Báo cáo với đoàn, đại tá Lê Thanh Bình, Phó Giám đốc Công an TPHCM cho biết: Việc phát hiện tham nhũng từ trong nội bộ vẫn là một trong những điểm yếu trong cuộc đấu tranh này. Ông dẫn chứng, cảnh sát giao thông tự phát hiện tham nhũng, nhận hối lộ rất ít, phần lớn vẫn do quần chúng và báo chí phát hiện và cung cấp thông tin. Ngoài ra, áp lực đối với bộ máy điều tra của công an hiện rất lớn vì số lượng điều tra viên quá ít, việc bảo vệ người tố cáo hành vi tham nhũng, hối lộ cần phải được đặc biệt quan tâm.
Qua đó, ông Bình kiến nghị cần có hướng dẫn quy định cụ thể về xác định mức độ như thế nào thì gọi là gây “hậu quả nghiêm trọng”, và “đặc biệt nghiêm trọng” đối với tội danh tham nhũng; tăng cường trang thiết bị, chế độ đãi ngộ đối với lực lượng này; cần có chính sách khen thưởng hợp lý và bảo vệ người tố cáo tiêu cực, tham nhũng.
Được biết, chương trình giám sát lần này của đoàn nhằm hoàn thiện thể chế về phòng chống tham nhũng, đẩy mạnh hoạt động của bộ máy chỉ đạo và các đơn vị chuyên trách về phòng chống tham nhũng tại các ngành và địa phương.
Riêng tại TPHCM, chương trình giám sát được tiến hành trong 2 ngày (7 và 8-4) với nội dung: tập trung giám sát việc tổ chức, thực hiện công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng; việc phát hiện, xử lý những hành vi tham nhũng của các cơ quan có thẩm quyền gồm 5 cơ quan chuyên trách: Thanh tra, Công an, Viện kiểm sát, Tòa án và Văn phòng Ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng của địa phương.
Theo SGGP