Thứ Hai, 30/9/2024
Pháp luật
Thứ Hai, 22/9/2008 11:47'(GMT+7)

Từ Vedan nghĩ về trách nhiệm xã hội của DN.

Nước từ Nhà máy  bột ngọt Vedan thải ra sông Thị Vải

Nước từ Nhà máy bột ngọt Vedan thải ra sông Thị Vải

Trong những ngày qua, dư luận xã hội rất bức xúc trước những tin tức dồn dập về vụ Công ty Vedan Việt Nam xả nước thải chưa qua xử lý ra sông Thị Vải. Ước tính, mỗi ngày Vedan có thể xả nước thải tới 5.000 m3 ra sông. Nghiêm trọng hơn, hành động này được cơ quan kiểm tra cục C36 đánh giá có chủ định "che mắt", khi Vedan Việt Nam sử dụng hệ thống xử lý nước thải thiết kế bởi hàng ngàn van đóng mở tự động.

Với một tích tắc cầu dao (điện), toàn bộ các van xả sẽ đóng lại, ngăn không cho bất kỳ dòng nước thải nào chảy ra sông. Có thể nói, hành động của Vedan không những gây bất bình với dư luận xã hội, mà còn nêu một "tấm gương xấu" về một tinh thần "trách nhiệm xã hội" (Corporate Social Responsibility) mà cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang hướng tới.

Với xu thế "làm ăn với thế giới", doanh nghiệp Việt Nam một mặt đang trong quá trình hội nhập các chuẩn mực hành xử, trong đó việc tuân thủ tuân thủ một số quy tắc kinh doanh có trách nhiệm với xã hội đóng vai trò điều kiện tiên quyết.

Mặt khác, quá trình chuyển đổi thành phần của nền kinh tế quốc dân xác định một nền tảng cấu trúc kinh tế mới. Sự đa dạng và cụ thể hoá về trách nhiệm khiến cho các nhà quản lý không thể nhắm mắt làm ngơ trước những đòi hỏi từ xã hội. Trách nhiệm của Ban giám đốc trước Hội đồng quản trị được cụ thể hoá bằng trách nhiệm của công ty với người tiêu dùng, thể hiện qua chất lượng sản phẩm, điều kiện lao động và đặc biệt là ảnh hưởng của sản xuất với môi trường xung quanh.

Bên cạnh đó, từ những năm 70, luận điểm nhà kinh tế học Milton Friedman, "Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp sẽ làm tăng lợi nhuận của họ" đã được chứng minh bằng thực tế và được nhiều các tập đoàn và công ty đa quốc gia định chế hoá thông qua chính sách phát triển kinh doanh của mình. Một mặt, đây là hình thức xây dựng thương hiệu một cách hiệu quả nhất khi sản phẩm của mình có điểm khác biệt nổi bật so với các mặt hàng cùng chủng loại. Mặt khác, nó đánh trúng vào tâm lý chung của giới tiêu thụ, khi tận dụng những vấn đề xã hội thành một phương châm cho mặt hàng kinh doanh.

Tập đoàn Nike những năm 1990 bị tẩy chay trên toàn cầu vì điều kiện lao động khắc nghiệt tại các nhà máy tại Đông Á và Đông Nam Á. Sản phẩm muối i-ốt của Unilever có thể trong một thời gian ngắn chiếm 35% thị trường Ấn Độ vì đã phát triển một chiến lược đúng đắn, gắn kết sản phẩm của mình với sức khoẻ cộng đồng, thông qua hợp tác với Quỹ nhi đồng Liên Hiệp Quốc (UNICEF).

Xu thế phát triển kinh doanh trên thế giới đang tập trung "phụng sự xã hội" cũng như đáp ứng những nhu cầu mà xã hội, khách hàng, người tiêu dùng của mình quan tâm. Làn sóng này không thể nào đảo ngược.

Qua trường hợp của Vedan, không chỉ Nhà nước, các doanh nghiệp đang hướng tới các giá trị phục vụ cộng đồng, hay vị thế người dân bên sông Thị Vải chịu nhiều ô nhiễm, mà bất kỳ người nào trong mỗi chúng ta cũng phải có trách nhiệm bày tỏ thái độ trước những việc làm tương tự.

Về mặt quản lý vĩ mô, khi các doanh nghiệp vẫn còn chưa nhận ra rằng phát triển bền vững chính là phương thức tối đa hoá lợi nhuận một cách hiệu quả nhất, thì những biện phát xử lý nghiêm minh, chế tài bằng pháp luật của chính quyền đối với đối tượng sai phạm cùng việc xây dựng một cơ chế khuyến khích dư luận đứng ra tự bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình sẽ là những điều tối cần thiết để hình thành ý thức "trách nhiệm xã hội cho doanh nghiệp" ở ta trong thời gian hội nhập sắp tới.

Trách nhiệm đối với xã hội của doanh nghiệp (corporate social responsibilities - CSR), sự phát triển cao hơn của đạo đức kinh doanh là một vấn đề đương đại đặt ra cho các công ty ở các nước phát triển sử dụng lao động trẻ em, hay bất kỳ một hành vi gây ô nhiễm môi trường nào cũng có thể huỷ hoại danh tiếng của một công ty lớn.

Nhưng ở Việt Nam, CSR vẫn là một khái niệm xa lạ vì thiếu sự hiểu biết và quan tâm của dân chúng. Thái độ của cộng đồng đối với hoạt động của doanh nghiệp ít khi căng thẳng. Chưa bao giờ có một vụ án tập thể nào thưa kiện một công ty tại toà án về các vi phạm của họ trong khi hoạt động. Công ty có gây ô nhiễm thì công chúng chỉ viết lên báo hay tố cáo với cơ quan hữu trách, chứ không có một cuộc tranh chấp trực diện ngoài toà án.

Về môi trường, chúng ta sống nghèo, sống chật quen nên chưa quan tâm đến môi trường sạch đẹp. Chúng ta ít sửa chữa một môi trường đang có mà thường dọn ra một môi trường mới để đi tìm cái sạch và đẹp. Thay vì nêu lên để giải quyết vấn đề thì chúng ta tìm cách rời bỏ nó. Do vậy, các công ty chưa bị áp lực về đạo đức kinh doanh.

Tuy nhiên, khi những lo lắng về biến đổi khí hậu, huỷ hoại môi trường ngày một trở nên ám ảnh hơn, đã đến lúc cần thay đổi nhận thức của công chúng về vấn đề này. Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, hơn lúc nào hết, cần được đặt ra. "Chúng tôi tốt", chứ không chỉ "sản phẩm của chúng tôi rẻ, đẹp, bền" cần được coi là một thang giá trị để thu hút khách mua hàng

(Theo VOV.News)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất