Thứ Bảy, 23/11/2024
Thế giới
Thứ Ba, 12/3/2019 10:26'(GMT+7)

Giữa ba dòng nước

Thủ tướng Anh Theresa May đã không nhận được sự nhượng bộ từ EU. (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Anh Theresa May đã không nhận được sự nhượng bộ từ EU. (Ảnh: Reuters)

Ngay sau khi thỏa thuận “chia tay” mà Thủ tướng Theresa May và EU phải “lao tâm khổ tứ” mãi mới ký kết được cuối cùng lại không vượt qua “cửa ải” Hạ viện Anh. Vì thế, người ta đã nghĩ ngay đến 3 kịch bản mà "đảo quốc sương mù" phải đối mặt, từ tổng tuyển cử trước thời hạn, một cuộc trưng cầu ý dân về Brexit cho đến một Brexit “cứng” (tức là không có thỏa thuận nào).

Kịch bản thứ nhất nhanh chóng bị loại trừ sau khi chính phủ của Thủ tướng Theresa May vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm. Trong khi đó, cuộc trưng cầu ý dân lần thứ hai khiến dư luận không khỏi hoài nghi liệu rằng đây có thực sự là nguyện vọng của người dân Anh hay không, bởi chính họ là người đã đưa ra quyết định rời “ngôi nhà chung” EU cách đây gần 3 năm.

Đó là chưa kể tới chuyện một cuộc trưng cầu ý dân mới-vốn phải mất hơn một năm mới có thể tổ chức được, cũng đồng nghĩa với việc Anh không thể nào tuân thủ thời hạn rời EU vào ngày 29/3 tới.

Và trên thực tế cho đến nay, Quốc hội Anh vẫn chưa đạt được đồng thuận nào về việc tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân như vậy.

Nếu nói như thế thì chẳng phải mọi chuyện đã hai năm rõ mười?! Sẽ không có giai đoạn chuyển tiếp và nước Anh phải lập tức ra khỏi liên minh thuế quan châu Âu từ ngày 29/3. London mặc nhiên phải từ bỏ 750 thỏa thuận quốc tế, kể cả thỏa thuận về thị trường chung châu Âu trong khi Brussels sẽ tái lập các hàng rào thuế quan và hạn ngạch nhập khẩu đối với hàng hóa của Anh bán sang thị trường chung châu Âu.

Một Brexit “cứng” có thể gây chấn động phần còn lại của “lục địa già” ở nhiều phương diện, từ giao thông hàng không hỗn loạn tới các cảng biển bị tê liệt và số phận bấp bênh của hàng triệu công nhân.

Đây chính là kịch bản mà cả Anh và EU đều không mong muốn nhất. Vì thế, cũng dễ hiểu tại sao không lâu sau lần bỏ phiếu đầu tiên, Hạ viện Anh đã phải thông qua đề xuất sửa đổi, theo đó cho phép Thủ tướng Theresa May đàm phán lại thỏa thuận Brexit với EU.

Vấn đề mấu chốt để đàm phán lại chính là điều khoản “rào chắn” cho phép duy trì đường biên giới “mềm”, không chốt chặn kiểm soát giữa vùng Bắc Ireland thuộc Anh và Cộng hòa Ireland trong trường hợp Anh và EU chưa đạt một thỏa thuận thương mại tự do hậu Brexit. Trong khi ràng buộc Anh với những quy định về thuế quan của EU cho đến khi hai bên nhất trí được về các mối quan hệ thương mại trong tương lai, điều khoản “rào chắn” không nói rõ London có thể ký thỏa thuận thương mại tự do với các nước khác trong lúc thực hiện giải pháp này hay không.

Điều khoản “rào chắn” bị cho là đe dọa sự toàn vẹn biên giới quốc gia, khiến Anh bị “mắc kẹt” với các quy định của EU vô thời hạn và bị hạn chế trong việc thiết lập giao dịch thương mại với các quốc gia khác trên thế giới. Vì lẽ đó, các nghị sĩ Anh muốn những thay đổi có tính ràng buộc pháp lý đối với thỏa thuận Brexit để bảo đảm rằng điều khoản này sẽ không tồn tại vĩnh viễn.

Điều đáng nói là các cuộc đàm phán giữa Anh và EU để thống nhất được những “bảo đảm cần thiết” liên quan tới điều khoản “rào chắn” hiện vẫn chưa có kết quả rõ ràng. Do đó, khả năng Hạ viện Anh thông qua thỏa thuận Brexit sửa đổi vào ngày 12/3 tới vẫn sẽ còn bỏ ngỏ.

Trong trường hợp kịch bản cũ lặp lại, tức các nghị sĩ Anh tiếp tục nói “không” với thỏa thuận, các nhà lập pháp nước này sẽ phải bỏ phiếu lựa chọn giữa “Brexit cứng” hoặc gia hạn Brexit bởi thời gian “đếm ngược” để Anh rời EU theo kế hoạch không còn nhiều.

Rốt cuộc, nước Anh lại một lần nữa rơi vào cảnh “giữa ba dòng nước”!./.

Hoàng Vũ (qdnd.vn)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất