Thứ Bảy, 23/11/2024
Diễn đàn
Thứ Bảy, 29/10/2016 16:0'(GMT+7)

Giáo dục đạo đức - coi trọng "học đi đôi với hành"

(Ảnh minh họa)

(Ảnh minh họa)

Đạo đức con người là cái đáng quý nhất. Bài học làm người luôn là bài học đầu tiên và là bài học suốt cuộc đời của mỗi người. Ông cha ta rất đề cao và coi trọng giữ gìn truyền thống đạo đức của dân tộc, luôn răn dạy: “Tiên học lễ, hậu học văn”, “dạy chữ gắn với dạy người”. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, việc rèn dạy đạo đức, lối sống, lễ nghĩa…ở không ít gia đình cũng như việc dạy và học môn GDCD trong nhà trường còn bị xem nhẹ.

Đưa môn học GDCD vào danh sách các môn của kỳ thi THPT quốc gia 2017 là một “tín hiệu vui”, là điểm mới, tích cực của việc dạy và học môn học này trong tiến trình đổi mới giáo dục phổ thông. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là giáo viên và học sinh phải thay đổi phương pháp dạy và học môn GDCD theo hướng tích cực; khắc phục tình trạng nặng về “học tủ", "học vẹt”, học chỉ để đi thi lấy điểm; các em học sinh ít được thực hành kiến thức của môn học này. Phải làm sao để môn GDCD không dừng ở việc “dạy chữ”, mà “học phải đi đôi với hành”. Những kiến thức của môn học này phải thấm sâu vào nhận thức của các em, biến thành những hiểu biết, kỹ năng sống, những chuẩn mực đạo đức xã hội. Các thầy, cô giáo hãy truyền cho các em  kiến thức, tri thức, đạo đức, tình cảm; khuyến khích các em thể hiện ngay trong cuộc sống, trong ứng xử hằng ngày, trước hết với thầy, cô giáo, bạn bè ở trường, ở lớp, với người thân trong gia đình, dòng họ, cộng đồng nơi cư trú…

Để GDCD không còn là môn học khô khan thì việc giáo dục đạo đức trong nhà trường cần giảm những nội dung “hàn lâm”, cao xa; coi trọng bồi đắp cho các em lòng nhân ái, tự trọng, tính trung thực, nếp nghĩ và lối sống lành mạnh, có kỷ luật, trọng đạo lý; hình thành những thói quen đạo đức, kỹ năng sống phù hợp với các chuẩn mực đạo đức xã hội; có trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, đất nước…

Việc hình thành nhân cách, đạo đức của học sinh không chỉ qua giáo dục trong nhà trường phổ thông. Trước hết, gia đình phải là nơi giữ gìn, truyền lại các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp, là môi trường thuận lợi đầu tiên để hình thành chuẩn mực đạo đức, nếp sống cho các em. Ông bà, cha mẹ phải thật sự mẫu mực, làm gương về đạo đức, lòng nhân ái, tình yêu thương... Rộng hơn, cả cộng đồng và toàn xã hội phải quan tâm chăm lo giáo dục đạo đức cho các em.

“Trước khi thành tài thì phải thành nhân”. Cùng với đặt đúng vị trí, tầm quan trọng; đổi mới mạnh mẽ việc dạy và học môn GDCD trong nhà trường, chú trọng “học đi đôi với hành” trong cuộc sống thường ngày, điều hết sức quan trọng là mỗi chúng ta hãy đề cao trách nhiệm, sự gương mẫu, chung tay tạo dựng môi trường xã hội lành mạnh, văn minh, mọi người sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng các giá trị đạo đức truyền thống…, để các em học tập, noi theo./.

Anh Quân (QĐND)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất