(TG)-Theo Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước và so với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu hàng hóa tháng 1 năm nay tăng tới 50,5%.
Mặc dù dịch bệnh COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, song xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ nhịp tăng trưởng ngay trong tháng đầu tiên của năm 2021, giúp cán cân thương mại đạt thăng dư tới 1,3 tỷ USD.
Xuất khẩu tăng 50,5 so với cùng kỳ
Theo đại diện Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 1/2021 ước đạt 27,7 tỷ USD, tăng 0,2% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm 2020, xuất khẩu hàng hóa tháng 1 tăng tới 50,5%.
Đóng góp chính vẫn là nhóm hàng công nghiệp chế biến, với giá trị ước đạt 23,96 tỷ USD, tăng 1% so với tháng 12/2020 và tăng 54,5% so với cùng kỳ, chiếm 86,5% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhiều mặt hàng có mức tăng trưởng mạnh, trong đó xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ tăng 48,4%; giấy và sản phẩm giấy tăng 32,5%; hàng dệt và may mặc tăng 3,3%; xơ, sợi, dệt các loại tăng 64,6%; giầy, dép các loại tăng 26,4%...
Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong những năm gần đây cơ cấu sản phẩm có sự dịch chuyển tích cực khi tỷ trọng sản phẩm công nghệ cao và vừa của Việt Nam đã tăng lên đáng kể, tạo cơ sở hình thành một số tập đoàn công nghiệp tư nhân có quy mô lớn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Theo đó, tỷ trọng hàng hóa xuất khẩu qua chế biến trong tổng giá trị xuất khẩu tăng từ 65% năm 2016 lên 85% năm 2020; Tỷ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao tăng từ 44,3% năm 2016 lên 49,8% năm 2020.
Cùng với các hoạt động thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn kinh tế lớn và công ty đa quốc gia hàng đầu tại Việt Nam, các doanh nghiệp trong nước cũng đã có bước phát triển, vươn lên mạnh mẽ.
Đáng chú ý, Việt Nam đã hình thành và phát triển được các tập đoàn kinh tế lớn hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp cơ bản, vật liệu, cơ khí chế tạo... như Viettel, Vingroup, Trường Hải, Thành Công, Hòa Phát..., tạo nền tảng cho công nghiệp hỗ trợ, giúp Việt Nam từng bước tham gia sâu hơn vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Trong khi đó, xuất khẩu của nhóm nông, lâm, thủy sản vẫn chịu nhiều tác động của dịch bệnh và thị trường xuất khẩu nên trong tháng 1/2021 đã giảm tới 16,2% so với tháng 12/2020, chỉ đạt 2,03 tỷ USD.
Ngoài ra, xuất khẩu nhóm nhiên liệu và khoáng sản ước cũng giảm 13,9% so với tháng 12/2020 và giảm 50,4% so với cùng kỳ, chỉ đạt 193triệu USD.
- Tháng 1 cả nước xuất siêu 1,3 tỷ USD:
Ở chiều ngược lại, trong tháng 1/2021, cả nước đã chi khoảng 26,4 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong nước, giảm 5,4% so với tháng 12/2020.
Như vậy, ngay trong tháng đầu tiên của năm 2021, cán cân thương mại tiếp tục thặng dư, với mức xuất siêu 1,3 tỷ USD.
Đẩy mạnh xúc tiến thương mại
Dù đạt được nhiều kết quả tích cực trong tháng đầu năm, song trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, Bộ Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp để tối đa hóa các mục tiêu đề ra cho cả năm nay.
Theo đó, lãnh đạo Bộ Công Thương lưu ý các đơn vị chức năng và doanh nghiệp tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường và tháo gỡ rào cản để thâm nhập các thị trường mới.
Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đề nghị tiếp tục theo dõi sát sao diễn biến của đại dịch COVID-19 trên thế giới để có các biện pháp ứng phó kịp thời. Ưu tiên triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu và các thị trường xuất khẩu sớm khôi phục sau đại địch; đồng thời tập trung theo dõi sát tình hình từng thị trường để rà soát, xác định các chủng loại hàng hóa mà các nước đang có nhu cầu nhập khẩu để khai thác, thúc đẩy xuất khẩu.
Một trong những hướng ưu tiên của Bộ Công Thương là củng cố và mở rộng thị trường xuất khẩu, tận dụng tối đa lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã có hiệu lực; đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, nhập khẩu, đặc biệt là các thị trường nhỏ và thị trường ngách.
Trong bối cảnh Trung Quốc liên tục tăng cường các biện pháp thắt chặt kiểm dịch và an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc cùng nhiều yêu cầu chi tiết về cơ sở đóng gói, nhãn mác... khiến xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản sang thị trường này gặp không ít khó khăn.
Cùng với đó, cơ quan chức năng Trung Quốc đã thông báo tiến hành kiểm tra và khử trùng phòng dịch đối với hàng hóa được vận chuyển trong container thông thường do lo ngại dịch COVID-19 dễ lây lan qua biên giới khi nhiệt độ xuống thấp vào mùa Đông và mùa Xuân....
Do đó, Bộ Công Thương thông báo và khuyến nghị các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh nông sản, thủy sản xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng cường công tác giám sát chất lượng của hàng hóa, tránh vi phạm các quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm kiểm dịch, an toàn thực phẩm, góp phần giúp quá trình thông quan diễn ra thuận lợi hơn.
“Bộ Công Thương cũng đang phối hợp chặt chẽ với các Bộ ngành của Việt Nam để trao đổi với phía Trung Quốc nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu giữa hai nước,” đại diện Bộ Công Thương lưu ý thêm.
Đặc biệt, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, cho biết thời gian tới hoạt động xúc tiến thương mại sẽ xây dựng chương trình và tập trung cho từng nhóm hàng, thị trường cũng như cho từng giai đoạn cụ thể.
Bên cạnh đó, Chương trình xúc tiến thương mại sẽ tập trung xây dựng thương hiệu sản phẩm để nâng giá trị cho sản phẩm. Đẩy mạnh tuyên truyền xuất khẩu, quảng bá ngành hàng, sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu của vùng, miền và tập trung thực hiện quảng bá sâu rộng tối thiểu mỗi năm 3-5 ngành hàng vào các thị trường trọng điểm.
Ngoài ra, trong bối cảnh dịch COVID-19 còn diễn biến phức tạp ở nhiều quốc gia, Bộ Công Thương sẽ tăng cường triển khai các hình thức xúc tiến thương mại áp dụng công cụ trực tuyến để duy trì thị trường, quan hệ với các đối tác, hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tìm được bạn hàng cho những mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu…/.
TG