Cùng dự có Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn; Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt; Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; lãnh đạo một số bộ, ngành và tập đoàn công nghệ liên quan.
Hoan nghênh ông Narayana Murthy thăm và làm việc với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ thông tin, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính bày tỏ ấn tượng về quy mô, vai trò và vị thế của Tập đoàn Infosys, cũng như vai trò của ông Narayana Murthy đối với thị trường công nghệ thông tin, phần mềm của Ấn Độ nói riêng và thế giới nói chung.
Cho biết, Ấn Độ là ưu tiên hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, Thủ tướng vui mừng khi quan hệ hữu nghị truyền thống, Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Ấn Độ không ngừng được củng cố và phát triển trên các lĩnh vực. Thời gian qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã có một số cuộc gặp song phương, nhất trí tiếp tục thúc đẩy hơn nữa hợp tác kinh tế-thương mại-đầu tư, khoa học-công nghệ, tương xứng với tiềm năng cũng như tầm vóc của quan hệ hai nước.
Thông tin về định hướng phát triển đất nước, chính sách đối ngoại và tình hình kinh tế Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ cho biết Việt Nam xác định kinh tế số, kinh tế tri thức, kinh tế tuần hoàn là những định hướng chính trong những nhiệm vụ quan trọng trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Việt Nam đẩy mạnh xây dựng chiến lược về nghiên cứu, ứng dụng và phát triển nguồn nhân lực trí tuệ nhân tạo, đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp và thị trường lao động.
Thủ tướng mong muốn Infosys đầu tư, hợp tác với Việt Nam bằng những dự án, sản phẩm cụ thể, trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ” và với quan điểm “3 cùng”: cùng lắng nghe và thấu hiểu giữa doanh nghiệp với Nhà nước và người dân; cùng chia sẻ tầm nhìn và hành động để phát triển kinh tế nói chung và phát triển xanh nói riêng; cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng và cùng phát triển.
Ông Narayana Murthy cảm ơn Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dành thời gian tiếp đoàn; bày tỏ ấn tượng tốt đẹp, ngưỡng mộ Việt Nam trong công cuộc giành độc lập dân tộc và xây dựng, phát triển đất nước, nhất là các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây.
Cho biết, Ấn Độ đã phát triển ngành công nghệ thông tin từ rất sớm và Việt Nam cũng đã có những doanh nghiệp công nghệ vươn tầm thế giới như FPT…, ông Narayana Murthy cho rằng đây là nền tảng, môi trường hết sức thuận lợi để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực công nghệ giữa hai nước.
Ông Narayana Murthy cho biết, có ba điều quan trọng để thành công với doanh nghiệp là bán hàng, kiểm soát tài chính và nguồn nhân lực; đồng thời tin tưởng, Việt Nam sẽ tiếp tục thành công hơn nữa trong lĩnh vực phần mềm.
Nguyên Chủ tịch Tập đoàn Infosys và các cộng sự cho hay, vừa có cuộc tọa đàm với giới công nghệ thông tin Việt Nam do Chủ tịch FPT Trương Gia Bình dẫn dắt. Hai bên đã chia sẻ kinh nghiệm, những câu chuyện truyền cảm hứng, đổi mới sáng tạo, phát triển bền vững, xây dựng đội ngũ và văn hóa doanh nghiệp; những cơ hội cho ngành công nghệ thông tin Việt Nam và hợp tác Việt Nam - Ấn Độ trong lĩnh vực này.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao cuộc tọa đàm, đối thoại rất hiệu quả của ông Narayana Murthy với các công ty, chuyên gia và sinh viên Việt Nam; cho biết, trên nền tảng quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ, Việt Nam hoan nghênh, sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi và mong muốn các tập đoàn lớn của Ấn Độ đầu tư hợp tác lâu dài tại Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế số, công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn.
Thủ tướng đề nghị Ấn Độ nói chung và Infosys nói riêng, cũng như cá nhân ông Narayana Murthy cùng các chuyên gia của Ấn Độ hỗ trợ Việt Nam trong huy động các nguồn lực, nhất là hợp tác công tư phát triển lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn; chia sẻ kinh nghiệm, tư duy, phương pháp luận, chuyển giao công nghệ; hợp tác đào tạo nguồn nhân lực; chia sẻ kinh nghiệm quản trị; hoàn thiện thể chế, pháp luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghiệp phần mềm, trí tuệ nhân tạo, bán dẫn; hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam tham gia chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng toàn cầu trong lĩnh vực này.
Nguyên Chủ tịch Tập đoàn Infosys nhất trí với các ý kiến của Thủ tướng; đánh giá cao tầm nhìn của Việt Nam trong chuyển đổi số, kinh tế số; cho biết, Infosys sẵn sàng hợp tác, đồng hành cùng Việt Nam trong phát triển ngành công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây… theo đề nghị của Thủ tướng.