Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Ba, 23/9/2008 22:13'(GMT+7)

Giúp dân sống chung với lũ - Một bước trong tiến trình hiện đại hóa nông thôn

Được Chính phủ phê duyệt từ năm 2001, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng ngập lũ ĐBSCL là một trong những chương trình trọng điểm quốc gia, góp phần chăm lo cho hàng triệu người dân vùng ngập lũ được an cư, ổn định sản xuất và từng bước phát triển bền vững.

Hàng trăm nghìn hộ nghèo được an cư

Tổng hợp số liệu báo cáo của các địa phương, tính đến tháng 9/2008, Chương trình đã cơ bản hoàn thành những mục tiêu, kế hoạch đề ra. Cụ thể, đã thực hiện tôn nền 744 cụm, tuyến và 72 bờ bao khu dân cư; hoàn thành các công trình giao thông nội bộ tại 574/699 cụm, tuyến, xây dựng hệ thống nước thải tại 476/601 cụm, tuyến; hoàn tất hệ thống cấp nước sinh hoạt tại 599/739 cụm, tuyến cần xây dựng. Đồng thời, các địa phương đã xây dựng xong 90.997/111.233 căn nhà trong các cụm, tuyến dân cư cho các hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình vào ở, đạt 82% kế hoạch.

Kết quả cho thấy, trong 5 năm gần đây, mặc dù hàng năm lũ về khá lớn nhưng thiệt hại về người và tài sản của nhân dân đã được hạn chế tối đa.

Dành cơ chế thuận lợi để tiếp tục Chương trình

Kết quả thực hiện giai đoạn I của Chương trình cho thấy giải pháp tôn nền vượt lũ các cụm, tuyến dân cư kết hợp đắp bờ bao khu vực ngập nông để đảm bảo chỗ ở an toàn, ổn định cho các hộ dân vùng ngập lũ ĐBSCL là phù hợp và có hiệu quả rõ rệt. Ngày 26/8/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1151/QĐ-TTg phê duyệt bổ sung các dự án đầu tư thuộc Chương trình. Đây được coi là giai đoạn II của Chương trình với mục tiêu cao hơn là hoàn thiện đồng bộ, đáp ứng nhu cầu di dời, ổn định đời sống cho các hộ dân trong các khu vực sạt lở nguy hiểm và số hộ dân còn lại trong vùng ngập lũ chưa vào các cụm, tuyến dân cư giai đoạn I.

Các địa phương, Bộ, ngành phát biểu tại Hội nghị
- Ảnh Cổng TTĐT Chính phủ


Tại Hội nghị, đại biểu từ các địa phương đều khẳng định ý nghĩa xã hội và hiệu quả của Chương trình. Tại nhiều nơi, Chương trình đã tạo tiền đề quan trọng để thực hiện thành công các mục tiêu an sinh xã hội khác như xóa nhà lá, kết nối điện, cấp nước sạch,… cho người nghèo. Bên cạnh đó các đại biểu cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thời gian qua, giải pháp khắc phục trong thời gian tới. Đặc biệt là việc chỉ đạo để đưa đủ, đưa hết số hộ dân thuộc đối tượng của Chương trình vào sống trong cụm, tuyến và quan tâm chỉ đạo việc tổ chức quản lý sau đầu tư.

Khắc phục những tồn tại, bất cập để thực hiện tốt mục tiêu của Chương trình trong giai đoạn II

Đánh giá về kết quả triển khai, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho rằng, Chương trình triển khai còn chậm nhưng đã cơ bản hoàn thành, hầu hết các dự án triển khai đúng mục tiêu, các Bộ ngành liên quan đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời ban hành, xây dựng các cơ chế chính sách để tháo gỡ khó khăn. Các địa phương tập trung triển khai Chương trình, hàng tháng có đánh giá tổng kết hoạt động, đảm bảo ngày càng tốt đời sống người dân vùng ngập lụt.

“Kết quả lớn nhất của Chương trình là tạo ra sự chuyển biến to lớn cho hàng triệu người dân nghèo khó ĐBSCL. Người dân hết sức vui mừng, phấn khởi, nhờ sống tập trung mà thuận lợi rất nhiều trong đời sống, sinh hoạt, từ việc có hạ tầng, giao thông, điện nước đồng bộ vốn là vấn đề nan giải trước đây, đến việc dễ dàng trong học tập, học nghề. Có thể nói, đây là sự tập dượt quan trọng cho quá trình đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn”, Phó Thủ tướng đánh giá.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra một số tồn tại, yếu kém lớn trong triển khai Chương trình như công tác quy hoạch, cơ chế về đầu tư, vay vốn ngân hàng, việc giải ngân… vẫn còn chậm, nhiều thủ tục chưa thực sự thuận lợi, đúng định hướng ưu tiên của Chương trình. Việc xây dựng một số dự án chưa đồng bộ, nhất là những hạng mục đầu tư về môi trường, xử lý rác thải.

Từ đó, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương lên kế hoạch, bằng mọi cách hoàn thành toàn bộ những dự án, công việc của giai đoạn I trong năm 2009, đồng thời đẩy mạnh, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai các dự án thuộc giai đoạn II.

Các Bộ Xây dựng, Tài chính, Ngân hàng,… phối hợp chặt chẽ, kịp thời xử lý những vướng mắc phát sinh để đảm bảo tiến độ và mục tiêu Chương trình. Bộ Tài chính và các Bộ chuyên ngành, các địa phương ưu tiên cơ chế, nguồn lực để xây dựng các công trình hạ tầng, giáo dục, dạy nghề, chợ,… phối hợp đồng bộ và lồng ghép vào các Chương trình khác.

Các địa phương tiếp tục rà soát, nếu cần bổ sung mục tiêu thì chủ động báo cáo, đề xuất. Ngân hàng nghiên cứu công tác giải ngân theo hướng tạo thuận lợi tối đa cho dân vay vốn làm nhà, nâng nền. Bộ Xây dựng thống nhất, hướng dẫn các chỉ tiêu thiết kế cho các công trình hạ tầng trong cụm, tuyến. Bộ TNMT có hướng dẫn về cấp giấy chứng nhận cho các hộ dân ở nơi ở mới. EVN có kế hoạch ưu tiên cấp điện cho các cụm, tuyến đã hoàn thành xây dựng.



                                           Mục tiêu cơ bản của Chương trình:

- Xây dựng các cụm, tuyến dân cư để đảm bảo chỗ ở an toàn, ổn định cho khoảng 185.000 hộ dân đang sống trong vùng thường xuyên ngập lũ thuộc 8 tỉnh, thành là Long An, Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Hậu Giang và Cần Thơ.

- Xây dựng tôn nền vượt đỉnh lũ năm 2000 kèm các hạ tầng kỹ thuật, xã hội, nâng cao điều kiện vật chất, văn hóa cho nhân dân.

- Tiến tới chấm dứt tình trạng phải di dời khi có lũ, nâng cao khả năng phòng chống thiên tại của nhân dân trong vùng.

- Tổng nguồn vốn thực hiện: 5.938 tỷ đồng



(Cổng Thông tin điện tử Chính phủ)
Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất