Thứ Sáu, 28/6/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 29/6/2019 9:7'(GMT+7)

Giám sát chặt chẽ quy trình chấm thi THPT quốc gia

Theo kế hoạch, việc chấm thi sẽ hoàn tất và công bố điểm vào ngày 14-7. Rút kinh nghiệm từ những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 đều liên quan đến công tác chấm thi, năm nay Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD và ĐT) đã đưa ra nhiều thay đổi trong quy trình chấm thi với những quy định chặt chẽ, từ việc tăng cường các giải pháp kỹ thuật đến nâng cao vai trò công tác thanh tra, giám sát.

Năm 2018 việc chấm thi do các Sở GD và ĐT đảm nhận, nhưng năm nay, Bộ GD và ĐT trực tiếp chỉ đạo tổ chức và giao nhiệm vụ cho các trường đại học thực hiện chấm các bài thi trắc nghiệm. Như Trường đại học Sư phạm Hà Nội 2 được giao việc chấm các bài thi trắc nghiệm của tỉnh Sơn La; Trường đại học Hà Nội được giao chấm bài thi trắc nghiệm của tỉnh Hòa Bình; Học viện Kỹ thuật Quân sự được giao chấm bài thi trắc nghiệm của tỉnh Hà Giang... Bên cạnh thay đổi đơn vị chấm thi, phần mềm chấm thi trắc nghiệm cũng được sửa đổi, nâng cấp, hoàn thiện để khắc phục lỗ hổng có thể dẫn tới tiêu cực. Trong đó, các bài thi trắc nghiệm của thí sinh sẽ được đánh phách điện tử; tăng cường tính bảo mật, có chức năng giám sát, kiểm soát chặt chẽ người dùng, có thể phát hiện, truy xuất các tác động trái phép vào bài thi. Người chấm nếu nhìn thấy bài thi thì không nhìn thấy phách, còn nhìn thấy phách thì không thấy bài của thí sinh. Đối với việc chấm bài thi tự luận (môn Ngữ văn), năm nay vẫn do sở GD và ĐT các địa phương chủ trì nhưng có những quy định chặt chẽ hơn, từ khâu chấm hai vòng độc lập; thực hiện chấm kiểm tra tối thiểu 5% số bài thi, trong đó các bài đạt điểm cao phải được chọn để chấm kiểm tra. Giải pháp này nhằm kiểm soát việc chấm thi chặt chẽ, “đều tay”, tránh việc tùy tiện thay đổi điểm thi với mục đích gian lận.

Một giải pháp cũng được thực hiện đồng bộ tại các hội đồng thi là khu vực chấm thi đều được lắp đặt ca-mê-ra an ninh giám sát phòng bảo quản bài thi, phòng chấm bài thi trắc nghiệm, phòng chấm bài thi tự luận không có kết nối in-tơ-nét.

Các ca-mê-ra giám sát có dung lượng lưu trữ dữ liệu ít nhất 21 ngày. Sau khi chấm thi xong, thiết bị lưu trữ của ca-mê-ra được niêm phong và do giám đốc sở GD và ĐT chịu trách nhiệm bảo quản, lưu giữ trong thời gian ít nhất một năm.

Những quy định về quy trình tổ chức chấm thi trắc nghiệm và tự luận năm nay đặt ra yêu cầu và đòi hỏi cao hơn với mục tiêu hạn chế đến mức thấp nhất những tiêu cực. Bộ GD và ĐT cần tiếp tục có giải pháp kiểm soát việc thực hiện các quy trình chấm thi tại các hội đồng thi; bảo đảm phần mềm chấm thi trắc nghiệm, ca-mê-ra giám sát hoạt động ổn định. Chỉ khi phần mềm chấm thi được kiểm soát thường xuyên, tăng cường tính bảo mật mới bảo đảm kết quả chấm thi chính xác, ngăn ngừa sự can thiệp từ phía người dùng. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp chủ yếu vẫn do con người, cho nên mỗi cán bộ được giao nhiệm vụ ở từng khâu cần làm hết trách nhiệm được giao. Các địa phương, trường đại học được giao nhiệm vụ chấm thi cần lựa chọn kỹ càng cán bộ có đủ năng lực và phẩm chất, nắm vững quy trình chấm thi; đồng thời, tăng cường lực lượng thanh tra, giám sát cả vòng trong lẫn vòng ngoài. Trong trường hợp cần thiết, các hội đồng thi có thể mời thêm cán bộ, giảng viên của các trường đại học tham gia hỗ trợ chấm thi.

Công tác chấm thi là một trong những khâu quan trọng. Việc chấm thi nghiêm túc, trách nhiệm sẽ đem đến kết quả thi trung thực, khách quan, bảo đảm công bằng với thí sinh. Kết quả thi trung thực không chỉ là điều kiện xét công nhận tốt nghiệp, mà còn là căn cứ quan trọng để các trường đại học, cao đẳng thực hiện tốt công tác tuyển sinh.

Quý Tùng/Nhân dân

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất