Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội Phùng Quốc Hiển đã than phiền về thực trạng giáo dục Việt Nam như vậy trong phiên họp 20 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/8, thảo luận về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Tại phiên họp, đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản tán thành với báo cáo Chính phủ và đoàn giám sát, tuy nhiên, nhiều đại biểu cho rằng kết quả giám sát cần được thể hiện rõ hơn, cụ thể hơn trong từng nhận định, đánh giá nhận xét.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng, nội dung báo cáo của đoàn giám sát chưa trả lời được các câu hỏi mang tính quyết định: chất lượng giáo dục tốt hay xấu? Chương trình giáo dục phổ thông nặng hay nhẹ? Sách giáo khoa hiện đại hay lạc hậu? mà mới chỉ liệt kê được các nội dung liên quan đến vấn đề này.
Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm chất lượng và chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông cũng được nhiều đại biểu quan tâm.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nêu thực tế, trong 10 năm qua đã có 461 văn bản được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành. Đây là một khối lượng văn bản đồ sộ tuy nhiên báo cáo của đoàn giám sát chưa nêu được tác động, chất lượng quyết định chính sách của 461 văn bản trên như thế nào. Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần sắp xếp, hệ thống hóa các văn bản này.
Liên quan đến việc đầu tư tài chính cho lĩnh vực giáo dục, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng sự tham gia của gia đình, xã hội trong quá trình xã hội hóa giáo dục là hết sức quan trọng. Chủ nhiệm Pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nhận định nguồn vốn đầu tư cho giáo dục hiện nay không phải nhỏ tuy nhiên chưa được sự đầu tư xác đáng là do thiếu đầu tư tập trung và thiếu niềm tin của xã hội vào giáo dục. Cần xây dựng lộ trình để bảo đảm nguồn lực cho giáo dục.
Cũng cùng quan điểm trên, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo nên xem xét, nghiên cứu xây dựng nguồn ngân sách hỗ trợ các học sinh, sinh viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, bảo đảm các em được học hành đầy đủ...
Theo đánh giá của đoàn giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông,” trong điều kiện đất nước còn nhiều khó khăn, nguồn lực còn hạn hẹp, được sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước và toàn xã hội, với những nỗ lực của đội ngũ nhà giáo và học sinh, giáo dục phổ thông đã đạt được những thành tựu quan trọng, góp phần thực hiện sứ mệnh nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực và bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật được ban hành tương đối đầy đủ, đã từng bước thể chế hóa các chủ trương, quan điểm lớn của Đảng về giáo dục, tạo hành lang pháp lý cho giáo dục phổ thông phát triển. Mạng lưới cơ sở giáo dục phổ thông không ngừng được củng cố, mở rộng, bình quân hằng năm gần 250 trường mới được thành lập, cơ bản đáp ứng được nhu cầu học tập tăng nhanh của học sinh. Cả nước hiện có 28.912 trường phổ thông, bảo đảm chỗ học cho 14.782.561 học sinh phổ thông.
Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông về cơ bản đã thể hiện được quan điểm, đường lối đổi mới giáo dục của Đảng và Nhà nước, bước đầu thể hiện được quan điểm dạy học phân hóa, tích hợp và tính liên thông, có nhiều tiến bộ về nội dung và hình thức trình bày. Đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đã có bước phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, trình độ và cơ cấu chuyên môn. Đầu tư cho giáo dục được ưu tiên, cơ sở vật chất nhà trường từng bước được cải thiện, nâng cấp theo hướng chuẩn hóa. Xã hội hóa giáo dục được đẩy mạnh. Công bằng xã hội trong giáo dục được thực hiện tốt hơn.
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng chất lượng giáo dục phổ thông nhìn chung vẫn chưa đáp ứng được mục tiêu giáo dục cũng như yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước và còn thấp so với các nước tiên tiến. Việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật nói chung còn chậm tiến độ, chưa đồng bộ, một số quy định thiếu tính cụ thể, khả thi.
Chương trình, sách giáo khoa còn thiên về truyền đạt kiến thức, chưa chú trọng đúng mức việc rèn luyện tư duy sáng tạo và năng lực tự học, chưa cân đối dạy "chữ" với dạy "làm người," giáo dục đạo đức, lối sống, lịch sử , văn hóa dân tộc cũng như định hướng nghề nghiệp. Chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu triển khai chương trình - sách giáo khoa mới nói riêng và bảo đảm chất lượng giáo dục nói chung. Cơ sở vật chất, trang thiết bị ở nhiều trường học còn thiếu đồng bộ chưa bám sát; chưa đáp ứng được yêu cầu của việc thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, hiệu quả sử dụng còn hạn chế...
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị đoàn giám sát tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sớm hoàn chỉnh báo cáo, chuẩn bị dự thảo Nghị quyết giám sát để gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các đại biểu Quốc hội tại ký họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Nội dung của Nghị quyết cần giao nhiệm vụ rõ ràng cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, ban hành Nghị quyết mới về chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông sau 2015 theo lộ trình.
Sau khi hoàn thiện văn bản giám sát, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ cần chuẩn bị dự án Luật Nhà giáo trình Quốc hội khóa XIII. Nghị quyết cũng cần nêu rõ giao Chính phủ phối hợp với Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, điều chỉnh các nội dung liên quan đến giáo dục phổ thông, bảo đảm tính thống nhất, có hiệu lực, hiệu quả thực hiện, có chất lượng ổn định.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng lưu ý Nghị quyết cần giao Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội giám sát việc Chính phủ xây dựng Đề án đổi mới chương trình sách giáo khoa theo mục tiêu đổi mới giáo dục toàn diện.
Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị Chính phủ phối hợp với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng, Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội rà soát việc chăm lo cơ sở vật chất đầu tư cho giáo dục, quan tâm đến đào tạo giáo viên trong các trường sư phạm, quản lý giáo dục...
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần quan tâm đến việc tăng cường đầu tư cho ngành giáo dục, trong đó có việc xã hội hóa, sử dụng các nguồn lực phát triển giáo dục, bồi dưỡng nhân tài, chăm lo giáo dục ở các vùng khó khăn... phấn đấu đến năm 2015, giáo dục phổ thông có bước chuyển biến tích cực.../.
TTX