Những ngày qua, dư luận xôn xao trước thông tin về những trẻ vị thành niên sinh con ngoài ý muốn. Điều này không chỉ gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, cuộc sống tương lai của trẻ, mà còn ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số và xã hội.
Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam về nội dung này, Phó Chủ tịch Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Nguyễn Thị Minh Hương cho rằng, để hạn chế, thời gian tới, giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản phải được coi là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
Xin bà đánh giá về việc trẻ em gái sinh con trong thời gian qua. Việc này sẽ để lại những hệ luỵ gì?
Chúng tôi vô cùng lo ngại trước việc các bé gái bị xâm hại hoặc có quan hệ tình dục dẫn đến mang thai. Hành vi giao cấu, quan hệ hay xâm hại tình dục với người dưới 16 tuổi đều là trái pháp luật, có dấu hiệu của tội phạm. Theo các chuyên gia, mang thai ở tuổi vị thành niên ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, giáo dục và quyền cũng như cơ hội phát triển của trẻ em gái.
Về sức khỏe, trẻ em gái mang thai khi cơ thể phát triển chưa hoàn thiện dễ dẫn tới những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe của cả mẹ và con do những biến chứng thai kỳ. Con của các bà mẹ vị thành niên thường có tỉ lệ nhẹ cân, bệnh tật và tử vong cao gấp nhiều lần so với các bà mẹ sinh con ở tuổi trưởng thành. Trong quá trình lớn lên, những em bé này sẽ khó có thể nhận được sự chăm sóc đầy đủ do mẹ thiếu kiến thức và kỹ năng trong nuôi dạy con cái.
Về tâm lý, nhiều em sẽ phải trải qua một quá trình diễn biến tâm lý phức tạp, dễ trầm cảm, căng thẳng, suy nghĩ tiêu cực. Trong nhiều trường hợp, nếu không được hỗ trợ, động viên kịp thời từ phía gia đình, người thân, trẻ có thể gặp những vấn đề như rối loạn lo âu, trầm cảm, thậm chí tự tử...
Về giáo dục, một trong những hậu quả dễ nhìn thấy nhất khi mang thai ở tuổi vị thành niên, việc học hành bị ảnh hưởng rõ rệt, các em có thể phải tạm dừng học hoặc thậm chí bỏ học. Hệ quả là các em sẽ thiệt thòi hơn các bạn bè cùng lứa về cơ hội học hành, việc làm.
Theo bà, việc giáo dục giới tính cho trẻ vị thành niên thời gian qua đã được triển khai thế nào? Đâu là "lỗ hổng" cần được bù đắp?
Hiện nay, có thể nhận thấy rằng, một số trẻ vị thành niên có thái độ khá cởi mở về tình yêu và tình dục, nhưng các em lại thiếu hụt về kiến thức, kỹ năng liên quan đến giới tính, sức khỏe sinh sản và tình dục. Trong khi đó, giáo dục giới tính và sức khoẻ sinh sản chưa được chú trọng đúng mức và chưa có sự vào cuộc kịp thời, đồng bộ của các cơ quan có trách nhiệm liên quan, chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục nhà trường và giáo dục gia đình.
Về phía trường học, các nội dung về giáo dục giới tính, sức khoẻ tình dục trong nhà trường hiện còn chưa thực sự hiệu quả do nội dung, thời điểm và phương thức giảng dạy. Giáo viên chưa có đủ kỹ năng, phương pháp để giao tiếp, kết nối với học sinh, tạo ra một môi trường thoải mái để các em có thể chia sẻ những khúc mắc để có thể hỗ trợ cho trẻ kịp thời.
Về phía gia đình, nhiều phụ huynh vẫn chưa thực sự nhận thức được tầm quan trọng và trách nhiệm của mình trong việc giáo dục giới tính cho con. Nhiều cha mẹ còn phó mặc cho nhà trường hoặc cho rằng tình dục là riêng tư, tế nhị, con cái sẽ tự nhận biết khi lớn lên nên thường né tránh, đề cập. Thậm chí, khi trẻ có nhu cầu tìm hiểu, không ít phụ huynh đã vội vàng "dán nhãn", quy chụp rằng trẻ không ngoan và sợ rằng mình đang “vẽ đường cho hươu chạy”. Việc thiếu lòng tin, sự thấu hiểu lẫn nhau giữa phụ huynh và con cái đã dẫn đến khoảng cách ngày càng lớn giữa bố mẹ và trẻ em trong việc đề cập đến vấn đề giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản hay hiểu biết về tình dục an toàn. Một số gia đình thiếu sự quan tâm nên không phát hiện được những biểu hiện bất thường ở con.
Về phía các cơ quan chức năng, việc quản lý các trang mạng thông tin độc hại, trụy lạc, hành vi khiêu dâm… trên internet còn hạn chế nên chưa tạo được hàng rào bảo vệ trẻ em.
Để lấp được những lỗ hổng trong việc giáo dục giới tính, tôi cho rằng, trước hết, cần đặt vấn đề giáo dục giới tính và sức khỏe sinh sản là một trong những ưu tiên hàng đầu trong hoạt động chăm sóc, bảo vệ trẻ em, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của tất cả các cơ quan liên ngành.
Hơn nữa, cần thay đổi nhận thức, phương pháp giáo dục trẻ em. Thay vì cấm đoán, bao bọc, gia đình, nhà trường và xã hội hãy đồng hành cùng trẻ em, tạo ra môi trường phù hợp để trẻ em có thể chia sẻ những thắc mắc của mình về giới tính, tình dục, đồng thời hướng dẫn trẻ em về tình yêu, tình bạn, về tình dục an toàn và những biện pháp để bảo vệ mình đúng cách.
Những nội dung về giáo dục giới tính, sức khỏe sinh sản được các trường học lồng ghép, giảng dạy cho học sinh từ bậc trung học cơ sở. Ảnh: Hữu Quyết/TTXVN
Trước thực trạng trên, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam có đưa ra biện pháp gì để hạn chế?
Là tổ chức đại diện chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện một số giải pháp:
Thứ nhất, tập trung hoạt động giáo dục gia đình ở cộng đồng, giáo dục làm cha mẹ, người chăm sóc trẻ, đặc biệt chú trọng tới nâng cao nhận thức về giáo dục giới tính, giáo dục tiền hôn nhân, kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ cho trẻ em, cha mẹ và người chăm sóc trẻ; xây dựng, nhân rộng mô hình hỗ trợ cha mẹ chăm sóc phát triển toàn diện trẻ em dựa vào cộng đồng; mô hình Câu lạc bộ mẹ và con gái, các hình thức giáo dục pháp luật cho cả gia đình và trẻ em…
Thứ hai, phát huy tối đa vai trò của các Tổ công tác đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em đã được hình thành và đang hoạt động ở các cấp Hội; lên tiếng mạnh mẽ và đồng bộ ở tất cả các kênh, kiến nghị xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc xâm hại tình dục trẻ em… Đồng thời, chủ động tổ chức giám sát chuyên đề phục vụ phản biện xã hội đối với các chính sách liên quan đến đảm bảo an toàn cho phụ nữ, trẻ em; nghiên cứu, đề xuất các chính sách liên quan đến việc xây dựng môi trường an toàn cho trẻ em, ngay cả trong không gian mạng đang tác động lớn tới thái độ và hành vi của trẻ.
Thứ ba, tăng cường phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa gia đình, nhà trường và các ngành chức năng trong việc trang bị, nâng cao kiến thức, kỹ năng sống an toàn cho trẻ em bằng nhiều hình thức phù hợp với các em, tổ chức các hoạt động lấy các em làm trung tâm (ví dụ như mô hình Câu lạc bộ Thủ lĩnh của sự thay đổi)...
Thứ tư, Trung ương Hội sẽ chủ động phối hợp, thúc đẩy, đồng hành cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình chủ trì xây dựng Chương trình giáo dục làm cha mẹ toàn diện cấp quốc gia (Thủ tướng Chính phủ đã giao nhiệm vụ tại Đối thoại Phụ nữ Việt Nam 2022 và có văn bản phân công của Văn phòng Chính phủ tại Công văn số 8059/PCP-QHĐP ngày 1/12/2022 về việc giao nhiệm vụ các Bộ/ngành, địa phương về các kiến nghị của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam).
Bên cạnh đó, các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tiếp tục triển khai các hoạt động “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2012 - 2027 (Đề án 938 giai đoạn 2), chủ trì thực hiện Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, “Gia đình 5 có 3 sạch” và vun đắp giá trị gia đình Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới…
Với những nỗ lực cụ thể như vậy, cùng với trách nhiệm của các ngành chức năng, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam kỳ vọng sẽ góp phần giảm thiểu những vụ việc trẻ em gái bị xâm hại tình dục, có thai và sinh con.
Trân trọng cảm ơn bà!
Theo TTXVN