Thứ Hai, 25/11/2024
Vấn đề quan tâm
Thứ Bảy, 27/10/2018 14:19'(GMT+7)

Giữ gìn phẩm giá, uy tín của người trí thức chân chính

Không có tính sáng tạo thì khó có thể gọi là trí thức. Tuy nhiên, một trí thức chân chính, ngoài phẩm chất say mê lao động sáng tạo, thì còn phải có lòng tự trọng, đồng thời phải biết đồng hành, gắn bó thủy chung với cộng đồng, dân tộc, đất nước đã sinh ra, nuôi dưỡng mình lớn khôn, trưởng thành.

Thời gian qua, trong khi phần đông trí thức Việt Nam luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm của mình và có nhiều đóng góp tích cực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước, thì vẫn còn một số trí thức có những hành vi làm tổn hại đến sự nghiệp chung, gây bất lợi cho ổn định chính trị và sự đồng thuận xã hội.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 30 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Ảnh: TTXVN

Mới đây, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã ra thông báo về những sai phạm rất nghiêm trọng của một trí thức, đó là ông Chu Hảo, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc-Tổng biên tập Nhà xuất bản Tri thức (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam). Theo thông tin của cơ quan chức năng cung cấp, từ năm 2005 đến 2018, với vai trò là Giám đốc-Tổng biên tập, ông Chu Hảo đã để Nhà xuất bản Tri thức xuất bản 29 cuốn sách có nội dung sai phạm; trao giải thưởng một số đầu sách có nội dung phức tạp, nhạy cảm. Là một đảng viên, nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, nhưng từ năm 2011 đến nay, ông Chu Hảo đã tham gia ký tên, soạn thảo và trực tiếp soạn thảo 7 kiến nghị, thư ngỏ với nhiều nội dung chưa đúng, không phù hợp, trái với đường lối, quan điểm của Đảng và Nhà nước, để các phần tử xấu lợi dụng, xuyên tạc sự thật, ảnh hưởng đến uy tín và vai trò lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Không chỉ vậy, ông Chu Hảo đã “Vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm, có những bài viết, phát ngôn có nội dung trái với Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đã suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Vi phạm, khuyết điểm này là rất nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng, tác động xấu tới tư tưởng xã hội, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật”-như thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã chỉ ra.

Nhiều ý kiến cho rằng, đáng ra ông Chu Hảo phải bị thi hành kỷ luật từ lâu, vì vi phạm của ông diễn ra trong thời gian dài. Mặc dù đã được các cơ quan cấp trên, cơ quan chức năng, tổ chức nghề nghiệp nhiều lần chân thành góp ý, nhắc nhở, nhưng ông vẫn không khắc phục khuyết điểm. Tuy nhiên, vì ông Chu Hảo từng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo của một bộ, lại là một trí thức có ảnh hưởng nhất định trong đời sống xã hội, nên cơ quan chức năng và những người có trách nhiệm đã rất thận trọng trong xử lý, xem xét toàn diện ở mọi khía cạnh rồi mới thống nhất đề xuất cấp có thẩm quyền ra quyết định kỷ luật. Tất nhiên, phải quyết định kỷ luật đối với một trí thức là việc không ai mong muốn. Nhưng như người đứng đầu Đảng và Nhà nước ta đã từng khẳng định: “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người”.

Qua sự việc này, chúng ta mới thấy không phải cứ là trí thức thì sẽ được mọi người vị nể, trọng vọng. Tài năng đến mấy nhưng không mang tài năng ấy ra phụng sự đất nước, phục vụ nhân dân, mà lại lợi dụng khả năng, vị thế công tác của mình để làm phương hại đến sự nghiệp chung, tác động xấu đến dư luận xã hội, niềm tin trong nhân dân, thì rất đáng phê phán. Không riêng ông Chu Hảo, thời gian qua, nhân danh “kẻ sĩ yêu nước”, “trí thức thương nòi”, một số tri thức, văn nghệ sĩ đã lợi dụng tên tuổi của mình, lợi dụng bầu không khí tự do sáng tạo, đã có những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị và “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, trong đó nổi lên các biểu hiện như: Phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”, thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”; nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hạ thấp, phủ nhận những thành quả cách mạng; thổi phồng khuyết điểm của Đảng, Nhà nước; phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học-nghệ thuật; cổ xúy cho quan điểm, tư tưởng dân chủ cực đoan; thổi phồng mặt trái của xã hội; sáng tác, quảng bá những tác phẩm văn hóa, nghệ thuật lệch lạc, bóp méo lịch sử, hạ thấp uy tín của Đảng…

Trí thức trước hết là một công dân, nên phải có ý thức, bổn phận, nghĩa vụ, trách nhiệm đối với xã hội như bao công dân khác. Trong xã hội pháp quyền lại càng đòi hỏi mọi công dân có ý thức sống, làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đối với trí thức là đảng viên thì còn phải chấp hành điều lệ, kỷ luật Đảng. Không những vậy, người trí thức-đảng viên chân chính còn phải tham gia xây dựng, giữ gìn và làm lan tỏa ảnh hưởng vị thế, uy tín, danh dự của Đảng trong xã hội, góp phần làm cho hình ảnh của Đảng ăn sâu vào tình cảm, niềm tin trong nhân dân.

 Là người lao động trí óc, có trình độ học vấn, chuyên môn cao, có năng lực tư duy độc lập và sáng tạo, đội ngũ trí thức giữ vai trò quan trọng trong thúc đẩy tiến bộ xã hội phát triển. Bất cứ một quốc gia nào muốn phồn vinh, hưng thịnh thì cũng phải đề cao vị thế, vai trò và biết khơi nguồn tiềm năng to lớn, sức mạnh dồi dào của đội ngũ trí thức. Nhận thức rõ vấn đề đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước ta đã có quan điểm nhất quán là “Xây dựng đội ngũ trí thức vững mạnh là trực tiếp nâng tầm trí tuệ của dân tộc, sức mạnh của đất nước. Ðầu tư xây dựng đội ngũ trí thức là đầu tư cho phát triển bền vững”. Một mặt, Đảng ta khẳng định, thực hành dân chủ, tôn trọng và phát huy tự do tư tưởng trong hoạt động nghiên cứu, sáng tạo của trí thức vì những mục tiêu tốt đẹp của đất nước, xã hội; mặt khác cũng mong muốn đội ngũ trí thức có bổn phận trước Tổ quốc và dân tộc, không ngừng phấn đấu nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức, năng lực chuyên môn, đóng góp nhiều nhất cho sự phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc.

Bầu không khí tự do vừa là bệ đỡ, vừa là động lực nuôi nguồn cảm hứng và thúc đẩy tài năng sáng tạo cho trí thức. Nhưng cần hiểu tự do ở đây không phải là tự do vô giới hạn, mà là tự do có giới hạn và giới hạn đó không gì khác chính là ranh giới cần thiết để phòng ngừa những lệch lạc có thể làm tổn hại đến thanh danh, uy tín của trí thức và tác động không thuận đến sự ổn định, phát triển lành mạnh của xã hội, đất nước. Nói như một nhà văn, đối với trí thức và văn nghệ sĩ chân chính, không có tự do nào tuyệt đối bằng tự do tuyệt đối phụng sự Tổ quốc, phụng sự dân tộc, phục vụ nhân dân. Khi tâm huyết, tài năng của mình được thể hiện tự do trong tình yêu Tổ quốc, tình yêu nhân dân, tình yêu dân tộc thì nhất định công trình, tác phẩm của trí thức, văn nghệ sĩ sẽ được xã hội công nhận và đi vào lòng công chúng. Nếu không nhận thức thấu đáo vấn đề này, trí thức, văn nghệ sĩ sẽ đi chệch khỏi "đường ray" cuộc sống và dễ bị đào thải.

Lịch sử đã chỉ ra rằng, một khi trí thức giàu lòng tự trọng, trách nhiệm, tâm huyết với nhân dân, với Tổ quốc, biết giải quyết hài hòa giữa thực hiện vai trò, sứ mệnh của trí thức với đề cao trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân trong cuộc sống và trong hành trình sáng tạo của mình thì mới để lại danh thơm tiếng tốt cho bản thân, gia đình và xã hội. Ngược lại, nếu để “cái tôi” cá nhân lấn át “cái ta” cộng đồng, thiếu sự thủy chung, tinh thần xây dựng và ứng xử tiền hậu bất nhất... thì khó có chỗ đứng trong lòng công chúng.

THIỆN VĂN

 

Nguồn: QĐND

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất