Thứ Hai, 30/9/2024
Khoa học, công nghệ
Thứ Năm, 16/4/2009 14:27'(GMT+7)

Giải thưởng Vifotec 2008 tiết kiệm được 500 tỷ đồng

Các tác giả đạt giải nhất Vifotec 2008

Các tác giả đạt giải nhất Vifotec 2008

Ý kiến của PGS.TS Hồ Uy Liêm, Trưởng ban tổ chức Vifotec 2008 khi đánh giá tổng quan giải thưởng Sáng tạo khoa học công nghệ VN (Vifotec) năm nay cho biết như trên.

Chúng tôi xin giới thiệu một số điểm nhấn các công trình đã đạt giải cao, có ý nghĩa thực tiễn và khả năng lợi nhuận cao.

Công trình giải nhất đã ứng dụng 16 trung tâm sát hạch

Đó là công trình "Xây dựng hệ thống thiết bị, phần mềm công nghệ thông tin và truyền thông phục vụ sát hạch lái xe tự động" của tác giả Phạm Hồng Quang thuộc Công ty cổ phần Phần mềm tự động hóa điều khiển CADPRO. 

Công trình này thiết kế hệ thống và nguyên tắc thực hiện tự động hóa, dựa trên cảm biến từ trường và máy tính.

Tác giả Phạm Hồng Quang cho biết, sản phẩm của công trình đã ứng dụng cho 16 trung tâm sát hạch để cấp giấy phép lái xe trong cả nước. Sản phẩm có thể thay thế công nghệ và thiết bị nhập khẩu sát hạch lái xe tự động.

Ban tổ chức giải thưởng ghi nhận, sản phẩm này còn là tiền đề và cơ sở để các công trình đầu tư trong nước tin tưởng và sử dụng thiết bị, giải pháp công nghệ thông tin và truyền thông mà 100% thiết kế, sản xuất bởi khoa học - công nghệ Việt Nam.

Ngoài giải xuất sắc nhất của Vifotec 2008, công trình này còn đạt giải công trình xuất sắc nhất WIPO 2008.

Biến phế thải thành sản phẩm giá trị cao

Cùng giải nhất với công trình nói trên là công trình "Dây chuyền công nghệ chế tạo tro bay nhiệt điện Phả Lại công suất 25.000 tấn/tháng" của tác giả Lê Tuấn Minh và cộng sự thuộc Viện Khoa học Vật liệu. 

Theo Ban tổ chức Vifotec, lần đầu tiên trong nước đã đưa ra một giải pháp thiết bị và công nghệ đồng bộ, nhằm biến một chất phế thải của ngành công nghiệp năng lượng (tro bay nhiệt điện) thành các sản phẩm có giá trị cao sử dụng làm phụ gia cho công nghệ bê-tông đầm lăn, sản xuất gạch tuy-nen và cho các mục đích sử dụng đặc biệt khác.

Thiết bị cho dây chuyền công nghệ này hoàn toàn được các tác giả tự thiết kế, chế tạo trong nước, dễ dàng vận hành, sử dụng phù hợp trình độ lao động hiện có của địa phương. Dây chuyền chế biến tro bay này đã áp dụng triển khai ở quy mô 24.000 tấn/tháng tại Công ty cổ phần Sông Ðà 12 - Cao Cường.

Hiện Công ty cổ phần Sông Ðà 12 - Cao Cường đang là nhà cung cấp tro bay đầu tiên và chủ lực cho công trình thủy điện Sơn La và công trình thủy điện Bản Chác.

Nghiên cứu được đánh giá có hiệu quả xã hội cao vì các nhà máy nhiệt điện không còn tồn đọng phế thải chiếm diện tích lớn, làm ảnh hưởng đến môi trường chung quanh. Các nhà khoa học của Viện Khoa học Vật liệu đã giải quyết triệt để việc phát tán bụi ra môi trường nhằm cải thiện điều kiện làm việc, bảo vệ sức khỏe cho người lao động và dân cư chung quanh.

Nhân giống cá lăng giúp nông dân làm giàu

Quy trình sản xuất nhân tạo giống cá lăng nha của Ths Ngọc và Ths Bình đã giúp nhiều tỉnh thành thoát nghèo.

Một nghiên cứu có tính thực tiễn cao, làm giàu cho dân và đưa lại cho Ths  Lê Thị Bình “cú đúp” giải thưởng Vifotec – WIPO là “Nghiên cứu xây dựng quy trình và thử nghiệm sản xuất giống nhân tạo cá lăng nha” thuộc lĩnh vực Sinh học phục vụ sản xuất và đời sống. Với nghiên cứu này, Ths Bình cùng chồng mình là Ngô Văn Ngọc (ĐH Nông lâm TP.HCM) được giải ba Vifotec và giải tác giả nữ xuất sắc nhất.

Hiện nay quy trình sản xuất giống nhân tạo cá lăng nha được hoàn chỉnh và trại thực nghiệm thủy sản, ĐH Nông lâm TP.HCM. Quy trình có thể chuyển giao cho bà con hay các cơ sở kinh doanh giống có nhu cầu.

Nhóm nghiên cứu cho biết, hiện nay cá lăng có khả năng thích nghi môi trường nước lợ, ngọt và cho hiệu quả kinh tế cao. Phong trào nuôi loài cá này đang phát triển mạnh tại các tỉnh ĐBSCL, vùng Đông Nam Bộ và có thị trường tiêu thụ thuận lợi.

Sau 5 tháng triển khai, Khoa Thủy sản, Trường ĐH Nông lâm TP.HCM đã chuyển giao thành công quy trình sản xuất cá lăng nha cho Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản An Giang.

Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất giống thủy sản An Giang,  trung tâm đã chuyển giao cho bà con nông dân nuôi thử nghiệm 100 ngàn con cá thương phẩm. Những con giống này có chất lượng và thích nghi rất tốt trong điều kiện nuôi ao và nuôi bè tại An Giang. Đợt này nuôi thành công với giá 83.000-85.000 đồng/kg, sắp tới trung tâm sẽ triển khai nuôi đại trà trong dân.

Công nghệ đóng tàu VN đạt chuẩn châu Âu

Đó là công trình "Nghiên cứu, thiết kế, công nghệ đóng tàu kéo - cứu nạn - cứu hộ 3.500 CV trong mọi điều kiện thời tiết phục vụ cho Cảnh sát Biển Việt Nam và xuất khẩu" của tác giả Hà Sơn Hải và cộng sự thuộc Công ty Sông Thu, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng.

Đây là lần đầu tiên, Việt Nam đóng tàu kéo - cứu hộ 3.500 CV với thiết kế công nghệ của Việt Nam đạt tiêu chuẩn châu Âu.

PGS TS Hồ Uy Liêm, Trưởng ban tổ chức Vifotec 2008 cho biết, đề tài đã ứng dụng công nghệ đóng úp tổng đoạn và lắp ghép mô-đun, đã sử dụng công nghệ Bolit trong lát sàn tàu vừa cách âm, vừa cách nhiệt với tuổi thọ độ bền cao. Lần đầu tiên, tàu đóng mới được đưa xuống nước trên hệ thống sàn nâng tàu Syncro lift với thời gian 30 phút, từ khi phát lệnh hạ thủy cho đến khi con tàu nổi khỏi giàn xe kéo vào nơi neo đậu.

Ðây là loại tàu chuyên dụng lớn nhất, thuộc sê-ri DST 4612 lần đầu được đóng tại Việt Nam, con tàu được thiết kế là mẫu tàu kéo - cứu nạn - cứu hộ hiện đại, kết hợp với những tiến bộ khoa học mới nhất trong thiết kế loại tàu kéo này và được coi là chuẩn mực mới nhất trong ngành hàng hải hiện đại.

Nghiên cứu thiết kế công nghệ đóng tàu kéo - cứu nạn - cứu hộ 3.500 CV trong mọi điều kiện thời tiết thành công với chất lượng tương đương với sản phẩm cùng loại được đóng tại Hà Lan, nhưng giá thành giảm được khoảng 50 tỷ đồng so với mua mới.

Theo PGS Liêm, nếu theo nhu cầu trang bị bốn con tàu kéo cứu nạn 3.500 CV cho Cảnh sát Biển Việt Nam, thì Công ty Sông Thu đã tiết kiệm được cho đất nước khoảng 200 tỷ đồng. 

(Theo VietNamNet)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất