Thứ Sáu, 22/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Hai, 25/6/2018 20:0'(GMT+7)

Giáo sư Phan Huy Lê: “Sử học là cuộc đối thoại không ngừng giữa hiện tại và quá khứ”



PV: Thưa giáo sư, sứ mệnh của một nhà sử học là tìm kiếm sự thật lịch sử. Điều đó có phải là một nguyên tắc có tính tuyệt đối?
GS. Phan Huy Lê: Đúng vậy, sự thật là mục tiêu vươn tới của nhà sử học. Sứ mạng cao cả nhất của sử học là viết nên những trang sử tôn trọng sự thật khách quan, dựa trên những cứ liệu khoa học. Nhưng sử học cũng như bất cứ ngành khoa học nào, không bao giờ ngay một lúc mà đạt tới nhận thức toàn bộ và chân lý tuyệt đối cả.
Tôi đặc biệt yêu thích một câu nói về lịch sử của V.Huygo rằng: “Lịch sử là gì, lịch sử là tiếng vọng của quá khứ lên tương lai. Là ánh phản chiếu của tương lai trên quá  khứ”. Một cách diễn đạt hay, rất biện chứng, phù hợp với quan điểm sử học của tôi. Nghiên cứu sử học thực chất là một cuộc đối thoại không ngừng giữa hiện tại và quá khứ. Nhà sử học đứng trên bến bờ của hiện tại để nghiên cứu về quá khứ đã qua, và quá khứ đó là một dòng trôi không bao giờ lặp lại. Do đó, giữa kết quả nghiên cứu sử học, tôi gọi là “lịch sử được nhận thức” và đối tượng của sử học - tức “lịch sử khách quan” bao giờ cũng có một khoảng cách. Các nhà sử học từ đời này sang đời khác chỉ có thể rút ngắn được khoảng cách đó chứ không bao giờ có thể xóa bỏ.
Điều này là nguyên lý trong nhận thức luận nói chung và là một thực tế rất quan trọng mà mọi nhà sử học phải hiểu rõ để không bao giờ chủ quan, coi nghiên cứu xong, công bố, thế là đã kết thúc rồi. Kết thúc vấn đề này sẽ lại có những vấn đề mới đặt ra yêu cầu trình độ giải quyết cao hơn.
Trong cuộc sống cũng không có gì là tuyệt đối cả, đó là một tất yếu. Nhận thức sử học lại càng không, nó chỉ có tính tương đối. Qua tư liệu lịch sử, có thể phục dựng lại quá khứ, được khoảng 70-80% so với sự thật đã là tối ưu rồi. Mà sự thật ở đây, cũng có mấy loại:
Loại thứ nhất, có những sự thật không thể tiếp cận được, biết là nó xảy ra, nghe trong dư luận là có nhưng lại không có bất cứ một tư liệu nào để nghiên cứu, giám định và xác minh; hoặc tư liệu bị hủy hoại một cách cố tình thì nhà sử học bất lực trong việc nghiên cứu và phục dựng.
Loại thứ hai, là sự thật không được công bố. Có những sự thật mà trong một bối cảnh nào đó, vì an ninh, quốc phòng - tức là vì lợi ích tối cao của dân tộc, nhà sử học với tư cách là một công dân không được công bố.  Bản chất khoa học là khách quan nhưng mỗi nhà khoa học đều có Tổ quốc của mình. Điều đó, những nhà làm khoa học dù ở Việt Nam hay thế giới đều hiểu rất rõ.
Loại thứ ba, mới là quan trọng, đó là những gì được công bố phải đảm bảo độ tin cậy cao, tức là phải chịu trách nhiệm về điều mình công bố. Đấy mới là căn bản và sứ mạng của nhà sử học. Nhà khoa học chân chính phải chú trọng cái thứ ba này. Không biết thì bảo không biết, nhưng điều gì công bố thì phải đảm bảo độ tin cậy và chịu trách nhiệm trước người đọc, trước xã hội.
PV: Nếu nói khái quát, những thành tựu nghiên cứu lịch sử Việt Nam trong 2 thập niên gần đây là gì, thưa giáo sư?
Nói về các thành tựu thì nhiều nhưng có thể khái quát trên ba phương diện lớn:
Thứ nhất, nền tảng của khoa học lịch sử là tư liệu lịch sử. Trong hai chục năm vừa qua, về tư liệu có một bước tiến rất lớn. Các nguồn tư liệu lịch sử, gọi chung là sử liệu, được mở rộng với một quan điểm rất mới: Sử liệu không chỉ là các tư liệu chữ viết chính thống mà nói một cách tổng quát nhất là tất cả các thông tin giúp chúng ta tiếp cận và nhận thức đối tượng bao gồm cả tư liệu trực tiếp và tư liệu gián tiếp. Chẳng hạn như các bộ sách sử, tài liệu thư tịch cổ, các tác phẩm văn học, văn bia, gia phả, địa bạ, đinh bạ, hương ước, thần tích, châu bản… Nguồn tư liệu chữ viết tại các địa phương bảo tồn trong các đình, đền, chùa, quán, dòng họ và tư gia, các truyền thuyết, các truyện dân gian... Gần đây, nhiều tư liệu đã được hệ thống và xuất bản. Ví như, văn bia trong bộ Tổng tập thác bản văn khắc gồm 24 tập, tác phẩm văn học Hán - Nôm và quốc ngữ trong bộ Tổng tập văn học Việt Nam (42 tập); văn học dân gian trong bộ Tổng tập văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam (4 tập) và Kho tàng sử thi Tây Nguyên (72 tập)… Nguồn tài liệu lưu trữ của chính quyền Pháp và Nam triều thời thuộc địa và lưu trữ của Việt Nam thời độc lập cũng  được quan tâm khai thác ngày càng nhiều. Ngoài ra, còn một số sách Hán trong kho thư tịch cổ của Trung Quốc, các hồi ký, ghi chép của người nước ngoài, nhất là các thương gia, các nhà truyền giáo phương Tây... đều được thu thập và khai thác.
Thứ hai, trên cơ sở các nguồn sử liệu như vậy, việc nghiên cứu được đẩy mạnh trên tất cả các phương diện, qua tất cả các giai đoạn và ở bất cứ thời nào cũng đều có những phát hiện mới.
Kết quả khai quật và nghiên cứu khảo cổ học không những đã phát hiện các nền văn hóa khảo cổ học từ thời đại đồ đá đến thời đại kim khí mà còn chiếu rọi ánh sáng làm sáng rõ ba trung tâm văn hóa gắn liền với sự hình thành ba nhà nước cổ đại trên lãnh thổ Việt Nam. Đó là văn hóa Đông Sơn với nhà nước Văn Lang - Âu Lạc, văn hóa Sa Huỳnh - Chămpa với nhà nước Lâm Ấp, văn hóa Óc Eo với nhà nước Phù Nam.
Thời Bắc thuộc hơn nghìn năm đặt ra một thách thức vô cùng hiểm nghèo đối với sự tồn vong của dân tộc. Do tư liệu quá ít ỏi nên việc nghiên cứu gặp nhiều khó khăn. Chắt lọc, phê phán và tổng hợp mọi nguồn thông tin, lịch sử thời kỳ này được làm sáng rõ dần, có căn cứ để giải thích vì sao qua nghìn năm Bắc thuộc mà dân tộc ta không bị đồng hóa, cuối cùng giành lại được chủ quyền. Riêng cuộc khởi nghĩa Mai Thúc Loan ở Hoan Châu trước đây coi như chỉ diễn ra và thất bại trong năm 722 thì nay có đủ căn cứ khoa học để xác định cuộc khởi nghĩa bùng nổ đầu năm 713 và tồn tại trong gần 10 năm cho đến năm 722.
Thời kỳ trung đại và cận đại, một loạt vương triều và nhân vật lịch sử được nhìn nhận và đánh giá lại một cách khách quan, trung thực hơn về mặt tích cực cũng như mặt hạn chế. Những phát hiện từ Hoàng thành Thăng Long cũng đã “giải mã” rất nhiều điều trước đây ta chưa biết về thành Đại La, về thành Thăng Long từ kiến trúc cung điện, đến quy hoạch kinh thành, đời sống cung đình thời Lý - Trần - Lê…
Rồi các công trình nghiên cứu Cách mạng Tháng Tám, Kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam… là những thành tựu của sử học thời hiện đại. 
Thứ ba, những nghiên cứu có tính chất tổng hợp và khái quát cao hơn đã đặt ra nhiều vấn đề lớn của lịch sử dân tộc, nâng nhận thức lên một trình độ cao hơn, mang tính toàn bộ và toàn diện về lịch sử Việt Nam. 
Trước đây trong thời kỳ quân chủ, lịch sử Việt Nam được biên soạn theo lịch sử của các vương triều chính thống. Trong thời hiện đại, trên quan điểm tiên tiến và khoa học, lịch sử Việt Nam được nhận thức sâu rộng hơn, là lịch sử phát triển của các hình thái xã hội, lịch sử xây dựng và bảo vệ đất nước của dân tộc. Lịch sử Việt Nam bao giờ cũng phải xuất phát từ lãnh thổ Việt Nam hiện nay để ngược về quá khứ kể từ khi con người xuất hiện, tất cả các cộng đồng cư dân nguyên thủy, các tộc người và nhà nước đã tồn tại trên không gian lãnh thổ này đều thuộc về chủ quyền Việt Nam hiện nay, đều là bộ phận tạo thành của lịch sử và văn hóa Việt Nam. Đồng thời, lịch sử Việt Nam cũng được nhận thức bao gồm cuộc sống toàn diện của quốc gia dân tộc trên mọi mặt: từ thời xã hội nguyên thủy đến thời hiện đại, từ nền tảng kinh tế, cơ sở xã hội, tổ chức chính trị đến văn hóa, đời sống tinh thần, tôn giáo, tín ngưỡng, văn học, nghệ thuật. Một nhận thức về tính toàn bộ và toàn diện như vậy về lịch sử Việt Nam đã dần dần hình thành từ cuối thế kỷ trước và ngày càng được giới sử học xác nhận, xã hội đồng tình.
 
Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học công nghệ cho Giáo sư Phan Huy Lê (trái)
tháng 1/2017 (Ảnh: VTV)

PV: Về mặt nhận thức, lịch sử dân tộc ta để lại những bài học gì, thưa Giáo sư?
GS. Phan Huy Lê: Bài học lịch sử để lại cho hậu thế thì rất nhiều. Nhưng nếu nhìn một cách tổng quát thì có thể tổng hợp thành mấy bài học lớn:
Bài học lớn thứ nhất, lịch sử xuyên suốt của dân tộc ta là dựng nước luôn đi đôi với giữ nước; trong quá trình xây dựng, kiến thiết đất nước cũng không bao giờ chủ quan, lơ là việc bảo vệ đất nước. Vua Lê Thái Tổ (Lê Lợi) từng đúc kết: “Giữ nước từ lúc nước chưa nguy”. Trong kháng chiến chống ngoại xâm, cách kết thúc chiến tranh cũng có quy luật: Trên cơ sở thắng lợi của chiến trường, phải bằng  đàm phán, ngoại giao, chính trị để chấm dứt chiến tranh và lập lại quan hệ bang giao với đối phương. Bởi chúng ta chống ngoại xâm là xuất phát từ nước nhỏ chống kẻ thù lớn từ bên ngoài tới, ta thắng giặc là đánh tan quân xâm lược trên đất nước của mình, buộc đối phương thừa nhận nền độc lập của ta. Đó là bài học tổng kết không chỉ trong kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ mà trong suốt tiến trình lịch sử giữ nước của Việt Nam.
Bài học lớn thứ hai là muốn xây dựng đất nước thành công và bảo vệ đất nước thắng lợi phải gắn liền chủ quyền quốc gia với thống nhất giang sơn, độc lập dân tộc phải luôn đi đôi với thống nhất đất nước. Nước nhỏ mà chia cắt, phân tán, chia rẽ thì sẽ càng yếu, là cơ hội cho các thế lực ngoại xâm thực hiện mưu đồ xâm lược, cho nên phải thống nhất thì mới có sức mạnh để giữ nước.
Bài học lớn thứ ba có tính quy luật là, muốn xây dựng đất nước cũng như muốn giữ gìn đất nước trong điều kiện là một nước không lớn như ta thì sức mạnh định đoạt không phải chỉ là sức mạnh của quân đội và thành lũy mà là sức mạnh toàn dân. Cho nên phải giữ mối quan hệ mật thiết với nhân dân, giữ lấy niềm tin trong nhân dân, mất dân là mất nước. An Dương Vương thất bại vì quá tin vào thành ốc, quá tin vào vũ khí mà mất hoàn toàn liên hệ với nhân dân. Nhà Hồ thất bại do sai lầm về chiến lược, chiến thuật nhưng xét đến cùng vẫn là không thống nhất được lòng dân. Nhà Nguyễn thất bại nguyên nhân chủ yếu là mất lòng dân, “sợ dân hơn sợ giặc”…
Bài học lớn thứ tư, tôi muốn nhấn mạnh thêm vai trò của văn hóa trong xây dựng và bảo vệ đất nước. Tiềm lực lớn lao nhất của nhân dân được tích lũy, kết tinh vào trong nền văn hóa. Cho nên mỗi khi mất nước, trong âm mưu đồng hóa của đối phương bao giờ cũng âm mưu xóa bỏ, tiêu diệt nền văn hóa của ta, đồng hóa với nền văn hóa của họ. Có lịch sử, có văn hóa là có lòng dân. Mất lịch sử, mất văn hóa, mất lòng dân là mất tất cả. 
Ngoài ra còn nhiều bài học khác trong xây dựng đất nước như bài học về quản lý nhà nước, về kiểm soát quyền lực, về đối ngoại, về dùng người hiền tài…
PV: Trong số các ngành khoa học xã hội Việt Nam thì sử học luôn có nhiều cuộc tranh luận và tranh luận sôi nổi nhất. Giáo sư đánh giá thế nào về điều này?

GS. Phan Huy Lê: Tôi cho rằng, một nền khoa học phát triển phải luôn luôn có tranh luận, phản biện. Một nền khoa học không có sự tranh luận là một nền khoa học “chết lâm sàng”.
Ngay từ năm 1953, sau khi thành lập ban Văn-Sử-Địa, tổ chức phôi thai đầu tiên của khoa học xã hội Việt Nam, giới sử học đã có những cuộc tranh luận sôi nổi xung quanh vấn đề phân kỳ lịch sử Việt Nam, vấn đề chiếm hữu nô lệ, vấn đề phương thức sản xuất châu Á, vấn đề hình thành dân tộc; vấn đề đánh giá một số nhân vật lịch sử. Những năm 1968 - 1970 thì tranh luận, nghiên cứu về thời Hùng Vương; về 1000 năm Bắc thuộc với những câu hỏi văn hóa 1000 năm đầu công nguyên là gì, quan hệ giữa nền tảng Việt với quá trình Hán hóa như thế nào? Rồi tiếp tục tranh luận kết thúc Bắc thuộc ở đâu, họ Khúc hay chiến thắng Bạch Đằng của Ngô Quyền. Hai thập niên qua thì tranh luận về lịch sử miền Trung, miền Nam, văn hóa Chăm Pa, Ốc Eo, Phù Nam như thế nào; rồi một loạt nhân vật rất phức tạp như Lê Văn Duyệt, Phan Thanh Giản, Trương Vĩnh Ký, và một số nhân vật đầu thế kỷ XX như Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học… Đi vào lịch sử các vương triều, không có vương triều nào giới sử học không có vấn đề tranh luận. Thời đó, có những cuộc tranh luận kéo dài, tổ chức quy mô lớn trên tạp chí chuyên ngành. Gần đây, tranh luận trên tạp chí chuyên ngành thì ít, nhưng tranh luân trong hội thảo thì nhiều. Có tranh luận, có phản biện mới phát hiện và tìm ra được chân lý. Con đường của một nhà sử học là con đường khám phá, mở đường để đi tới nhận thức mới. Cái mới trong sử học cũng như các ngành khoa học khác, thường bắt đầu từ sự khám phá của một người hay nhóm người, khác với mặt bằng nhận thức đã có, nên luôn luôn phải chịu sự hoài nghi, phản biện, chất vấn của đồng nghiệp, của xã hội. Bất cứ nhà khoa học nào cũng vậy, trong quá trình tìm tòi, say sưa, ao ước, nung nấu bao nhiêu nhưng khi tung ra xã hội đều ít nhiều gặp phản ứng. Khi phát hiện mới, tìm tòi mới là chân lý thì dần dần sẽ được xã hội thừa nhận và góp phần vào việc nâng cao mặt bằng kiến thức của chuyên ngành và của xã hội. Nhưng nếu phát hiện mới không vượt qua được sự phản biện thì chính nhà khoa học phải kiểm tra lại kết quả nghiên cứu của mình. Đó là quy luật phát triển của khoa học, của nhận thức nói chung.
Tranh luận là con đường và điều kiện phát triển của khoa học. Vấn đề đặt ra là tổ chức và thái độ tranh luận như thế nào. Các cuộc tranh luận dù rất gay gắt nhưng dựa trên cơ sở khoa học, mang tính học thuật cao, văn hóa cao thì kết quả rất tốt. Nhưng gần đây có một số cuộc tranh luận không đạt được như vậy.
PV: Vậy theo Giáo sư, văn hóa tranh luận trong khoa học lịch sử cần như thế nào?
GS. Phan Huy Lê: Văn hóa tranh luận cơ bản là phải xác định động cơ và thái độ tranh luận. Tranh luận ở đây tuyệt đối không phải là được, thua của cá nhân mà tất cả phải vì chân lý lịch sử, sự thật lịch sử, mục tiêu phải nhắm tới một nhận thức khoa học gần với lịch sử khách quan nhất. Trong tranh luận, cái có ý nghĩa lớn nhất là cứ liệu, lập luận khoa học. Trên cơ sở đó, tranh luận có thể cực kỳ gay gắt nhưng mọi người giữ thái độ văn minh, tức là phải lắng nghe nhau, tôn trọng nhau. Và tránh lối quy kết, suy diễn ảnh hưởng đến uy tín, nhân cách của người khác, điều đó xa lạ với văn hóa tranh luận khoa học
Điểm xuất phát căn bản của nhà khoa học phải là niềm tự tin và bản lĩnh, cái gì cho là đúng, có đủ cơ sở để bảo vệ luận điểm đó thì phải đấu tranh đến cùng. Nhưng tự tin, bản lĩnh phải mang tính chất khoa học chứ không phải là tự tin đến mức luôn luôn cho mình là đúng và trở thành bảo thủ, khẳng định cá nhân, không coi trọng cộng đồng khoa học, rơi vào chủ quan. Trong tranh luận khoa học, thắng lợi thuộc về chân lý chứ không phải mục tiêu gì khác.

PV: Xung quanh cách nhìn nhận, đánh giá về nhà Nguyễn cũng còn nhiều tranh luận. Giáo sư có thể cho biết quan điểm của mình?
GS. Phan Huy Lê: Từ những kết quả nghiên cứu khởi xướng ở Huế, rồi sau đó mở rộng ra Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, đặc biệt là Hội thảo ở Thanh Hóa năm 2008, quy tụ hơn 500 nhà khoa học đã đánh giá, nhìn nhận lại nhà Nguyễn một cách khoa học và khách quan. Tất nhiên, nghiên cứu khoa học lúc nào cũng cần phải bổ sung, hoàn thiện thêm.
Không ai phủ nhận, nhà Nguyễn có một số mặt hạn chế bộc lộ trên nhiều phương diện: bảo thủ, thậm chí muốn độc tôn Nho giáo dẫn đến trì trệ, khước từ các đề xuất canh tân; về đối nội, chính sách xã hội lạc hậu làm lòng dân ly tán, thế nước suy yếu; lại không có đường lối chiến lược giữ nước rõ ràng, lúc chiến lúc hòa,  không tập hợp được sức mạnh kháng chiến của nhân dân, để mất nước vào tay thực dân Pháp. Đây là trách nhiệm nặng nề nhất và là tội lỗi của nhà Nguyễn đối với lịch sử dân tộc.
Nhưng, không phải vì thế mà phủ nhận sạch trơn nhà Nguyễn. Nhà Nguyễn có nhiều giai đoạn, trong đó có giai đoạn hưng thịnh thời Gia Long - Minh Mệnh, có những mặt tích cực và có những đóng góp lớn cho lịch sử.
Đóng góp lớn nhất có ý nghĩa cho đến tận bây giờ là công cuộc tái thống nhất đất nước mà Tây Sơn đã đặt cơ sở nhưng chưa hoàn thành. Phong trào Tây Sơn đã đánh đổ các chính quyền chúa Nguyễn, chúa Trịnh, vua Lê, xóa bỏ tình trạng chia cắt Đàng Trong - Đàng Ngoài, tạo nên những cơ sở rất quan trọng để thống nhất đất nước. Nhưng thời Tây Sơn, đất nước vẫn bị phân chia làm ba chính quyền của Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ; giữa Nguyễn Nhạc - Nguyễn Huệ còn mâu thuẫn dẫn đến xung đột vũ trang. Tình trạng như thế không thể nói là đất nước đã thống nhất. Quốc gia mà Nguyễn Ánh lập ra mang tên Việt Nam, sau đó, thời Minh Mệnh đổi tên là Đại Nam, mới là một quốc gia thống nhất. Đó là quốc gia thống nhất từ Bắc chí Nam, từ Lũng Cú đến tận Mũi Cà Mau, từ Trường Sơn ra đến Biển Đông, bao gồm cả bờ biển, các đảo ven biển, đặc biệt quan trọng là cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Cần nhấn mạnh đấy là sự thống nhất đầu tiên trên một lãnh thổ gần như tương ứng với lãnh thổ Việt Nam ngày nay.
Đóng góp thứ hai của nhà Nguyễn, là trên cơ sở đó, xây dựng được một nền hành chính mang tính chất quốc gia thống nhất từ trung ương xuống tỉnh, phủ, huyện, xã, đặc biệt với cải cách hành chính thời Minh Mệnh vào những năm 1831-1832.
Đóng góp thứ ba, cần đặc biệt chú ý tới công việc quản lý và thực thi chủ quyền của nhà Nguyễn đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Gia Long lên ngôi năm 1802 thì ngay năm sau đã cho tổ chức lại đội quân Hoàng Sa. Năm 1816, Gia Long sai thủy quân và đội Hoàng Sa ra Hoàng Sa thăm dò đường thủy. Thời Gia Long, Minh Mệnh công việc quản lý, thực thi chủ quyền được tiến hành đều đặn hằng năm và nâng lên tầm quốc gia do nhà vua trực tiếp điều hành. Khi nghiên cứu các châu bản của nhà Nguyễn, trong kho tàng châu bản có 19 văn bản về quản lý Hoàng Sa, Trường Sa, phần lớn là đời Gia Long và Minh Mệnh. Lực lượng quản lý trước giao cho đội Hoàng Sa, một lực lượng dân binh của đảo Lý Sơn, nay giao cho thủy quân kết hợp với đội Hoàng Sa tức quân đội chủ lực của vương triều đóng vai trò chủ yếu. Rồi tổ chức và chế độ quản lý thực thi chủ quyền được quy định rất chặt chẽ. Hằng năm, thời gian ra đi là khoảng tháng 2, tháng 3, lúc gió mùa Tây Nam bắt đầu thổi, hoạt động ở trên 2 quần đảo đó cho đến khoảng tháng 8 tức là trước khi gió mùa Đông Bắc, mùa mưa bão về. Thêm vào đó, không chỉ ra khai thác sản vật mà còn đo đạc hải trình Hoàng Sa, Trường Sa, vẽ bản đồ, cắm mốc chủ quyền, lập chùa, trồng cây ở trên đảo. Châu bản triều Nguyễn cũng phản ánh một nhận thức rất sâu sắc, có tầm nhìn chiến lược về vị trí của Hoàng Sa, Trường Sa, coi đây là vùng cương giới trên biển cần xác lập rõ ràng và là vùng cực kỳ hiểm yếu, nằm trong không gian sinh tồn của quốc gia dân tộc. Tất cả những ghi chép đó ở trong chính sử, chủ yếu là bộ Đại Nam thực lục đã được khắc in thành văn bản chính quy của Nhà nước, cộng với châu bản có châu phê và dấu ấn của các vua nhà Nguyễn, tạo thành một hệ thống cứ liệu khoa học và pháp lý cho phép khẳng định vững vàng chủ quyền của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa.
Tôi nghĩ rằng trên đây là 3 cống hiến rất lớn của nhà Nguyễn đối với lịch sử dân tộc. Trong đó có những di sản đến nay chúng ta vẫn kế thừa như lãnh thổ Việt Nam, cơ sở pháp lý khẳng định chủ quyền biển, đảo. Phủ định nhà Nguyễn, không những thiếu khách quan, không trung thực, đồng thời, còn có nghĩa là tự phủ định những cơ sở pháp lý cực kỳ quan trọng cho sự tồn tại của đất nước hôm nay.
PV: Thực hiện chủ trương của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Chính phủ, hiện nay giới sử học đang được giao phó trọng trách tập hợp lực lượng nghiên cứu và biên soạn bộ Lịch sử Việt Nam với yêu cầu là một bộ lịch sử quốc gia. Là người chủ nhiệm Đề án, Giáo sư có thể thông tin đôi nét về pho Quốc sử này?
GS. Phan Huy Lê: Trong lịch sử Việt Nam cũng như các nước trên thế giới, mỗi thời kỳ lịch sử đều có bộ lịch sử chính thức của quốc gia. Trong những thập niên qua, nền sử học Việt Nam tuy đã đi một chặng đường dài, bên cạnh những thành tựu to lớn trên nhiều lĩnh vực vẫn còn nhiều khoảng trống. Yêu cầu xây dựng và bảo vệ đất nước đòi hỏi sớm có một bộ Quốc sử mới xứng đáng với tầm vóc của dân tộc trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Đây sẽ là cơ sở khoa học để các nhà lãnh đạo, quản lý tham khảo trong công việc hoạch định chính sách, xử lý các vấn đề liên quan đến lịch sử dân tộc, để quảng bá lịch sử Việt Nam trong nước và giới thiệu ra nước ngoài.
Công trình vừa tổng hợp toàn bộ kết quả nghiên cứu lịch sử trong nước, tiếp thu chọn lọc những thành tựu về lịch sử Việt Nam của giới Việt Nam học quốc tế, vừa nghiên cứu bổ sung một số nội dung để bảo đảm thực hiện tính toàn bộ, toàn diện của lịch sử dân tộc. Theo Kết luận của Ban Bí thư, bộ sử phải quán triệt sâu sắc quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh về lịch sử dân tộc, quán triệt sâu sắc quan điểm khoa học biện chứng, khách quan, toàn diện, lịch sử, cụ thể, tôn trọng sự thật lịch sử. Yêu cầu cao nhất là biên soạn một bộ Quốc sử phản ánh tổng hợp nhận thức của nền sử hoặc Việt Nam hiện đại, nêu cao tính “tín sử”, bảo đảm sự tin cậy của người đọc, của xã hội. Theo kế hoạch, cuối năm 2018, bộ Quốc sử  này sẽ hoàn thành bản thảo với 25 tập lịch sử và 5 tập biên niên sự kiện.
PV: Xin cảm ơn Giáo sư!

Thu Thanh (thực hiện)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất