Hội thảo đã thu hút sự tham gia của trên 50 đại biểu là các nhà khoa học, các chuyên gia đến từ các cơ quan nghiên cứu, cơ quan quản lý; Ủy ban Khoa học - Công nghệ và Môi trường của Quốc hội; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; các bộ, ngành chức năng, các tổ chức chính trị - xã hội; tổ chức nghề nghiệp trong nước và quốc tế. Hội thảo đã nhận được 12 bản tham luận tập trung góp ý kiến cho Đề án kèm theo dự thảo Tờ trình và Quyết định phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Xây dựng soạn thảo.
Nhiều ý kiến cho rằng: Các bản dự thảo đã được đầu tư chuẩn bị công phu, nêu lên được các nội dung cần thiết của một đề án, cũng như các nội dung quan trọng của một quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Lộ trình dừng sử dụng amiang trắng để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang từ năm 2023”. Đây là một cố gắng rất đáng hoan nghênh trong việc thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các công văn 7307/VPCP-KGVX ngày 19/9/2014 và công văn số 7232/VPCP-KGVX ngày 11/7/2017 của Văn phòng Chính phủ; đặc biệt là ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị tổng kết năm 2017 của Bộ Xây dựng ngày 16/1/2018 về vấn đề dừng sử dụng amiang trắng ở Việt Nam.
Các ý kiến phát biểu đều coi đây là một bước tiến quan trọng, thậm chí như một bước “ngoặt” trong nhận thức của Bộ Xây dựng và các ngành có liên quan sau một thời gian khá dài với những tranh luận trái ngược nhau giữa một bên xuất phát từ ý kiến chính thức của Tổ chức Y tế thế giới - WHO, Tổ chức lao động quốc tế -ILO, của nhiều nhà khoa học trong nước và quốc tế cho rằng, amiang trắng có hại cho sức khỏe con người, nên cần thiết phải cấm sử dụng; và một bên là ý kiến phản đối mà chủ yếu là của những tổ chức, cá nhân có liên quan đến lợi ích ngành công nghiệp amiang, cho rằng, amiang trắng nếu được kiểm soát an toàn thì không đáng lo ngại và do đó cho phép khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu.
Các ý kiến tham luận đánh giá cao quan điểm chủ đạo đã được thể hiện trong Đề án, là coi trọng bảo vệ sức khỏe lâu dài của con người, giảm nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp trong sản xuất tấm lợp có sử dụng amiang. Tiếp theo đó, là những quan điểm cụ thể phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Một mặt, cần phải hạn chế sử dụng amiăng sản xuất tấm lợp để giảm bớt những nguy cơ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe người lao động do amiang không có ngưỡng an toàn đối với sức khỏe con người; quản lý chặt chẽ việc sử dụng amiang tiến tới chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang từ năm 2023 để phòng chống và loại trừ các bệnh có liên quan đến amiang, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, bảo vệ môi trường. Mặt khác, để đảm bảo công ăn việc làm, ổn định đời sống cho người lao động khi sử dụng amiang có kiểm soát an toàn trong sản xuất tấm lợp amiang, cần tập trung nghiên cứu phát triển các loại vật liệu lợp không sử dụng sử dụng amiang đảm bảo an toàn đối với sức khỏe con người và thân thiện với môi trường, tiến tới không nhập khẩu các loại sản phẩm vật liệu lợp có sử dụng amiăng.
Từ những quan điểm nêu trên, Đề án đã xác định rõ mục tiêu chung: Xây dựng được lộ trình giảm dần và tiến tới việc dừng sử dụng amiang để chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang từ năm 2023 tại Việt Nam. Kiểm soát chặt chẽ, giảm dần và chấm dứt việc sử dụng amiang trong sản xuất tấm lợp để phòng ngừa, ngăn chặn và tiến tới loại trừ các bệnh có liên quan đến amiang. Phát triển các loại vật liệu thay thế sợi amiang trong sản xuất tấm lợp phù hợp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường.
Theo đó, các mục tiêu cụ thể cũng được xác định rõ hơn trong đề án, như: Không đầu tư mở rộng hoặc đầu tư mới các dây chuyền sản xuất tấm lợp amiang. Cụ thể, đối với các cơ sở sản xuất tấm lợp amiang không có các thiết bị công nghệ với khả năng tự động hóa các khâu xé bao, nghiền, định lượng sợi amiang 113 không được phép hoạt động. Từ năm 2018 đến năm 2023, mỗi năm cả nước giảm công suất sản xuất tấm lợp amiăng từ 20 triệu m2 /năm trở lên (tương ứng giảm tối thiểu 20% của tổng công suất thiết kế của cả nước hiện nay là 100 triệu m 2 /năm). Giảm lượng nhập khẩu amiang sử dụng trong sản xuất tấm lợp mỗi năm từ 12.000 tấn amiang/năm trở lên (tương ứng 20% lượng amiăng nhập khẩu để sản xuất tấm lợp amiăng hiện nay là 60.000 tấn amiăng/năm). Đồng thời, triển khai nghiên cứu phát triển các vật liệu xây dựng khác thay thế tấm lợp có sử dụng amiang đáp ứng các tiêu chí về an toàn vệ sinh, môi trường. Xây dựng chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp chuyển đổi sang sản xuất tấm lợp không amiang để các doanh nghiệp chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang từ năm 2023.
Tuy nhiên, bên cạnh những tiến bộ của nội dung Đề án, các ý kiến tham gia góp ý cũng nêu rõ những nội dung còn chưa đạt yêu cầu của một đề án trình lên Thủ tướng Chính phủ xem xét và phê duyệt để đưa ra quyết định về “Lộ trình dừng sử dụng amiang trắng ở Việt Nam” như mong đợi của toàn xã hội. Các văn bản dự thảo, đặc biệt là dự thảo Đề án còn nhiều điểm cần phải được xem xét, bổ sung, sửa đổi để thật khoa học, chính xác và hoàn chỉnh.
Vì rằng, nội dung Đề án còn nhiều thiếu sót, trình bày chưa đầy đủ hết vấn đề, có nhiều chỗ thừa, dài dòng, song lại còn thiếu nhiều điểm quan trọng và có nhiều chỗ đưa ra các thông tin không chính xác, sai lệch, một chiều, thiếu khách quan, không phản ánh hết tình hình sử dụng amiang trắng ở Việt Nam hiện nay. Các kết quả nghiên cứu khoa học trên thế giới và ở Việt Nam đã đưa ra nhiều bằng chứng về ảnh hưởng của Amiang trắng đến sức khỏe con người, sự nguy hại của amiang trắng là chất gây ung thư và không có ngưỡng an toàn cho chất ung thư ở con người; gánh nặng bệnh tật và môi trường nếu Việt Nam tiếp tục sử dụng Amiang… đều chưa được cặp nhật và phản ánh đầy đủ trong Đề án. Đề án thiếu tính khái quát và không có sự tổng hợp kết luận rõ ràng, thể hiện rõ quan điểm một chiều của người biên soạn. Vì vậy, Đề án cần phải được biên soạn lại theo quan điểm chủ đạo của Thủ tướng Chính phủ là: Coi trọng bảo vệ sức khỏe lâu dài của con người, giảm nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp trong sản xuất tấm lợp có sử dụng amiang để có lộ trình hợp lý, dừng sử dụng amiang trắng và chấm dứt sản xuất tấm lợp amiang, chứ không phải chỉ là trình bày lại rất dài dòng các ý kiến còn khác nhau của các bên một cách trung dung, thậm chí có nhiều điểm thiếu chính xác như đã thể hiện trong dự thảo Đề án.
Ngoài ra, cũng có những ý kiến đề nghị, Đề án phải đươc sửa lại tên, như: “Lộ trình dừng sản xuất và sử dụng các sản phẩm chứa amiang, đặc biệt là các tấm lợp từ năm 2023” vì nếu chỉ có “tấm lợp” thì chưa đủ; cần điều chỉnh lộ trình đến năm 2020 thay vì 2023, vì nếu kéo dài thêm 3 năm nữa thì đồng nghĩa với việc 3 năm kéo dài này chúng ta vẫn nhập thêm 90.000 tấn chất độc gây ung thư ở con người, chúng ta phải đối mặt với việc giải quyết gánh nặng bệnh tật, môi trường (theo WHO thì nếu lợi ích mà amiang đem lại là một thì chi phí phải trả cho giải quyết hậu quả phải gấp ba lần);…
Kết luận Hội thảo, ông Phan Tùng Mậu, Phó Chủ tịch VUSTA đánh giá cao ý kiến tham luận của các đại biểu; đồng thời, tán thành với kiến nghị, các bản dự thảo, nhất là bản dự thảo Đề án cần được biên soạn lại, bảo đảm các yêu cầu "cần" và "đủ" để có được một đề án với nội dung toàn diện, thuyết phục, trình bày với văn phong sáng sủa, đáp ứng một đề án trình Thủ tướng Chính phủ. VUSTA sẽ tổng hợp đầy đủ, khách quan ý kiến của Hội thảo, báo cáo Thủ tướng Chính phủ sớm nhất.
PV