GS. Phan Huy Lê – một trong những nhà nghiên cứu sử học uy tín của Việt Nam – vừa qua đời vào lúc 13h10 ngày 23/6.
Nguồn tin riêng của VietNamNet cho biết, cách đây khoảng một tuần, GS. Phan Huy Lê đã phải nhập viện cấp cứu vì bệnh tim. Sau đó, GS còn gặp một số vấn đề sức khoẻ về phổi.
Tại Bệnh viện Bạch Mai, ông đã được các bác sĩ cứu chữa tận tình nhưng không qua khỏi.
GS Phạm Quang Minh, Hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) cho biết, GS Lê vừa có chuyến công tác 3 ngày từ Trường Sa trở về hồi tháng 6 vừa qua.Ông cũng là người cao tuổi nhất đoàn.
GS Phan Huy Lê sinh năm 1934 tại xã Thạch Châu, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh.
Ông là hậu duệ đời thứ 14 của dòng họ Phan Huy vốn nổi danh về khoa bảng với những tên tuổi lớn như Phan Huy Cẩn, Phan Huy Ích, Phan Huy Thực, Phan Huy Vịnh, Phan Huy Chú… Cụ thân sinh ra ông là Phan Huy Tùng, từng làm quan trong triều đình Huế.
|
GS Phan Huy Lê đưa tiễn GS Đinh Xuân Lâm tại tang lễ ngày 27/1/2017. Trong giới sử học Việt Nam, tương truyền có 4 nhà khoa học lớn là "Lâm, Lê, Tấn, Vượng" (GS Đinh Xuân Lâm, GS Phan Huy Lê, GS Hà Văn Tấn và GS Trần Quốc Vượng). Trong số này, hiện còn GS Hà Văn Tấn. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Là một trong những học trò của GS Trần Văn Giàu và GS Đào Duy Anh, sau khi tốt nghiệp cử nhân Sử - Địa Trường ĐH Sư phạm Hà Nội, ông nhận chức danh trợ lý giảng dạy bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại, khoa Lịch sử - Trường ĐH Tổng hợp Hà Nội (nay là ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐH Quốc gia Hà Nội).
Năm 1958, ông là chủ nhiệm bộ môn Lịch sử Việt Nam cổ trung đại khi mới 24 tuổi.
Từ năm 1988 đến nay, ông là Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam.
Năm 1995, GS. Phan Huy Lê sáng lập khoa Đông phương học, Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn, ĐHQG Hà Nội.
Ông nhận danh hiệu Nhà giáo nhân dân năm 1994, là người Việt Nam đầu tiên được Nhật Bản trao tặng Giải thưởng quốc tế văn hoá châu Á Fukuoka năm 1996.
Năm 2002, ông được Chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Cành cọ Hàn lâm.
|
GS Phan Huy Lê ghi sổ tang chia buồn với gia đình tại tang lễ GS Phan Đình Diệu ngày 18/5/2018. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Ông là tác giả của hàng trăm công trình nghiên cứu có giá trị về lịch sử, trong đó có những công trình nổi bật như “Chế độ ruộng đất và kinh tế nông nghiệp thời Lê Sơ”, “Lịch sử chế độ phong kiến Việt Nam”, “Khởi nghĩa Lam Sơn”, “Phong trào nông dân Tây Sơn”, “Lịch sử và văn hoá Việt Nam”, “Các giá trị truyền thống và con người Việt Nam hiện nay”, “Tìm về cội nguồn”, “Lịch sử Thăng Long – Hà Nội”…
Năm 2000, ông được trao giải thưởng Nhà nước về khoa học – công nghệ với tác phẩm “Tìm về cội nguồn”.
Năm 2016, công trình “Lịch sử và văn hóa Việt Nam - Tiếp cận bộ phận” của ông được trao giải thưởng Hồ Chí Minh.
Theo GS Nguyễn Quang Ngọc (ĐHQG Hà Nội), có thể hình dung toàn bộ trước tác của GS Phan Huy Lê được chia ra thành 4 mảng lớn gần tương đương nhau và đều ở mức rất cao (từ 104 đến 120 công trình).
"Thật hiếm có một học giả có khối lượng các công trình nghiên cứu đồ sộ và đạt đến đỉnh cao trên nhiều lĩnh vực chuyên môn như thế. Tầm uyên bác trong các công trình Sử học của GS Phan Huy Lê bắt nguồn từ trách nhiệm cao cả của một người thầy, vì theo ông dạy đại học là dạy kết quả nghiên cứu của chính mình".
|
GS Phan Huy Lê cùng vợ chụp ảnh chung với Đại sứ Pháp - ông Bertrand Lortholary tại lễ trao huy chương của Viện Hàn lâm Văn Khắc và Mỹ Văn Pháp cho GS ngày 20/3/2017. Ảnh: Lê Văn |
Ngoài ra, ông còn là ủy viên của nhiều Hội đồng Quốc gia như Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia...
Lễ viếng GS Phan Huy Lê |
Lễ viếng và truy điệu tổ chức từ hồi 7h30 đến 10h ngày 27/6 tại Nhà tang lễ quốc gia, số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội. Lễ an táng tổ chức tại Công viên Nghĩa trang Vĩnh Hằng, Hà Nội lúc 13h cùng ngày.
|
Nguyễn Thảo
Nguồn: Vietnamnet