Nêu gương là một trong những nội dung quan trọng trong "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh". Ý nghĩa lớn lao từ việc học tập phong cách nêu gương của Hồ Chí Minh trong giáo dục là điều chúng ta không phải bàn thêm, vì đã có nhiều bài viết, công trình đề cập tới. Ở đây, người viết chỉ nhấn mạnh đến việc phải học phong cách "nói đi đôi với làm" đối với người trực tiếp tham gia giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh.
Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đạt tới sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa giáo dục đạo đức và nêu gương đạo đức, đạt tới sự nhất quán giữa công việc và đời tư, giữa đạo đức vĩ nhân và đạo đức đời thường.
Người cho rằng: "... một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền". Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy: Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành. Trước hết, mình phải làm gương, gắng làm gương trong anh em, và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân. Làm gương cả về ba mặt: tinh thần, vật chất và văn hóa. Người nhắc nhở đảng viên: "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ "cộng sản" mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước". Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.
Phong cách nêu gương Hồ Chí Minh là vậy. Câu hỏi đặt ra là: giảng viên dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh hiện nay đã thực sự nói đi đôi với làm chưa?
Trên thực tế, giảng viên giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh đều ý thức được giá trị chân, thiện, mỹ từ việc nêu gương tốt giữa nói và làm. Nhưng việc học tập đến mức thực hành được là điều rất khó. Càng khó hơn khi đặt vị trí của người giáo viên trước những khó khăn, thử thách hiện nay. Đó là sự phát triển của nền kinh tế thị trường làm cho những giá trị chuẩn mực đạo đức truyền thống có nhiều thay đổi theo chiều hướng "thoáng hơn"; lối sống sùng bái vật chất, sùng bái tiện nghi xuất hiện nhiều hơn trong xã hội, trong đó có không ít người là cán bộ, đảng viên và thầy cô giáo. Điều này dẫn đến hai trường hợp:
Trường hợp thứ nhất, nếu người có lối sống trên là học viên, thì người học đó sẽ không hứng thú khi học môn tư tưởng Hồ Chí Minh, vì quan điểm sống, triết lý sống của họ đã thay đổi. Sự học của họ sẽ trở nên hời hợt. Điều này khiến cho tiết giảng của người dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh gặp khó khăn, thách thức trong truyền thụ.
Trường hợp thứ hai, nếu người có lối sống trên là thầy; thầy không thực sự thống nhất giữa công việc và đời tư thì tấm gương về lối sống, đạo đức của người thầy đó "đã tối dần đi". Việc nêu gương theo phong cách Hồ Chí Minh thậm chí trở thành giả dối, phản cảm. Học viên sẽ thiếu niềm tin đối với những điều thầy giảng, sẽ không "theo thầy".
Bên cạnh đó, nếu giáo viên không cập nhật, bổ sung làm sâu, rộng, mới thêm kiến thức của mình, cứ lặp lại những bài giảng khô khan, đọc chép cũ mòn sẽ khiến học viên chán học môn tư tưởng Hồ Chí Minh, không tôn trọng thầy.
Để nói thực sự đi đôi với làm, để môn học tư tưởng Hồ Chí Minh đạt tới giá trị chân, thiện, mỹ đúng nghĩa, người dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải làm được những điều sau:
Thứ nhất, người thầy phải tự đặt ra những yêu cầu cao cho chính bản thân để đạt được những chuẩn mực đạo đức, lối sống, làm gương cho học viên.
Sự nghiệp “trồng người” trong điều kiện hiện nay đòi hỏi các nhà giáo phải thực sự mô phạm về đạo đức lối sống, nỗ lực tự rèn luyện và hoàn thiện bản thân, chống những đặc quyền, đặc lợi, sự sùng bái vật chất. Quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện đạo đức của người thầy phải gắn với việc tự sửa chữa khuyết điểm của mình, giống như thói quen “rửa mặt hằng ngày”. Người thầy phải xây dựng cho mình kế hoạch phấn đấu cụ thể, tỉ mỉ, thiết thực; phương pháp thực hiện tự giáo dục, rèn luyện phải tránh hình thức, phô trương.
Thực tế hiện nay, không ít thầy giáo là những người được học tập ở những trường Đại học, Học viện uy tín, có "thân thế tốt" (gia đình, dòng họ có nhiều người thành đạt, có chức vụ cao trong các cơ quan Đảng, Nhà nước) nên trong quá trình giảng dạy, tiếp xúc với học viên "không ngại" phô trương thân thế của mình, "phô trương hiểu biết", tự cao, tự đại... Đây là điều trái với phong cách Hồ Chí Minh, gây phản cảm cho học Viên.
Thứ hai, người thầy phải không ngừng học tập, nghiên cứu, rèn luyện để có trình độ năng lực chuyên môn giỏi.
Muốn có môi trường giáo dục chất lượng, trước hết cần có những giáo viên chất lượng. Chất lượng giáo viên là yếu tố quan trọng ảnh hưởng lâu dài tới chất lượng giáo dục, nhất là giáo dục về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Điều kiện, môi trường giáo dục ngày nay luôn đòi hỏi cách nhìn, cách hiểu và cách dạy của người thầy phải đổi mới, cập nhật kiến thức, nâng cao kiến thức, nâng cao hiểu biết mới đáp ứng được những đòi hỏi ngày càng cao của người học. Làm được điều đó thì gương của thầy trong lĩnh vực học tập, nghiên cứu, lao động và cống hiến mới thực sự sáng, thực sự nói đi đôi với làm.
Thứ ba, bên cạnh yếu tố nội lực của người thầy, nhà trường phải xây dựng được "môi trường sư phạm" lành mạnh.
Để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục nói chung, chất lượng giảng dạy môn tư tưởng Hồ Chí Minh nói riêng, nhà trường phải tạo được môi trường giáo dục thực sự lành mạnh. Bởi sự tác động tới nhận thức, tình cảm, ý chí của học viên không phải chỉ từ phía chủ thể giáo viên mà còn chịu sự tác động mạnh mẽ của môi trường văn hóa, sư phạm.
Muốn xây dựng được môi trường giáo dục lành mạnh phải có tập thể sư phạm đoàn kết, thân ái, hết lòng vì học viên, giải quyết tốt các mối quan hệ trong và ngoài nhà trường. Không thể bắt học viên nghiêm túc, kính trọng thầy cô khi chính trong đội ngũ thầy cô còn có tình trạng mất đoàn kết nội bộ, chê bai tri thức, nói xấu lẫn nhau trước đối tượng học viên.
Phải đẩy mạnh thực hiện tự phê bình và phê bình. Coi đây là vũ khí sắc bén, là động lực bên trong giúp cho mỗi cán bộ, đảng viên, giảng viên phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm, không ngừng vươn lên hoàn thiện về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, thực sự là “tấm gương sáng” về nói đi đôi với làm. Kiên quyết phê phán những cán bộ, đảng viên, không dám hành động, hoặc “nói nhiều làm ít”, “nói mà không làm”, “nói một đường làm một nẻo”, thụ động, ngồi chờ, ỷ lại, sợ trách nhiệm... Những biểu hiện đó đi ngược với phong cách Hồ Chí Minh, làm cho phương pháp “nêu gương” mất ý nghĩa và tác dụng ngay từ trong nội bộ nhà trường.
Chỉ khi nào người thầy đạt đến sự nhất quán giữa công việc với đời tư, giữa nói và làm, thì lúc đó tấm gương của người thầy mới thực sự sáng, những kiến thức của bộ môn tư tưởng Hồ Chí Minh do thầy truyền thụ mới thực sự đạt tới giá trị chân, thiện, mỹ./.
Hồ Thanh Hải
Trường Chính trị tỉnh Hậu Giang