Hơi thở dân gian, dấu ấn của biển
Những buổi biểu diễn bài Chòi không còn xa lạ với du khách tới thăm Hội An nữa. Mỗi tối, họ đều có thể tìm đến nghe bài Chòi, chơi bài Chòi ở gần chùa Cầu, sát bên bờ sông Hoài. Bài chòi không khó chơi, thậm chí cả với khách nước ngoài. Họ chỉ cần nhận quân bài, nghe hát, và chờ anh chị Hiệu xướng tên xem quân bài có trùng với lá bài mình có không. Lời ca có thể hiểu, có thể không, song nhịp điệu của âm nhạc khá thu hút. Hội An đã có một không gian mở để ai cũng có thể tham gia dễ dàng vào cuộc chơi của bài Chòi. “Tôi nghĩ Hội An rất chú trọng bài Chòi khi đặt điểm biểu diễn này ở gần chùa Cầu- một điểm du lịch có tiếng. Nó làm chúng tôi nghĩ đến việc giao thương, nghĩ đến biển, văn hóa biển”, ông Nguyễn Trung, một du khách tới Hội An chia sẻ.
Là di sản văn hóa của nhiều tỉnh miền Trung, nghệ thuật bài Chòi cũng là một di sản mang ảnh hưởng của văn hóa biển. Theo hồ sơ của Cục Di sản, Hội hô Bài Chòi là trò diễn xướng dân gian đầy sáng tạo của cư dân ven biển miền Trung. Những năm gần đây, khắp nơi trên các vùng Quảng Nam, Bình Định, Phú Yên, cứ đến ngày lễ Tết, người dân lại nô nức đi chơi Bài Chòi. “Bài chòi liên quan đến văn hóa biển vì đó là sản phẩm văn hóa của những cư dân biển. Nó sinh ra từ đời sống ven biển. Nó thể hiện trong nghệ thuật bằng những lời ca. Đề tài của những bài ca đó liên quan đến biển. Tỷ lệ bài ca liên quan đến biển thì không nhiều. Nó tạo dấu ấn chứ không phải đặc trưng”, ông Đặng Hoành Loan, nguyên Viện trưởng Viện Âm nhạc, nói.
Nghiên cứu của Viện Âm nhạc cho thấy, âm nhạc Bài chòi là thành phần quan trọng tạo ra phong cách Bài chòi ở mỗi vùng. Theo đó, có thể chia âm nhạc Bài chòi Trung Bộ thành hai vùng lớn. Vùng thứ nhất là âm nhạc Bài chòi của các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên- Huế. Ở đây, các điệu hò vè được sử dụng nhiều, với tính chất chậm rãi nhẹ nhàng. Vùng thứ hai là âm nhạc Bài chòi các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa và thành phố Đà Nẵng. Vùng thứ hai lại có biểu hiện “kịch tính” do ảnh hưởng của nghệ thuật hát bội.
Điều ông Loan đánh giá cao nhất về bài chòi chính là hơi thở dân gian qua hình thức diễn xướng độc diễn. Nghệ thuật này thường có tên gọi là Bài chòi chiếu, theo đó, nó không phải để đố tên con bài mà để kể những câu chuyện dân gian. Theo ông Loan, nếu như trước đây thời lượng ngày hội chơi Bài chòi chỉ diễn ra ngắn trong dịp Tết Nguyên Đán, thì nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ca hát Bài chòi lại có quanh năm. Vì thế, các anh chị Hiệu được quần chúng hâm mộ đã diễn bài chòi chiếu. Hình thức này không hạn chế bởi thời vụ, cũng có thể diễn linh hoạt trong nhà, ngoài sân, ngoài chợ, trong sân đình.
“Khi biểu diễn, họ là người nghệ sĩ kể chuyện, lại là người đóng từng vai trong câu chuyện kể: khi là mẹ chồng, khi là nàng dâu, khi là quốc trạng, khi là anh hầu, khi là nữ tướng, khi là con trẻ. Với cách thức thoát xác và nhập vai rất nhanh họ đã làm cho người xem thâm nhập vào truyện kịch để được buồn vui, tức giận với từng tình tiết, từng nhân vật của trò diễn. Cách thức trình diễn ấy được người đời sau đặt tên là Nghệ thuật độc diễn Bài chòi”, ông Loan chia sẻ. Một số vở diễn kể chuyện được ông nêu tên gồm: Thoại Khanh- Châu Tuấn, Phạm Công- Cúc Hoa hay các lớp tuồng như Trại Ba công chúa, Trảm Trịnh Ân, Phàn Lê Huê- Tiết Đinh San. Cũng theo ông Loan, còn rất nhiều vở diễn khác chưa được sưu tầm hết.
Còn mất
Ông Đặng Hoành Loan cũng vẫn còn nhớ câu chuyện đi tìm nơi in bộ bài Tới. Đây là những quân bài được dùng dán lên thẻ tre để trở thành bộ bài Chòi. Ông cùng nhóm nghiên cứu đã phải hỏi chuyện nhiều nghệ nhân Bài chòi Nam Trung Bộ nhưng hầu như các cụ đều không biết gốc gác nó ở đâu. Những quân bài ở các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa đều được vẽ lại theo trí nhớ của các nghệ nhân. Manh mối chỉ xuất hiện khi ông đến Huế, và được Sở VH-TT-DL khi ấy cho biết, nơi có truyền thống sản xuất con bài Tới là làng Sình, thành phố Huế. “Nhưng người làng Sình cũng không còn sản xuất con bài Tới nữa. Mặc dù vậy, vẫn còn gia đình bà Ngô Thị Tuyết ở thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế còn sản xuất và giao hàng các bộ bài ở chợ Đông Ba”, ông Loan nhớ lại.
Khi nhóm nghiên cứu của ông Loan tới nơi, cơ sở sản xuất con bài của bà Tuyết nằm trong một căn phòng nhỏ của gia đình. Các bản khắc con bài vẫn đang được sử dụng để in các bộ bài mẫu. Bà cũng cho biết, gia đình bà xưa kia có bán bàn cho các sạp hàng ở chợ Đông Ba và cả các khách buôn thuyền cất hàng đem bán cho các tỉnh miền trong. “Hiện tại tôi đến làng Sình cũng không tìm thấy dấu tích gì của việc in bài nữa. Tuy nhiên, ở Huế, vẫn có thể tìm thấy các bản khắc gỗ để in bài”, nhà nghiên cứu mỹ thuật Thu Hòa cho biết. Bà Hòa hiện là Giám đốc Bảo tàng gốm sứ, cũng là người nhiều năm gắn bó với các làng tranh dân gian.
Theo PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa VN, nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam (UNESCO ghi danh tại Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào 7.12.2017) mang trong nó nhiều loại hình nghệ thuật. Chẳng hạn, có phần âm nhạc, có nghệ thuật biểu diễn, sự nhập vai và cả di sản mỹ thuật qua các ván khắc để làm ra quân bài. Chính vì thế, việc bảo tồn cũng cần chú ý tất cả các yếu tố trên. Thời điểm hiện tại, ông Bài đánh giá cao mô hình đưa bài chúng đến với công chúng qua điểm đến mở tại không gian văn hóa công cộng tại Hội An. “Bài chòi, cái bài học điển hình nhất là thấy ở Hội An. Họ đưa ra nghệ thuật đường phố và tụ điểm văn hóa buổi tối. Các trung tâm văn hóa. Còn có chơi bài, có phần thưởng cho người dự. Có lẽ giữ cái gốc sinh hoạt đó rồi thì tạo thêm hoạt động để người chơi tham gia nhiều hơn”, ông Bài nói.
Sức mạnh cộng đồng
Còn nhớ, vào thời điểm Hội An nhận danh hiệu di sản văn hóa thế giới hồi 1999,nghệ thuật Bài Chòi tưởng chừng đã biến mất khi chỉ còn được diễn vào mùa xuân. Nhưng cùng với bảo tồn phố cổ Hội An, chính quyền ở đây cũng quyết tâm bảo tồn cả những di sản phi vật thể trong không gian đó. Chính vì thế, cả Bài chòi lẫn hò khoan đối đáp, tuồng đều được tạo điều kiện để thực hành trở lại. Hội An vừa đào tạo diễn viên kế cận, vừa dạy loại hình này trong trường phổ thông, phát triển thành sản phẩm du lịch. Bài chòi cũng được đưa đi giao lưu quảng bá ở các nước như: Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đức, Ý, Hungari, Nhật Bản.“Lúc đầu, điểm Bài Chòi được tổ c hức mỗi tháng một lần vào đêm rằm. Sau đó dần dần trở thành điểm sinh hoạt thường kỳ hằng đêm của cư dân và du khách đến Hội An”, ông Võ Phùng- Giám đốc Trung tâm VHTT Hội An cho biết.
Không chỉ Hội An, giờ đây, sau khi Bài Chòi thành di sản, các địa phương buộc phải có chương trình hành động cho mình. Trung tâm Văn hóa Thể thao Hội An tổ chức đều đặn các lớp học Bài Chòi và dân ca. Ở đây, có gia cả 3 cha con đều trở thành những người trình diễn, hô Bài chòi. Bình Định cũng đang xây dựng Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể hát Bội và Bài Chòi trên địa bàn tỉnh đến năm 2020. Bình Định cũng đặt mục tiêu đào tạo nghệ nhân Bài Chòi kế cận, theo đó, đến năm 2020, địa phương này sẽ có 40 câu lạc bộ Bài Chòi dân gian. Bài Chòi cũng được đưa vào các sự kiện quan trọng. Kỷ niệm ngày thống nhất đất nước năm nay tại Khu di tích quốc gia đặc biệt đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải (Quảng Trị), tỉnh này đã đưa bài chòi vào chương trình chính. Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị Nguyễn Văn Hùng và Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Chính đã cùng người dân tham gia chơi bài chòi.
PGS.TS Đặng Văn Bài cho rằng muốn giữ Bài Chòi chỉ có cách dựa vào cộng đồng và nghệ nhân. Tuy nhiên, để phát huy giá trị cũng cần tuyên truyền giá trị của di sản nữa. Việc tuyên truyền cũng không được khô khan, nó cần đa dạng và thậm chí gắn với sản phẩm du lịch. “Có thể có trò chơi, hướng dẫn, giải thích để người ta có thể tự in bộ bài chòi. Hoàn toàn có thể đượ chứ. Nó đòi hỏi thêm người trình diễn, thêm sáng kiến kết hợp với du lịch. Phải có thông tin để giải thích cho cộng đồng hiểu được. Người Bắc vào miền Trung, không giải thích kỹ cũng không hiểu được đâu. Bài chòi nếu hiểu sẽ thích, thì ta phải làm sao để cộng đồng hiểu rồi mới yêu được”, ông Bài nói.
Theo UNESCO, Bài Chòi được ghi danh Di sản văn hóa đại diện nhân loại vì những giá trị nổi bật toàn cầu sau:
- Nghệ thuật Bài Chòi là một hoạt động văn hóa quan trọng trong cộng đồng làng xã, đáp ứng nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của cộng đồng. Các câu chuyện trong Bài Chòi là những bài học đạo đức, thể hiện tình yêu quê hương đất nước, sự gắn kết cộng đồng và những kinh nghiệm trong cuộc sống của người dân.
- Việc ghi danh Nghệ thuật Bài Chòi khuyến khích đối thoại giữa các cộng đồng, các nhóm người và cá nhân; tạo cơ hội trao đổi và chia sẻ kinh nghiệm giữa những người thực hành, qua đó làm phong phú kiến thức và kỹ năng liên quan đến việc thực hành các hình thức nghệ thuật.
- Đã có những nỗ lực bảo tồn bao gồm việc tổ chức các hội Bài Chòi, trình diễn và giảng dạy bải bản và kỹ năng ca hát, cũng như kỹ thuật trình diễn, phương pháp làm thẻ bài và các kỹ năng chơi Bài Chòi. Chính sách đãi ngộ cho nghệ nhân đã được ban hành và chương trình giáo dục chính quy cũng đã được thiết kế để thu hút các thế hệ trẻ. Các phương tiện truyền thông địa phương và quốc gia cam kết nâng cao nhận thức về giá trị của di sản với phần lớn các học viên tình nguyện tham gia vào quá trình phổ biến, quảng bá di sản.
- Cộng đồng tích cực đóng góp ý tưởng cho việc sưu tầm và tư liệu hóa di sản, điền vào các mẫu kiểm kê và tham gia vào tất cả các công đoạn chuẩn bị hồ sơ đề cử.
- Di sản này được Bộ VH-TT-DL Việt Nam đưa vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể quốc gia trong giai đoạn 2014-2016. Bản kiểm kê được lưu giữ tại Phần mềm Hệ thống thông tin quản lý di sản văn hóa phi vật thể của Cục Di sản văn hóa.
|
Nguyễn Kiều Trinh