Ðến nay, Phong trào Thanh niên tình nguyện của Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh và tuổi trẻ cả nước đã được hơn 10 tuổi. Một chặng đường cùng những thành tích xuất sắc đã tạo dựng nên một "thương hiệu" bền vững của tổ chức đoàn và thanh niên nước ta. Ðiều đó càng ý nghĩa hơn khi Phong trào được bắt nguồn từ chính truyền thống tốt đẹp và nhân văn cao cả của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, việc gìn giữ, phát huy truyền thống, giá trị của dân tộc qua các hoạt động tình nguyện đang trở thành nhiệm vụ cấp bách của tuổi trẻ cả nước.
Không ngừng phát triển
Ðầu tháng 12 này, lần đầu, Trung ương Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức tuyên dương, vinh danh 10 tập thể, mô hình và 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong Phong trào Thanh niên tình nguyện. Ðiều này chứng tỏ, giá trị của Phong trào đã "vượt" phạm vi đất nước, được quốc tế công nhận. Cũng nhân dịp này, Hội thảo quốc gia về tình nguyện tiếp tục được tổ chức và đưa đến cho các cán bộ đoàn, hội và thanh niên tình nguyện Việt Nam những thông tin mới cùng cách nhìn nhận đầy đủ hơn về hoạt động tình nguyện.
Theo Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHTN Việt Nam Nguyễn Phi Long, trong năm 2001, mới có khoảng 1,6 triệu lượt thanh niên tham gia các hoạt động tình nguyện, thì sau hơn 10 năm, tính đến hết năm nay, đã có tổng số hơn 47 triệu lượt bạn trẻ tham gia tình nguyện ở khắp mọi miền Tổ quốc và tại nước bạn Lào, Cam-pu-chia. Phong trào Thanh niên tình nguyện đã phát triển rộng khắp, uy tín được nâng cao. Ðến với tình nguyện, không chỉ có thanh niên, sinh viên mà còn có cả những cụ già 70 tuổi, những thiếu niên 12 - 13 tuổi. Tuổi trẻ Việt Nam còn đón nhận nhiều đoàn thanh niên quốc tế đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Ca-na-đa... tham gia các hoạt động chung sức vì cộng đồng.
Các hoạt động tình nguyện của tuổi trẻ đã có mặt ở hầu hết những lĩnh vực của cuộc sống, nhất là những vấn đề bức xúc của xã hội. Bên cạnh đó, các đội hình tình nguyện chuyên ngành đang được thành lập với mục tiêu nâng cao chất lượng các hoạt động. Từ Phong trào Thanh niên tình nguyện, đã xuất hiện nhiều mô hình hoạt động của thanh niên và ghi dấu ấn sâu sắc trong xã hội, góp phần quan trọng tham gia xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế. Ðó là các Ðảo thanh niên, Làng thanh niên, Làng thanh niên lập nghiệp nơi biên giới, Tiếp sức mùa thi, khám, chữa bệnh miễn phí cho người nghèo, Tình nguyện mùa đông, Nhà nhân ái...
Có thể nói, Phong trào Thanh niên tình nguyện là một trong những hoạt động quan trọng nhất, là "chìa khóa" để tổ chức đoàn đến với thanh niên và để thanh niên biết sống đẹp-sống có ích.
Giữ vững giá trị và truyền thống
Tuy nhiên, trên thực tế triển khai các hoạt động tình nguyện, các cấp bộ đoàn, hội và tuổi trẻ cả nước đang đối mặt với những khó khăn, hạn chế. Việc thành lập các đội hình tình nguyện chuyên ngành chưa được chú trọng toàn diện, hiệu quả chưa cao, nhiều nơi mới chỉ coi đây là "chủ trương" nên chưa quyết tâm thực hiện trong thực tế cuộc sống. Còn không ít hoạt động tình nguyện được tổ chức chỉ để hưởng ứng đợt ra quân theo chủ đề, chẳng hạn như: bảo vệ trật tự an toàn giao thông, bảo vệ môi trường, bảo vệ dòng sông quê hương, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh khó khăn... Tại những buổi ra quân này, thường có đông đảo đoàn viên, thanh niên tham gia hưởng ứng, ngay sau lễ phát động có trực tiếp làm việc nhưng không duy trì được lâu dài, hiệu quả không thực chất, thậm chí phản tác dụng... Ðáng suy nghĩ là cách làm này đã trở nên "thông dụng" tại một số địa phương, đơn vị trong cả nước.
Các hoạt động tình nguyện ngày nay đang được xã hội hóa mạnh mẽ. Ðiều này góp phần đưa đến cho phong trào một điều rất quan trọng, đó là nguồn lực, cơ sở vật chất; tuy nhiên cũng xuất hiện những hạn chế, bất cập. Chẳng hạn như, trong một số hoạt động tình nguyện có sự tham gia của các doanh nghiệp đã có những mặt hàng, sản phẩm dành tặng người nghèo nhưng chất lượng thấp, hết hạn sử dụng... Có những doanh nghiệp "biến" hoạt động tình nguyện, chung sức vì cộng đồng thành nơi để quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình.
Gần đây, xuất hiện thêm nhiều câu lạc bộ, đội, nhóm, mô hình tình nguyện của các bạn trẻ tự thành lập, tự hoạt động và chủ động xin tài trợ... Ðiều này đem đến những mầu sắc mới cho phong trào tình nguyện của thanh niên Việt Nam. Tuy nhiên, nếu không có cách làm hiệu quả, không tổ chức chặt chẽ, chính thống thì các hoạt động tình nguyện dễ bị "biến tướng" và trở thành công cụ cho kẻ xấu lợi dụng.
Các tỉnh đoàn, thành đoàn cần giảm bớt các chương trình tình nguyện theo kiểu "chuồn chuồn đạp nước", nên tập trung nguồn lực thực hiện những hoạt động có hiệu quả lâu dài, tác động trực tiếp đến đời sống người dân nghèo. Mỗi người trẻ khi tham gia tình nguyện cần ý thức về trách nhiệm thực hiện những công việc với kết quả cụ thể, thiết thực, không nên coi hoạt động tình nguyện là những chuyến píc-níc, dã ngoại.
Ðể có thể tiếp tục nâng cao chất lượng, giá trị của các hoạt động tình nguyện, Ðoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội LHTN Việt Nam các cấp cần khẳng định vai trò quan trọng của mình trong việc tập hợp, tổ chức, điều phối và định hướng. Mọi sự trợ giúp, kết nối từ bên ngoài cần tập trung cho mục tiêu nâng cao kỹ năng, tạo thêm nguồn lực, cơ sở vật chất cho các hoạt động tình nguyện. Phong trào thanh niên tình nguyện của tuổi trẻ Việt Nam chỉ có thể bền vững và phát triển khi kế tục và phát huy tốt truyền thống nhân văn, nhân đạo sâu sắc của dân tộc./.
(Đinh Song Linh/Nhân Dân)