Dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước
hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành
Trung ương là một trong những nội dung được đưa ra xem xét tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XII).
Nhiều ý kiến cho rằng đây là quy định rất cần thiết nhằm phát huy vai
trò nêu gương của đảng viên, góp phần quan trọng nâng cao vị thế và năng
lực lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay.
Trách nhiệm nêu gương phải thường xuyên, liên tục
Hiện nay, trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được thể hiện trực
tiếp hoặc gián tiếp trong nhiều văn bản của Đảng, cụ thể nhất là Quy
định 101/QĐ-TW ngày 7/6/2012 của Ban Bí thư về “Trách nhiệm nêu gương
của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp và Quy
định 55/QĐ-TW ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về “Một số việc cần làm
ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên".
Bên cạnh việc phát huy hiệu quả tích cực trong Đảng và trong xã hội thời
gian qua, theo nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, các quy định
hiện nay mới dừng ở mức độ như một lời khuyến nghị; cần phải nâng lên
thành những ràng buộc trách nhiệm mạnh mẽ hơn. Vì thế, việc Hội nghị
Trung ương 8 xem xét vấn đề này là rất cần thiết.
Ông Vũ Mão đánh giá các cơ quan đã chuẩn bị rất công phu, tiến hành lấy ý
kiến của các chuyên gia, cán bộ lãnh đạo cấp ủy. Tuy nhiên, để quy định
phù hợp với thực tiễn, thực thi hiệu quả và sớm đi vào cuộc sống cần
làm rõ một số nội dung cụ thể.
Theo nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Vũ Mão, trước hết cần tìm ra
nguyên nhân vì sao thời gian qua sự nêu gương của cán bộ, đảng viên nhất
là cán bộ cấp cao có nhiều hạn chế; sự quý mến, kính trọng và niềm tin
của nhân dân đối với những người có chức vị đã giảm sút, từ đó đưa ra
giải pháp khắc phục.
Ông Vũ Mão chỉ rõ, hiện nay các quy định, văn bản pháp luật đòi hỏi sự
nêu gương của cán bộ, nhất là cán bộ cấp cao còn thiếu nên trong tổ chức
triển khai có nhiều điểm không rõ ràng, không đầy đủ dẫn đến việc thực
hiện tùy tiện.
Dẫn chứng việc dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) mặc dù đã
trình ra Quốc hội 2 lần và tại kỳ họp tới sẽ cho ý kiến lần thứ 3 nhưng
vấn đề xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực vẫn chưa được
giải quyết thấu đáo, ông Vũ Mão nhấn mạnh những quy định không rõ ràng,
minh bạch sẽ dẫn đến sự thiếu gương mẫu của cán bộ, đảng viên nhất là
cán bộ cấp cao.
Ông Vũ Mão cho rằng phải có cách nhìn sâu sắc hơn, đầy đủ hơn về tác
động của cơ chế thị trường vào nền kinh tế nước ta. Chủ trương xây dựng
nền kinh tế theo cơ chế thị trường là đúng đắn nhưng do nhận thức không
đầy đủ, thiếu những quy định về vận dụng cơ chế thị trường vào thể chế
nước ta dẫn đến nguy cơ tham nhũng.
“Nói đến nội dung, tiêu chí nêu gương của cán bộ trước hết là cấp cao mà
không nói tới tác động của cơ chế thị trường, đòi hỏi vận dụng như thế
nào thì chưa đầy đủ và rất khiếm khuyết. Quy định lần này phải có cách
nhìn nhận đầy đủ về tác động của cơ chế thị trường để từ đó đưa ra quy
định pháp luật về sự gương mẫu của cán bộ cấp cao trong điều kiện hiện
nay”, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu rõ.
Bên cạnh đó, nhiều vụ việc vi phạm, bị xử lý liên quan tới cán bộ cấp
cao thời gian qua khiến nhân dân rất lo lắng. Khẳng định muốn đứng vững,
Đảng phải trong sạch, gương mẫu, ông Vũ Mão cho rằng việc chấn chỉnh,
củng cố cán bộ, đảng viên là cần thiết và Quy định này là một trong
những nội dung quan trọng để thực hiện nhiệm vụ đó. Trách nhiệm nêu
gương của cán bộ, đảng viên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt,
cần phải chỉnh đốn thường xuyên, liên tục.
Đặc biệt, Điều 4 Hiến pháp đã nêu rõ Đảng Cộng sản Việt Nam gắn bó mật
thiết với Nhân dân, phục vụ Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân,
chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình. Vì thế,
Quy định này cần xây dựng cơ chế để nhân dân kiểm tra, giám sát, tạo
điều kiện để báo chí thông tin sâu rộng tới người dân, đồng thời người
dân cũng có thể đóng góp ý kiến của mình.
Về lâu dài, theo ông Vũ Mão, các quy định về tạo điều kiện cho cán bộ
lãnh đạo nêu gương phải được thể chế hóa thành những văn bản pháp luật,
có thể là luật, pháp lệnh, nghị định… buộc tất cả các cán bộ, đảng viên
phải thực hiện nghiêm.
Nêu gương phải thực hiện từ trên xuống dưới
Nhà báo Hà Đăng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tổng biên tập
Báo Nhân Dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng -Văn hóa Trung ương (nay là Ban
Tuyên giáo Trung ương) cho biết yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất
là cán bộ cấp chiến lược đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, hoàn thành được
nhiệm vụ đã được nêu ra tại Hội nghị Trung ương 7 ( khóa XII) tháng
5/2018. Phẩm chất bao gồm cả phẩm chất chính trị và phẩm chất văn hóa,
đạo đức; năng lực gồm năng lực đề ra đường lối, chính sách và năng lực
chuyên môn, nghiệp vụ. Uy tín là sự tín nhiệm, sự mến phục của nhân dân
và đặc biệt, cán bộ phải đảm đương được nhiệm vụ mới ngày càng nặng nề,
phức tạp.
Dự thảo Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được
trình Hội nghị Trung ương lần này đưa ra điểm mới là yêu cầu cán bộ,
nhất là cán bộ chiến lược phải nêu gương tốt, coi nêu gương là tiêu
chuẩn lớn trong xây dựng đội ngũ cán bộ.
Theo Nhà báo Hà Đăng, đây là vấn đề lớn bao gồm cả phương pháp lãnh đạo và tư chất của người lãnh đạo.
“Nếu như nói đây chỉ là cách lãnh đạo, coi đó là một mặt của công tác
cán bộ thì không đúng. Phải hiểu là nêu tấm gương toàn diện về con người
cách mạng, chẳng hạn như nêu tấm gương lớn về trọn đời phấn đấu hi sinh
cho sự nghiệp của Đảng, của dân tộc. Nếu lãnh đạo không nêu gương hoặc
nêu gương xấu, người đó không đủ tiêu chuẩn làm cán bộ”, nhà báo Hà Đăng
phân tích.
Dẫn chứng nhiều tấm gương về sự tuyệt đối trung thành với lợi ích của
Đảng, của cách mạng, của dân tộc; tấm gương trọn đời vì nước, vì dân;
tấm gương về nếp sống trong sạch, giản dị..., nhà báo Hà Đăng nhấn mạnh
người cán bộ đi trước phải nêu tấm gương tốt cho lớp trẻ. Qua đó, lớp
trẻ tin hơn vào con đường cách mạng và quyết tâm học tập, làm theo lớp
đàn anh.
Ngoài ra, theo nhà báo Hà Đăng, việc nêu gương phải thực hiện từ trên
xuống dưới; không chỉ Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban bí thư, Ủy viên
Ban Chấp hành Trung ương mà những người đứng đầu ở tỉnh ủy, thường vụ
cấp ủy địa phương cũng phải nêu gương. Đây là vấn đề kỷ luật chung.
Phân tích các nguyên nhân gây ra tham nhũng, nguyên Phó Ban Tổ chức
Trung ương Nguyễn Đình Hương cho rằng vai trò nêu gương của cán bộ, Đảng
viên vô cùng quan trọng, đặc biệt là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban
Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên
Ban Bí thư, Ủy viên Ban chấp Trung ương phải thực sự gương mẫu và kiên
quyết chống các biểu hiện tiêu cực trong lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý,
điều hành; công tác cán bộ; tham nhũng chính sách; tham vọng quyền lực,
lạm quyền, lộng quyền, lợi ích nhóm, để người thân lợi dụng chức vụ,
quyền hạn để trục lợi.
“Thượng bất chính thì hạ tắc loạn, cấp trên không nghiêm thì làm sao
dưới nghiêm được. Công tác cán bộ và giám sát cán bộ là quan trọng”, ông
Hương nhấn mạnh.
Nhiều ý kiến chỉ rõ, không chỉ liên quan tới khoảng 4 triệu cán bộ đảng
viên, trong đó cán bộ cao cấp, trung cấp, vấn đề trách nhiệm nêu gương
còn đụng chạm tới vai trò, uy tín của Đảng, chất lượng lãnh đạo của
Đảng. Nếu được Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương 8, khóa XII thông qua,
đây sẽ là quy định có ý nghĩa trong chống các biểu hiện tiêu cực trong
lãnh đạo; làm tăng thêm sức mạnh của Đảng và quan trọng là tăng niềm tin
của người dân đối với Đảng./.
Phan Phương (TTXVN)