Thứ Ba, 1/10/2024
Giáo dục
Thứ Bảy, 24/8/2013 22:2'(GMT+7)

Góp phần xây dựng hệ thống pháp luật dạy nghề đồng bộ, thống nhất

Sáng 23/8, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp với Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tổ chức Hội thảo góp ý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. 

Tham dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo các trường, đơn vị đào tạo, các cơ quan quản lý nhà nước và nhiều chuyên gia lĩnh vực dạy nghề trong nước và quốc tế. 

Phát biểu khai mạc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Nguyễn Ngọc Phi nhấn mạnh: Luật Dạy nghề được thông qua tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XI, đã tạo động lực phát triển mạng lưới cơ sở dạy nghề rộng khắp ở các tỉnh thành trong cả nước. Tuy nhiên, sau hơn 5 năm áp dụng vào thực tiễn cuộc sống, Luật đã đã bộc lộ nhiều hạn chế như: Chất lượng đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu thị trường; chưa thiết lập được mối liên kết giữa doanh nghiệp và người lao động. Đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện nay còn thiếu cả số lượng và yếu về trình độ chuyên môn, đặc biệt là trong công tác dạy nghề cho lao động nông thôn, kỹ năng nghề, năng lực nghề nghiệp của lao động Việt Nam vì vậy vẫn còn khoảng cách lớn so với khu vực và trên thế giới... cần thiết phải sửa đổi, bổ sung. 

Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Phi, ban soạn thảo Luật Dạy nghề đã xác định có 56 vấn đề cần nghiên cứu, thảo luận. Việc sửa đổi, bổ sung Luật cần gắn với tư tưởng đổi mới, hướng tới chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hợp tác quốc tế để phù hợp hơn với các văn bản pháp luật khác, tạo ra hệ thống pháp luật dạy nghề đồng bộ, thống nhất, làm cơ sở thực hiện tốt Chiến lược dạy nghề giai đoạn 2011-2020. 

Ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc Tổ chức lao động quốc tế (ILO) Việt Nam cho rằng: Chất lượng dạy nghề ở Việt Nam chưa cao, bên cạnh đó, các chính sách ưu đãi dạy nghề, việc quản lý đào tạo nghề còn hạn chế là những nguyên nhân khiến Việt Nam bị tụt giảm nhanh chóng về năng suất lao động trong những năm gần đây.

Theo ông Gyorgy Sziraczki, hiện nay, năng suất lao động của Việt Nam đã giảm xuống chỉ còn hơn 3%/năm (2008) so với 5 năm trước đó là 5,2%.  Năng suất lao động của Singapore hiện nay đang cao hơn Việt Nam gấp 15 lần, Nhật Bản cao hơn gấp 11 lần và Hàn Quốc cao hơn gấp 10 lần.

Mặt khác, theo Báo cáo mới nhất về Năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2012-2013 (Global Competitiveness Report 2012- 2013) thì Việt Nam đã tụt 16 hạng so với 2 năm trước đây và là quốc gia thuộc nhóm 3 nước có thứ hạng thấp nhất trong số các thành viên ASEAN. Lý do chủ yếu của sự tụt hạng trong tính cạnh tranh được các chuyên gia đánh giá chủ yếu là do kỹ năng nghề của lao động còn yếu kém và chưa có sự cải thiện đáng kể.

Các ý kiến tham luận tại Hội thảo đã xoay quanh các nội dung góp ý cho Dự thảo Luật Dạy nghề./.

Việc sửa đổi, bổ sung luật Dạy nghề đã thể hiện sự cam kết của Chính phủ Việt Nam trong việc hỗ trợ cho sự phát triển lực lượng lao động có kỹ năng, bảo đảm sự tăng trưởng mạnh mẽ. Cam kết chính trị của Việt Nam về phát trển lực lượng lao động có kỹ năng, thể hiện rõ trong Chiến lược phát triển nguồn nhân lực và Chiến lược dạy nghề. Việc sửa đổi, bổ sung luật Dạy nghề sẽ tạo ra nhiều cơ hội mới trong việc phát triển lực lượng lao động, hệ thống dạy nghề phù hợp với mục tiêu phát triển chung của Việt Nam

( Phát biểu của Giám đốc ILO Gyorgy Sziraczki) 
 

TG

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất