Hương Lâm là một trong 3 xã của Thừa Thiên - Huế (và là 1 trong 71 xã của 20 tỉnh, thành phố được hưởng chương trình 135 của cả nước) được công nhận hoàn thành mục tiêu chương trình 135 giai đoạn II theo Quyết định số 231/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Đây là một địa phương có đông đồng bào CơTu, nằm gần biên giới Việt - Lào, trước khi thực hiện chương trình 135 có tỉ lệ hộ nghèo rất cao, nay đã giảm xuống còn khoảng 9%.
Cũng như nhiều vùng đồng bào dân tộc ít người khác, nhiều năm về trước, người dân Hương Lâm sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy và trồng lúa, song thu nhập không ổn định do diện tích canh tác ít, phương thức trồng trọt lạc hậu, chủ yếu là phát, đốt, cốt, trỉa, nên năng suất lúa thấp, nương rẫy ngày càng hoang hóa, bạc màu, cuộc sống người dân ngày càng khó khăn. Chương trình 135 tiếp thêm động lực, chính quyền xã Hương Lâm còn tích cực huy động các nguồn vốn từ các chương trình, dự án giảm nghèo để giúp người dân vay vốn mua sắm tư liệu sản xuất. Mặt khác, chính quyền các cấp cử cán bộ khuyến nông, lâm, ngư đến các thôn, bản đẩy mạnh công tác vận động người dân thay đổi phương thức canh tác, trồng trọt theo hướng áp dụng khoa học kỹ thuật; áp dụng mô hình kinh tế vườn - ao - chuồng, trồng rừng… nhằm khai thác thế mạnh về tài nguyên rừng và đất rừng phát triển kinh tế hộ.
Từ năm 2010, Trung tâm Nghiên cứu Khoa học và Phát triển Công nghệ Nông Lâm nghiệp thuộc Trường Đại học Nông Lâm Huế đã giúp địa phương thực hiện đề tài "Nghiên cứu cơ chế đồng quản lý đất tiềm năng cho canh tác nương rẫy ở xã Hương Lâm, huyện A Lưới", với mục tiêu quản lý tài nguyên và nâng cao sinh kế cho người dân, trên cơ sở người dân vẫn tiếp tục canh tác nương rẫy (CTNR) nhằm đảm bảo an ninh lương thực, bên cạnh khai hoang mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp và trồng rừng, tạo ra những thỏa thuận ngầm giữa người dân với nhau trong việc quản lý và canh tác những vùng đất đó, tìm ra cơ chế đồng quản lý tại những vùng đất tiềm năng cho CTNR này, xóa bỏ lối cạnh tranh theo hướng "mạnh ai nấy làm". Cuối cùng là kết hợp với người dân để thực hiện việc xây dựng bản đồ vùng đất tiềm năng cho CTNR, trong đó sử dụng kỹ thuật GIS số hóa bản đồ vùng tiềm năng để xây dựng đề án giao và cho thuê rừng, hỗ trợ người dân vùng cao sản xuất nương rẫy ổn định, phát triển theo xu hướng khai thác nguồn lợi từ rừng.
Bên cạnh đó, việc tuyên truyền pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số, tặng tủ sách pháp luật, hướng dẫn sửa nhà, làm đường, làm vườn... đã được Đoàn TNCS Hồ Chí Minh Khoa Luật - Đại Học Huế triển khai tại đây trong chiến dịch sinh viên tình nguyện hè năm 2012. Đoàn thanh niên tình nguyện Khoa Luật còn kết hợp giữa tuyên truyền pháp luật và vận động hỗ trợ tăng gia sản xuất, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu của đồng bào các dân tộc…
Ở Hương Lâm, từ chỗ có 5.200 ha rừng và đất rừng, trong đó có 427 ha đất chưa sử dụng, đến nay đất trống, đồi núi trọc... chỉ còn 87 ha. Ngoài mô hình kinh tế của địa phương là trồng lúa nước, Hương Lâm còn xây dựng mô hình vườn - ao - chuồng - rừng, là một trong sáu địa phương của A Lưới phát triển trồng cây cao su, nhà nào ở đây cũng nuôi lợn, cá, trâu, bò. Chính kinh tế hộ đã góp phần sử dụng hợp lý tài nguyên đất đai, góp phần xóa nghèo bền vững cho bà con các dân tộc tại Hương Lâm - ông Nguyễn Bá Hải, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện A Lưới khẳng định. Trong số đó, phải kể đến gia đình chị Hồ Thị Thời với mô hình vườn - ao - chuồng - rừng. Trước đây cũng như các gia đình khác trong thôn A So 1, xã Hương Lâm, gia đình chị Kăn Ly Thanh chỉ biết làm nương rẫy nên cuộc sống khó khăn lắm. Nay nhờ cán bộ hướng dẫn kỹ thuật và được Hội liên hiệp phụ nữ xã cho vay vốn, gia đình chị đã nuôi lợn, trâu, bò, có thu nhập ổn định.
Ai đã từng chứng kiến một Hương Lâm nghèo khó ngày nào, mới cảm nhận hết được sự đổi thay hôm nay. Bên cạnh phát triển kinh tế, mới đây Trường THPT Hương Lâm được thành lập theo Quyết định số 808/QĐ-UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế. Con em đồng bào Cơ Tu của xã Hương Lâm đến trường không còn phải băng rừng, lội suối đi xa như trước. Hiện nay, toàn trường có 3 phòng thực hành tin học, 1 phòng HiClass, 2 phòng thiết bị, với tổng cộng gần 100 máy tính, tất cả đều đã được kết nối Internet ADSL, đáp ứng yêu cầu của học sinh học tập và thực hành trên máy.
Dẫu còn nhiều việc phải làm trên con đường xây dựng nông thôn mới, nhưng cuộc sống của người dân Hương Lâm đã thay đổi nhiều, cái đói, cái nghèo không còn đeo bám nữa, nhiều gia đình đã thực sự vươn lên làm giàu một cách bền vững từ chính mảnh đất quê hương mình.../.
Quốc Việt - TTXVN