“Đã có thi thì sẽ có gian lận, nhưng gian lận quy mô như ở Hà Giang, Sơn
La là rất nghiêm trọng, đó là hệ quả của việc các địa phương đã làm
thay việc tuyển sinh của các trường đại học. Giao địa phương tổ chức thi
lấy điểm xét tuyển cho các trường đại học là điều bất hợp lý,” ông Lê
Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1, huyện
Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, nhận định.
Thi THPT quốc gia: Để xét tốt nghiệp hay tuyển sinh đại học?
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Mai Văn
Trinh, khẳng định kỳ thi để xét tốt nghiệp cho thí sinh, trên cơ sở kết
quả thi là đáng tin cậy, các trường đại học, cao đẳng có thể dùng để làm
căn cứ xét tuyển.
Theo Quy chế của Bộ Giáo dục và Đào tạo, điểm xét tốt nghiệp được tính
bằng điểm học lực lớp 12 cộng điểm trung bình của bốn bài thi Trung học
phổ thông quốc gia, chia cho hai.
Theo đó, nếu thí sinh có điểm học lực lớp 12 là 7 điểm thì điểm thi
Trung học phổ thông quốc gia chỉ chiếm 30% vai trò trong việc xét tốt
nghiệp của thí sinh, nghĩa là số điểm bình quân của bốn bài thi của thí
sinh chỉ cần đạt ba điểm, và không có môn nào bị điểm liệt, là đủ cho
việc đỗ tốt nghiệp.
Trong khi đó, theo ông Sái Công Hồng, Cục phó Cục Quản lý chất lượng, Bộ
Giáo dục và Đào tạo, đề thi có tỷ lệ 60% câu hỏi cơ bản, phục vụ việc
xét tốt nghiệp và 40% câu hỏi nâng cao để phân loại thí sinh, phục vụ
việc xét tuyển đại học, cao đẳng. Vì thế, để đạt mức trung bình ba điểm
cho một bài thi không phải là quá khó, nhất lại là trong bài thi trắc
nghiệm.
Kết quả thi cũng cho thấy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp năm nay của cả nước là 97,56%, số thí sinh trượt chỉ chiếm hơn 2%.
Vì thế, với thí sinh, mục đích chính của kỳ thi là để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
“Em xét tuyển đại học khối D nên chỉ dành thời gian ôn tập cho các môn
của khối thi này. Em đăng ký bài thi Khoa học Xã hội để xét tốt nghiệp
nhưng em không ôn một tý nào,” thí sinh Nguyễn Hà Anh, học sinh trường
Trung học phổ thông Việt Đức nói.
Với những thí sinh không có mục đích sử dụng kết quả thi để xét tuyển
đại học, kỳ thi trở nên rất nhẹ nhàng, không hề áp lực. “Em không cảm
thấy lo lắng về kỳ thi vì em chỉ cần đỗ tốt nghiệp,” thí sinh Nguyễn
Quang Huy, học sinh trường Trung học phổ thông Trần Phú cho biết.
Cán bộ coi thi đối chiếu thông tin của thí sinh trong Kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia 2018.
(Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)
Bất hợp lý khi địa phương thi tuyển cho đại học
Mặc dù công an vẫn đang điều tra các động cơ cụ thể của vụ việc gian lận điểm thi tại Hà Giang và Sơn La. Tuy nhiên, mục đích của việc này là nhằm nâng điểm cho thí sinh để xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng.
Theo ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường Đại học FPT,
khi sửa điểm cho thí sinh, người thực hiện gian lận đã căn cứ trên điểm
trúng tuyển của các trường năm 2017, là một mức điểm rất cao.
“Tuy nhiên, họ đã không chú ý đến một điều là năm nay đề thi khó hơn,
điểm mặt bằng chung cả nước thấp hơn. Vì thế, với việc sửa điểm ở mức
rất cao đã làm đã khiến dư luận đặt câu hỏi nghi vấn, cơ quan quản lý
phải vào cuộc điều tra và vì thế, việc gian lận bị bại lộ,” ông Tùng
phân tích.
Theo ông Lê Văn Dỵ, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Quảng Xương
1, huyện Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa, địa phương nào cũng muốn con em
mình có kết quả thi cao, muốn tỉnh mình có nhiều thí sinh trúng tuyển
vào các trường đại học. Vì thế, việc để các sở giáo dục và đào tạo tổ
chức kỳ thi, chấm thi Trung học phổ thông quốc gia đã “tiếp tay” cho
mong muốn của địa phương. Vì thế dễ nảy sinh các tiêu cực, từ đó phát
sinh ra nhiều khe hở, mà vụ việc ở Hà Giang, Sơn La là những minh chứng
điển hình.
“Giao địa phương tổ chức thi lấy điểm xét tuyển cho các trường đại học
là điều bất hợp lý. Đúng ra, phải lính của anh nào, anh ấy tự tuyển lấy.
Khi đó trách nhiệm đi liền quyền lợi, tinh thần nghiêm túc mới có thể
cao được. Nếu tôi tổ chức tuyển học sinh vào lớp 10 của trường mình, tôi
sẽ làm 'căng đét' như dây đàn, không cần có ai phải chỉ đạo, không cần
ai giám sát, vì chỉ như vậy mới có chất lượng đầu vào tốt, mới có chất
lượng đào tạo tốt, mới có thương hiệu tốt. Nếu để các trường đại học tự
tổ chức tuyển sinh cho mình, họ cũng sẽ phải làm như vậy. Thực tế các kỳ
tuyển sinh ba chung do các đại học chủ trì cũng đã chứng minh điều đó,”
ông Dỵ phân tích.
Vì thế, ông Dỵ đề xuất Bộ nên giao việc tổ chức thi và xét tốt nghiệp
cho các sở giáo dục và đào tạo. Việc thi để xét tuyển vào các trường đại
học phải do các trường đại học thực hiện.
“Khi đó, việc xét tốt nghiệp sẽ rất nhẹ nhàng, không áp lực. Còn xét
tuyển đại học có thể tổ chức theo cụm để thuận tiện hơn trong việc đi
lại cho thí sinh,” ông Dỵ nói.
Đây cũng là ý kiến của ông Quách Tuấn Ngọc, nguyên Cục trưởng Cục Công
nghệ thông tin, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Theo ông Ngọc, khi giao cho địa
phương chấm thi có rất nhiều nguy cơ, cơ hội để phát sinh tiêu cực.
“Địa phương họ chịu áp lực rất lớn vì có mối quan hệ riêng tư, bạn bè,
họ hàng, cơ quan, cấp trên cấp dưới, nên khả năng phát sinh tiêu cực rất
nhiều. Chưa kể, một sơ hở vô cùng quan trọng là cán bộ địa phương rất
dễ thực hiện tiêu cực vì họ độc quyền và toàn quyền, nhất là cán bộ phụ
trách thực tiếp. Không thể nói câu sáo rỗng là phải tin cán bộ mà tốt
nhất là phải tránh, hạn chế tối đa và có cơ chế giám sát chặt chẽ,” ông
Ngọc nói./.
Theo Vietnam+/TTX