một thống kê của các bệnh viện và trung tâm y tế lớn của cả nước, hàng năm có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng do nguyên nhân bạo lực gia đình. Theo báo cáo của Bộ Công An, trên cả nước cứ 2-3 ngày lại có một người bị giết có liên quan đến bạo lực gia đình, trong đó chủ yếu là phụ nữ. (Nhân Dân hằng tháng số 163, tháng 11-2010). Ước tính tác động kinh tế của bạo lực gia đình dẫn đến mất năng suất lao động hàng năm là 1,78% GDP.
Bên cạnh sự thiếu hụt các thiết chế gia đình mới, là sự thiếu hụt các chế tài nghiêm ngặt bảo vệ quyền lợi phụ nữ từ trong gia đình, dẫn đến sự thiệt thòi của chị em. Các chế tài hiện nay chưa quy định rõ, phần lớn nạn nhân của bạo lực gia đình cần được bảo vệ là phụ nữ; vấn đề bạo lực trên cơ sở giới và bạo lực do chồng gây ra cũng không được khẳng định rõ ràng là một vi phạm về quyền con người, mà mới chỉ đưa ra các chế tài dân sự như ra lệnh cấm, phạt tiền, hòa giải và cải tạo mà không đề cao các chế tài hình sự (việc truy cứu trách nhiệm hình sự là rất ít, chỉ khoảng 1% trong các vụ xâm hại, bạo hành phụ nữ). Cách tiếp cận phòng, chống bạo lực gia đình lâu nay chỉ tập trung vào nhóm đối tượng bị tổn thương, mà chưa tiếp cận theo hướng đa chiều, nên việc dăn đe, giáo dục các đối tượng gây bạo lực gia đình và trách nhiệm của chính quyền địa phương là chưa đủ mạnh.
Chúng ta cũng chưa có các chế tài quy định chi tiết, đủ sức răn đe đối với sự ngăn cản phát triển của phụ nữ, như hành vi ngăn cản phụ nữ tiếp tục được học hành và tham gia công tác xã hội; bắt buộc phụ nữ phải đẻ nhiều con và phải sinh bằng được con trai, hoặc không được tiếp xúc với bên ngoài… Sự ngăn cản này không chỉ là của người chồng, mà còn là ở các thành viên khác trong gia đình, thậm chí là trong họ tộc, làm cho người phụ nữ khi lấy chồng là như “gông đeo cổ” mà không có chế tài nào phá bỏ tận gốc cái “gông” ấy.
Như vậy, muốn GPPN thực sự, trước hết phải giải phóng họ từ trong mỗi gia đình. Nếu không, chúng ta vẫn cứ ở trong cái vòng luẩn quẩn và phụ nữ vẫn cứ bị thiệt thòi.
2. Xây dựng gia đình mới, trong đó thực hiện bình đẳng giới trong gia đình là yếu tố rất quan trọng để giải GPPN. Xưa ông bà ta có câu: “Thuận vợ thuận chồng tát biển Đông cũng cạn”, ngày nay việc vợ chồng có quyền lợi và nghĩa vụ ngang nhau trong các công việc của gia đình và ngoài xã hội, có ý thức trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ một cách công bằng là cơ sở tạo nên một gia đình ấm no, hạnh phúc và đó chính lại là cơ sở, nền tảng GPPN thực sự. GPPN trong gia đình không chỉ giúp phụ nữ giảm nhẹ gánh nặng công việc, mà còn giải phóng họ về mặt tư tưởng, tạo điều kiện cho họ nuôi dưỡng, chăm sóc chu đáo con cái trong bầu không khí gia đình đầm ấm, là tấm gương cho con cái khi lớn lên sẽ trở thành những công dân tốt của xã hội.
Để GPPN ngay từ trong mỗi gia đình hiện nay, cùng với việc thực hiện Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới đến năm 2020 "bảo đảm bình đẳng thực chất giữa nam và nữ về cơ hội, sự tham gia và thụ hưởng trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội”, cần đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 đã được Chính phủ phê duyệt ngày 29-5-2012, trong đó cần quan tâm đẩy mạnh một số nội dung:
Một là, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và chính quyền đối với sự nghiệp GPPN. Trong đó, chú trọng công tác gia đình, coi công tác gia đình là một nội dung quan trọng trong các kế hoạch, chương trình công tác thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nhằm hướng tới GPPN thực sự. Chủ tịch Hồ Chí Minh, từ rất sớm đã thấy rõ điều đó: “Trọng nam khinh nữ là thói quen mấy nghìn năm để lại vì nó đã ăn sâu trong đầu óc mọi người, mọi gia đình, mọi tầng lớp xã hội. Nó đã trở thành một vấn đề tâm lý xã hội. Bởi vậy, cuộc đấu tranh chống phân biệt đối xử với phụ nữ là cuộc đấu tranh tư tưởng lâu dài, khó thực hiện, cần sự nỗ lực to lớn của Đảng và các đoàn thể nhân dân.” [2].
Hai là, tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng và thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về GPPN, chú trọng xây dựng các thiết chế về gia đình và thúc đẩy, nâng cao chất lượng công tác gia đình; nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động thiết thực của Ủy ban Vì sự tiến bộ phụ nữ các cấp (tránh hình thức); bổ sung và hoàn thiện kịp thời các tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa mới. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ các hành vi bạo lực gia đình và sự ngăn cản phát triển của phụ nữ; tạo điều kiện thuận lợi để mỗi phụ nữ ý thức và tự phấn đấu vươn lên, tự giải phóng mình, không ngừng cố gắng học tập nâng cao kiến thức để khẳng định vai trò, ví trí của mình trong gia đình và ngoài xã hội. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ.
Ba là, tập trung lồng ghép kiến thức xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, phòng, chống bạo lực gia đình vào các chương trình giáo dục, đào tạo phù hợp với yêu cầu của từng ngành học, cấp học, đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất trong sự nghiệp GPPN. Đẩy mạnh giáo dục khoa học giới trong hệ thống nhà trường (đặc biệt là các trường THPT), đồng thời đẩy mạnh giáo dục, cung cấp cho các thành viên gia đình về chủ trương, chính sách, luật pháp liên quan đến gia đình; kỹ năng sống; trách nhiệm của nam giới đối với công việc trong gia đình, đối với việc bảo đảm quyền của phụ nữ trong gia đình; kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của gia đình, của dòng họ; tiếp thu các giá trị tiên tiến của gia đình trong xã hội phát triển; cảnh báo các nguy cơ và hậu quả về mất cân bằng giới tính khi sinh…
Bốn là, kết hợp tuyên truyền chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về công cuộc GPPN, với tăng cường công tác truyền thông nhằm nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của gia đình trong sự nghiệp GPPN; đổi mới nội dung, đa dạng hóa hình thức truyền thông về xây dựng gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Chú trọng hình thức tuyên truyền bằng các thông điệp trên các phương tiện thông tin đại chúng; chú trọng đối tượng tuyên truyền là nam giới. Gắn việc GPPN với việc xây dựng gia đình văn hóa mới. Từ đó, mỗi người, mỗi gia đình ý thức tốt về vấn đề GPPN, coi GPPN là cơ sở quan trọng để xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Đây không chỉ là trách nhiệm của Đảng và chính quyền mà còn là trách nhiệm của mỗi cá nhân, mỗi gia đình.
Làm tốt các nội dung nêu trên, sẽ góp phần làm tăng thêm nhận thức và hành vi ứng xử về GPPN, giúp cho phụ nữ thực hiện tốt vai trò người công dân, người lao động, người mẹ, người thầy đầu tiên của con người ngay từ trong gia đình của họ, cũng là góp phần thiết thực vào sự nghiệp GPPN thực sự trong toàn xã hội.
Phương Vinh
[1]Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t.10, tr. 296 (Bài nói chuyện tại Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III ngày 9-3-1961)
[2]Hồ Chí Minh: Sđd, t 6, tr.432