Cách đây vài năm, giới truyền thông cũng như người dùng in-tơ-nét ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều khái niệm về “Fake news” (tin giả). Ban đầu, “Tin giả” tại nước ta chỉ là một số địa chỉ trang mạng giới thiệu những phương pháp trị bệnh nan y bằng “siêu năng lực”. Dần dần, trên các trang MXH mà điển hình là Facebook xuất hiện những câu chuyện ly kỳ, hình ảnh thương tâm hay đơn giản là các khuyến mãi “hời” không ngờ từ những nhãn hàng, thương hiệu nổi tiếng. Một số địa chỉ MXH lại sử dụng các ứng dụng “nhảm” nhưng kích thích trí tò mò của người dùng. Sau một thời gian, các địa chỉ này bắt đầu “nhồi” vào tai người dùng những thông tin bịa đặt.
Theo nhiều nghiên cứu khác nhau, Facebook hiện là MXH được sử dụng nhiều nhất tại nước ta. Thống kê gần đây cho thấy, Việt Nam hiện xếp thứ bảy về số lượng người dùng Facebook trên toàn thế giới với 64 triệu tài khoản. Số tuổi trung bình người dùng MXH Việt Nam là từ 18 đến 34 tuổi, trong đó thời gian dành cho việc “lướt” MXH, tìm kiếm thông tin, đọc tin tức lần lượt chiếm 94%, 87% và 65%. Như vậy, có thể thấy rằng, ở nước ta, những người thường xuyên truy cập MXH chính là lực lượng thanh niên, và nhu cầu tìm kiếm thông tin qua MXH của các bạn trẻ là rất cao. Đáng chú ý, theo đánh giá của Bộ Công an, trong thời gian gần đây, thông tin xấu, độc hại, phản động trên MXH ngày càng diễn biến rất phức tạp. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay, số trang web, blog, địa chỉ MXH chứa những nội dung như trên được Bộ Công an ngăn chặn đã lên tới con số 2.700.
Có rất nhiều bạn trẻ biết cách sử dụng MXH hiệu quả, tự tìm kiếm nguồn tri thức, nâng cao giá trị bản thân và cả khởi nghiệp, làm giàu chính đáng. Nhiều nhóm bạn trẻ sử dụng MXH để gắn kết cộng đồng, sẻ chia những bất hạnh, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, góp phần xây dựng một xã hội giàu lòng nhân ái. MXH còn là môi trường giúp giới trẻ tự tin bày tỏ suy nghĩ, thể hiện trình độ, chứng minh năng lực bản thân trước bạn bè quốc tế trong thời đại hội nhập toàn cầu. Tuy nhiên, qua khảo sát cũng như tìm hiểu thực tế của chúng tôi, một bộ phận không nhỏ thanh niên vẫn “chuộng” tìm kiếm thông tin qua những địa chỉ MXH không chính thống hoặc những luồng thông tin mang tính chất “lá cải”, dẫn đến nhiều hệ lụy. Điển hình như thời gian vừa qua, không ít bạn trẻ đã bị kẻ xấu lợi dụng, kích động, mua chuộc tham gia cả trực tiếp và gián tiếp vào các hành vi tụ tập gây rối trật tự công cộng, cố ý làm hư hỏng tài sản nhà nước. Bên cạnh đó, một số thanh niên dù không tham gia nhưng vẫn hiếu kỳ lại gần theo dõi, quay phim, chụp ảnh, vô tình khiến những kẻ quá khích thêm hung hăng, ngạo ngược. Đến khi bị các lực lượng chức năng tạm giữ, một số bạn trẻ mới nhận ra sự thiếu hiểu biết, thiếu ý thức, hùa theo số đông trên MXH nguy hiểm đến mức nào.
Những diễn biến mới, phức tạp, xuất phát từ các thông tin xấu, độc trên MXH đặt ra cho các cấp bộ Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong vai trò “người dẫn đường” của giới trẻ nhiều thách thức, nhiệm vụ không dễ dàng. Đoàn Thanh niên và đặc biệt là các cán bộ Đoàn cần chủ động, tích cực suy nghĩ phương pháp tạo dựng năng lực nhận thức xã hội cho các bạn trẻ để họ tỉnh táo nhận diện được các thông tin xấu, độc trên MXH. Để làm được điều này, bản thân các thủ lĩnh thanh niên ở địa phương phải tự giác, dám nghĩ, dám làm, dám phê phán những hành vi sai trái diễn ra chung quanh nơi làm việc, sinh sống. Các cấp bộ Đoàn, Hội, Đội cần thường xuyên nắm bắt tình hình dư luận, kịp thời phát hiện những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong thanh thiếu niên để tham mưu với cấp ủy, triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời, tránh để rơi vào tình thế bị động, thờ ơ. Bên cạnh những quan điểm, chủ trương tuyên truyền, giáo dục thanh niên hiện nay, Đoàn Thanh niên hoàn toàn có thể tổ chức nghiên cứu, khảo sát, tổng hợp để liệt kê, thông báo rộng rãi đến thanh niên những địa chỉ MXH chứa thông tin độc hại, sai trái, bịa đặt... từ đó khuyến cáo các bạn trẻ không truy cập, tiếp cận.