Thứ Tư, 25/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 21/10/2008 20:19'(GMT+7)

Giao lại Quốc hội thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế

Điều hòa nhiệt độ được đề nghị là đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Điều hòa nhiệt độ được đề nghị là đối tượng không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Chiều 21/10, Quốc hội thảo luận tại các tổ về Dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Báo cáo Thẩm tra của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội về Dự án luật này cho thấy, trong quá trình đổi mới cơ chế quản lý kinh tế, các quy định về thuế tiêu thụ đặc biệt đã được chú trọng xây dựng, từng bước hoàn thiện, góp phần điều tiết thu nhập, hướng dẫn tiêu dùng, định hướng hoạt động sản xuất kinh doanh, động viên nguồn thu cho ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, qua một số lần sửa đổi, đến nay Luật thuế tiêu thụ đặc biệt vẫn bộc lộ những hạn chế nhất định, như quy định về đối tượng nộp thuế, mức thuế suất đối với một số hàng hóa, dịch vụ chưa phù hợp với thực tiễn; một số quy định chưa phù hợp với cam kết quốc tế; các quy định về quản lý thuế đã không còn tác dụng điều chỉnh khi Luật quản lý thuế đã quy định bao quát các vấn đề quản lý nhà nước...

Báo cáo Thẩm tra của Uỷ ban Tài chính-Ngân sách cũng thể hiện sự nhất trí cao với Chính phủ về sự cần thiết sửa đổi Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt nhằm khắc phục những hạn chế của Luật thuế tiêu thụ đặc biệt hiện hành, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; đồng thời nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong quá trình cải cách hệ thống pháp luật về thuế.

Theo Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính - Ngân sách, về cơ bản, nhiều nội dung sửa đổi của Dự thảo luật đã thể hiện định hướng trong Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2010, như đã bao quát hơn về đối tượng chịu thuế; điều chỉnh thuế suất theo hướng hợp lý hơn đối với một số hàng hóa, dịch vụ; bảo đảm phù hợp với các cam kết quốc tế...

Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu sửa đổi Luật thuế TTĐB hiện hành, Uỷ ban Tài chính-Ngân sách còn một số vấn đề cần tiếp tục xem xét như: Tính ổn định của chính sách thuế; Yêu cầu phù hợp với Chiến lược cải cách thuế; Tính cụ thể của Dự thảo luật; Căn cứ điều chỉnh thuế suất và tác động đối với nền kinh tế.

Thảo luận tại tổ, phần lớn ý kiến của các đại biểu tập trung vào các nội dung: Đối tượng chịu thuế; Thẩm quyền điều chỉnh thuế suất; Miễn giảm thuế tiêu thụ đặc biệt…

Không quy định điều hòa nhiệt độ là đối tượng chịu thuế

Đây là đề nghị của đa số đại biểu Quốc hội khi góp ý vào Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Các đại biểu cho rằng khi đời sống người dân đang ngày được nâng lên thì điều hòa nhiệt độ không còn là mặt hàng xa xỉ, xa lạ mà đã trở nên cần thiết đối với cuộc sống hàng ngày. Việc quy định điều hòa nhiệt độ là đối tượng chịu thuế trong điều kiện hiện nay là không còn phù hợp. Đại biểu Nguyễn Hoàng Anh (Hải Phòng), Trần Đình Việt (Đoàn Hậu Giang), Hoàng Văn Minh (Đoàn Nghệ An) cho rằng nên đưa mặt hàng này ra khỏi danh sách các mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để các quy định của Luật phù hợp với thực triễn cuộc sống, tạo điều kiện cho người dân nâng cao điều kiện sống, đảm bảo công bằng, hợp lý trong xác định đối tượng chịu thuế.

Về các đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt quy định như trong Dự thảo luật, Đại biểu Trần Đình Việt (Đoàn Hậu Giang) cho rằng ô tô chở người dưới 24 chỗ kể cả ô tô thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng nếu đưa vào đối tượng chịu thuế là không phù hợp trong tình hình hiện nay mà nên đưa ra khỏi diện chịu thuế. Những loại ô tô này chủ yếu sử dụng vào mục đích công cộng, do đó không thể xếp ô tô 16-24 chỗ là mặt hàng cao cấp, xa xỉ.

Về quy định đánh thuế suất 30% đối với xe ô tô từ 10-16 chỗ theo đại biểu Trần Đình Việt là tương đối cao, mà chỉ nên từ 15-20% là phù hợp. Đại biểu cũng kiến nghị xem xét lại mức thuế suất cho các dịch vụ vui chơi giải trí như vũ trường, masage, karaoke vào khoảng 30% là phù hợp. Nếu để mức 40%, còn cao hơn cả dịch vụ casino, trò chơi điện tử là không hợp lý. Đại biểu cho rằng không có lý do gì dịch vụ vui chơi giải trí lại bị đánh thuế cao hơn cờ bạc. Còn việc các dịch vụ vui chơi, giải trí này có trá hình hay không thì các cơ quan quản lý phải chịu trách nhiệm, chứ không thể đánh thuế cao lên khi không quản lý được.

Giao lại Quốc hội thẩm quyền điều chỉnh chính sách thuế

Về nội dung điều chỉnh chính sách thuế, Đại biểu Hoàng Văn Minh cho rằng, thẩm quyền về điều chỉnh thuế suất cần phải được quy định cụ thể trong luật. Trong tình hình hiện nay, Quốc hội đã họp 1 năm 2 lần, Thường vụ Quốc hội họp thường xuyên thì nên trả lại thẩm quyền đó cho Quốc hội, trong Hiến pháp của nước ta cũng đã có quy định này. Trước đây, với mục đích để Chính phủ điều hành linh hoạt vì Quốc hội hoạt động không thường xuyên, nên thẩm quyền này được giao cho Chính phủ. Theo đại biểu Minh, sở dĩ phải quy định như vậy là nhằm bảo đảm có một sự cân nhắc kỹ lưỡng trước khi điều chỉnh thuế suất. Điều này là thực sự cần thiết cho yêu cầu về bảo đảm tính ổn định của chính sách thuế. Nếu Quốc hội không làm có thể giao cho Uỷ ban Thường vụ Quốc hội xem xét việc điều chỉnh chính sách thuế hay thuế suất.

Cần một chính sách thuế ổn định

Các đại biểu Hoàng Văn Minh, Phan Trung Lý (Đoàn Nghệ An), Trần Đình Nhã (Đoàn Bà Rịa-Vũng Tàu), Lê Thanh Phong (Đoàn Lâm Đồng) cùng chung ý kiến cho rằng chính sách thuế cần phải ổn định, đây là một vấn đề rất quan trọng. Thời gian gần đây, nhiều mức thuế suất của chúng ta có sự thay đổi liên tục. Trong khi yêu cầu quan trọng đối với hoạt động điều hành, quản lý kinh tế thì chính sách thuế phải ổn định để các nhà đầu tư yên tâm đến làm ăn.

Ngày mai (22/10), Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe trình bày Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của các Uỷ ban của  Quốc hội đối với các Dự án luật: Luật quy hoạch đô thị; Luật quản lý nợ khu vực công; Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2009 và Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2009. Các đại biểu cũng sẽ thảo luận về Dự án Luật quy hoạch đô thị./.

Thanh Hà- Minh Hoà
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất