Thứ Bảy, 23/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Năm, 13/10/2016 15:13'(GMT+7)

Dân vận – miệng nói, tay làm



Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân luôn là sự quan tâm tột cùng, là mối lo nghĩ thường xuyên của Người. Mọi hoài bão, lý tưởng, ý chí, tình cảm và toàn bộ hệ thống tư tưởng của Người luôn hướng về nhân dân và luôn dành cho nhân dân. Nhân dân là mục tiêu cao cả để Người phấn đấu, hy sinh và tận tụy phục vụ cho đến hơi thở cuối cùng. Chính vì vậy, hơn ai hết Người hiểu rõ sức mạnh to lớn của nhân dân; rằng một khi phát huy được lòng nồng nàn yêu nước của nhân dân ta, đoàn kết toàn dân thành một khối thống nhất sẽ trở thành sức mạnh vô địch đánh thắng mọi kẻ thù. Lịch sử đã chứng minh điều đó qua các phong trào cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức và lãnh đạo. 

Trong lịch sử xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, thời đại nào cũng dựa vào sức mạnh của nhân dân mà hoạch định đường lối chiến lược. Những vị anh hùng dân tộc, những bậc minh quân đều hiểu rõ nguyên lý giản dị mà cao sâu: dân như nước, chở thuyền cũng là dân, lật thuyền cũng là dân. Vì thế biết bao triều đại thịnh trị đã biết “khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc” – (Trần Hưng Đạo), để cho "nơi thôn cùng xóm vắng không một tiếng hờn giận oán sầu" – (Nguyễn Trãi) . Tuy nhiên, dù đánh giá đúng tầm quan trọng về sức mạnh của nhân dân nhưng do hạn chế của hệ tư tưởng phong kiến cho rằng nước là của vua, nên mọi quyền hành đều tập trung vào nhà vua và triều đình phong kiến; nhân dân không được hưởng những quyền cơ bản của công dân. Chỉ sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố thành lập nước Việt Nam Dân chủ - Cộng hòa ngày 2/9/1945, nước ta mới là nước dân chủ, và cũng từ đó “ quyền hành và lực lượng đều ở nơi dân”. Đây là mốc son lịch sử, đánh dấu sự thay đổi số phận của cả dân tộc. Theo đó, tất cả lợi ích và quyền hạn đều là của dân; đồng thời mỗi người dân phải có trách nhiệm trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 

Vì vậy, phát huy được sức mạnh của toàn dân là công việc mang tính chiến lược, lâu dài, liên tục của Đảng ta; là một nhiệm vụ thường xuyên của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức trong hệ thống chính trị. Bởi vì chỉ có phát huy được sức mạnh toàn dân, đất nước mới tập trung được nguồn lực để phát triển. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: “Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và Đoàn thể đã giao cho”. Đó chính là nền tảng của chiến lược dân vận mà Đảng ta đã xây dựng và thực hiện trong mọi giai đoạn cách mạng. Điều này không chỉ thể hiện rõ nét nhất tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận mà còn mang ý nghĩa thực tiễn vô cùng sinh động, là những tổng kết vô giá, là phương thức hoạt động cụ thể, thiết thực, hiệu quả của công tác dân vận trong mọi hoàn cảnh của đất nước. 

Trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân ta luôn một lòng tin tưởng và đi theo Đảng. Dù là trong những hoàn cảnh đầy cam go, đất nước đối mặt với những thử thách một mất một còn nhưng nhân dân vẫn dốc hết sức mình, kể cả máu xương, góp phần vào sự nghiệp chung của đất nước; một lòng, một dạ đi theo Đảng đến ngày thắng lợi hoàn toàn. Sức dân đã như triều dâng thác đổ một khi quan điểm, tư tưởng, đường lối của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thâm nhập vào quần chúng nhân dân - như một luận điểm nổi tiếng của Các Mác đã nói. Đó là thành quả to lớn của chiến lược dân vận của Đảng, được cán bộ, đảng viên thực hiện một cách đầy trách nhiệm khi mỗi người đều thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh : “Những người phụ trách dân vận cần phải óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm. Chứ không phải chỉ nói suông, chỉ ngồi viết mệnh lệnh. Họ phải thật thà nhúng tay vào việc”./. 

Nguyễn Quang Vinh

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất