Thứ Sáu, 4/10/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 3/7/2011 15:11'(GMT+7)

Giám sát chặt tài chính doanh nghiệp Nhà nước

Cần phân loại cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp để áp dụng quy chế giám sát tài chính. (Ảnh minh hoạ).

Cần phân loại cụ thể đối với từng loại hình doanh nghiệp để áp dụng quy chế giám sát tài chính. (Ảnh minh hoạ).

Lâu nay, việc giám sát, báo cáo đánh giá xếp loại doanh nghiệp chỉ được thực hiện mỗi năm một lần, sau khi doanh nghiệp đã hoàn tất việc kiểm toán độc lập báo cáo tài chính. Do đó, cơ quan quản lý không thể đánh giá hết hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này. Để khắc phục, Bộ Tài chính đang soạn thảo Dự thảo Quy chế giám sát tài chính đối với doanh nghiệp Nhà nước làm chủ sở hữu và doanh nghiệp có vốn Nhà nước theo hướng mở rộng đối tượng, tăng trách nhiệm và “thiết quân luật” khi giám sát.

Đối tượng quá rộng

Dự thảo quy chế giám sát quy định, bất cứ doanh nghiệp (DN) nào có vốn Nhà nước là phải thực hiện quy chế giám sát. Nghĩa là bao hàm DN 100% vốn Nhà nước; Công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên, Công ty CP Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối và không chi phối.

Đây là điều gây nhiều tranh cãi nhất, bởi nhiều ý kiến cho rằng, quy định như trên là quá rộng, không cần thiết và không có khả năng để thực hiện. Đối với DN 100% vốn Nhà nước và DN Nhà nước nắm cổ phần chi phối (trên 51%) thì việc giám sát chặt là hiển nhiên. Còn với các DN mà Nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối, việc giám sát là rất khó do không đủ quyền. Đối với những đối tượng này, chủ ý của Ban soạn thảo lo lắng nếu không giám sát chặt chẽ có thể sẽ dẫn tới nhiều thất thoát do có nhiều DN có lượng vốn lớn lên tới vài nghìn tỷ đồng, nên chỉ cần Nhà nước nắm tỷ lệ thấp thì vốn cũng vẫn lớn. Nhưng theo lãnh đạo Chi cục Tài chính DN TP HCM, nếu Nhà nước chỉ giữ 20% cổ phần của DN trở xuống thì ngay cả việc xin báo cáo tài chính cũng khó chứ chưa nói đến chuyện giám sát. Vì theo Luật DN, tỷ lệ cổ phần tỷ lệ thuận với quyền quyết định.

Khó bảo toàn và phát triển vốn

Theo Điều 6 Dự thảo, nội dung giám sát quan trọng bao gồm: 1- Tình hình quản lý, sử dụng vốn và tài sản Nhà nước tại DN, trong đó tập trung các nội dung về danh mục các dự án đầu tư và nguồn gốc huy động để đầu tư, tình hình đầu tư vốn ra ngoài DN và hiệu quả đầu tư; tình hình quản lý nợ công và khả năng thanh toán nợ; 2- Tình hình bảo toàn và phát triển vốn của DN; 3- Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước; tình hình thực hiện nghĩa vụ đối với ngân sách Nhà nước; tình hình phân phối lợi nhuận, trích lập và sử dụng các quỹ.

Theo các ý kiến thì các nội dung này mới chỉ đưa ra tiêu chí chung chung chứ chưa có định lượng cụ thể. Ngay cả khái niệm “bảo toàn và phát triển vốn của DN” cũng rất khó xác định. Sở Tài chính Bình Dương khi góp ý cho dự thảo đã đề nghị cần làm rõ khái niệm này để cả DN và cơ quan giám sát có cơ sở đánh giá. Phía Ban soạn thảo mong muốn lợi nhuận năm sau phải cao hơn năm trước, nhưng theo các DN, lợi nhuận biến động theo năm, không phải năm nào cũng như năm nào. Thêm vào đó, nếu chịu những tác động của tình hình kinh tế như mấy năm gần đây (như khủng hoảng kinh tế thế giới 2008 hay lãi suất hiện nay đang trên 20%) thì khó có DN nào có lãi, thậm chí lỗ. Và dù nếu ở điều kiện bình thường thì DN không thể năm nào cũng tăng mãi tỷ suất lợi nhuận/vốn một cách đều đặn để đáp ứng theo quy định.

Doanh nghiệp sợ bị “hình sự hóa”

Tuy nhiên, nội dung khiến các DN lo lắng nhất là quy định về “mất an toàn tài chính” tại Điều 15 của Dự thảo. Theo quy định này, DN có dấu hiệu mất an toàn tài chính thuộc một trong các trường hợp: Một là, kinh doanh thua lỗ, có hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá 3 lần; Hai là, kinh doanh thua lỗ, có số lỗ phát sinh từ 30% vốn chủ sở hữu (CSH) trở lên; Ba là, kinh doanh thua lỗ, có hệ số khả năng thanh toán nợ đến hạn nhỏ hơn 0,5; Bốn là, không trích lập dự phòng hoặc phân bổ sai chi phí làm sai lệch lớn kết quả kinh doanh (từ lãi thành lỗ hoặc từ lỗ thành lãi), báo cáo sai sự thật tình hình tài chính của DN. Mất an toàn tài chính sẽ khiến DN rơi vào tình trạng bị giám sát đặc biệt.

Bộ Xây dựng đề nghị phân loại cụ thể đối với từng loại hình DN, ngành nghề kinh doanh để áp dụng quy định này. Vì theo Bộ Xây dựng, quy định “hệ số nợ phải trả trên vốn điều lệ vượt quá 3 lần” bị liệt vào diện giám sát đặc biệt, sẽ khiến một số DN ngành xây dựng dễ “sa chân”. Bộ Xây dựng kiến nghị: “Rất nhiều Tổng công ty, Tập đoàn thuộc ngành xây dựng đang triển khai các dự án trọng điểm, hoặc thực hiện nhiệm vụ do Chính phủ giao thì khó đảm bảo chỉ tiêu theo quy định tại Điều 15. Vì một DN xây dựng có thể huy động rất nhiều vốn của những người mua nhà, và chiếu theo chỉ tiêu này thì nợ phải trả trên vốn CSH quá lớn”. Tổng công ty Hàng không Việt Nam cũng đề nghị đối với một số DN có yêu cầu hàng tồn kho cao (như xăng dầu) thì chỉnh thành hệ số vay nợ dài hạn/vốn CSH vượt quá 3 lần khi xác định chỉ tiêu giám sát đặc biệt. Một số ý kiến khác còn kiến nghị quy định rõ cơ quan công bố giám sát đặc biệt, thời điểm kết thúc giám sát đặc biệt…/.

Luật sư Trần Hữu Huỳnh, Phó Tổng thư ký, kiêm Trưởng Ban pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam:

“Dự thảo cơ bản có nhiều ưu điểm, khi ban hành có thể khắc phục được hạn chế trong quá khứ về giám sát tài chính DN, nhưng cũng có một số vấn đề còn băn khoăn. Cụ thể, Dự thảo quy định “cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp với CSH để tiến hành giám sát”. Có lẽ điều này hơi lạc lối. Vì cơ quan quản lý Nhà nước lẽ ra chỉ thay Nhà nước sử dụng quyền lực công để giám sát quá trình giám sát của các chủ thể khác. Chẳng hạn, nếu giám sát nội bộ DN không tốt thì “ông này” thổi còi với tư cách người sử dụng quyền lực công. Hay CSH và đại diện CSH lúc ấy không phải là các bộ, ngành nữa. Nói cách khác, lúc đó bộ, ngành phải là người cầm tiền đi đầu tư, là nhà kinh doanh.

Theo tôi, cơ quan quản lý chỉ nên với tư cách là cơ quan quyền lực công giám sát quy chế này; là trọng tài chứ không phải đi phối hợp với CSH. Quan điểm của tôi là phải tách bạch. CSH là người đầu tư, còn cơ quan giám sát là người đi giám sát quá trình đầu tư này, giám sát báo cáo tài chính. Nếu quy định này không rõ thì sau này khó quy trách nhiệm”.

Ông Trần Tiến Cường, nguyên Trưởng ban Nghiên cứu quản lý doanh nghiệp, Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương:

“Với những DN nhỏ thì mục tiêu đơn giản là bảo toàn được vốn, còn với những tập đoàn kinh tế lớn thì vốn đóng vai trò điều tiết, cân đối và dẫn dắt. Nắm bắt được thông tin thực chất DN đang đầu tư bao nhiêu, vay bao nhiêu, rủi ro của các khoản vay ấy như thế nào, tỷ suất lợi nhuận trên vốn, tỷ suất lợi nhuận sở hữu, tỷ suất lợi nhuận trên tài sản… đều phải có căn cứ cụ thể để giám sát. Do đó, phải bổ sung thêm các căn cứ, tiêu chí, cốt để làm sao đánh giá được tình hình “sức khỏe” tài chính của doanh nghiệp. Giám sát xong thì phải có biện pháp xử lý./.

(Nguyễn Dương/Báo TNVN)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất