Xác định xây dựng xã hội học tập là nhiệm vụ của toàn Ðảng, toàn dân, cho nên ngay khi có Chỉ thị số 11 của Bộ Chính trị (khóa X) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, Tỉnh ủy Hà Nam đã ban hành Thông tri số 10, đồng thời xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện đến tất cả cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh.
Mười năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp tỉnh Hà Nam đã nêu cao trách nhiệm tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, có chủ trương, giải pháp phù hợp nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của các hội, đoàn thể và đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia xây dựng cộng đồng khuyến học, khuyến tài và xã hội học tập. Ðến nay, tỉnh Hà Nam có 1.672 chi hội khuyến học; 2.281 ban khuyến học cơ quan, đơn vị; 41.400 gia đình, 1.692 dòng họ và 516 cụm dân cư đạt danh hiệu gia đình, dòng họ, khu dân cư hiếu học tiêu biểu; 214.290 hội viên khuyến học, trong đó hội viên là đảng viên chiếm 15,85%.
Thanh Liêm là huyện thuần nông của tỉnh Hà Nam, nhưng những năm qua, công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập trong huyện luôn được cấp ủy, chính quyền quan tâm, chỉ đạo và đạt được những kết quả thiết thực. Chị Trần Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Thanh Liêm chia sẻ: Hội Khuyến học huyện đã chủ động, tham mưu với cấp ủy đảng xây dựng các phong trào điểm về khuyến học để nhân ra diện rộng. Ðó là các phong trào: nuôi lợn đất khuyến học tại các xã Liêm Cần, Liêm Sơn; hàng cây khuyến học xã Thanh Hải dài 15 km, đã cho thu hoạch 500 triệu đồng; tủ sách khuyến học xã Thanh Lưu với hàng nghìn đầu sách... Từ cách vận động, xây dựng quỹ năng động, phù hợp với điều kiện thực tế của các địa phương đã góp phần xây dựng, củng cố nguồn quỹ hội cũng như xây dựng phong trào ngày càng vững mạnh. Tổng số tiền chi làm phần thưởng phát học bổng trong 10 năm qua của huyện Thanh Liêm lên đến hơn bốn tỷ đồng. Ðây là kết quả của việc chung tay xây dựng xã hội học tập của cán bộ, đảng viên, nhân dân và các cơ quan, đơn vị trong toàn huyện.
Vừa qua, xã Thanh Bình, huyện Thanh Liêm, đã tổ chức hội nghị biểu dương gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học và trao thưởng cho con em có thành tích xuất sắc trong học tập của xã. Năm học 2016 - 2017, xã Thanh Bình có nhiều cháu đỗ đại học (16 cháu đã làm thủ tục nhập học), 50 cháu đoạt giải tại các kỳ thi, 167 cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi. Ðể có được kết quả học tập tốt như vậy, ngay từ đầu năm, Hội Khuyến học xã đã vận động hơn 1.000 gia đình đăng ký gia đình học tập, 22 dòng họ học tập và năm đơn vị đăng ký đơn vị học tập xuất sắc. Ðồng chí Lê Tiến Khuê, Bí thư Ðảng ủy xã Thanh Bình cho biết: thực hiện chỉ đạo của Ðảng ủy xã, các chi bộ đã ban hành nghị quyết về việc giao nhiệm vụ và phân công từng đảng viên phụ trách công tác khuyến học, khuyến tài theo cụm liên gia, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, lấy đó làm một trong những tiêu chí bình xét mức độ hoàn thành nhiệm vụ của tổ chức đảng và đảng viên.
Với phương châm "mỗi đảng viên là một hội viên khuyến học, khuyến tài tích cực và nơi nào có tổ chức đảng, có cộng đồng dân cư là ở đó có tổ chức khuyến học, khuyến tài", nhiều cấp ủy đảng, chính quyền trong tỉnh Hà Nam đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc phát triển các hội khuyến học, khuyến tài. Ðến nay, toàn tỉnh thành lập và duy trì hoạt động hiệu quả hàng nghìn ban khuyến học, chi hội khuyến học. Tất cả các xã, thị trấn trong tỉnh đều xây dựng trung tâm học tập cộng đồng, thu hút sự tham gia của đông đảo nhân dân.
Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh Hà Nam Lê Trọng Thi, người đã có 15 năm gắn bó với công tác khuyến học của tỉnh cho biết: Ðể hoạt động của các cấp hội khuyến học thật sự hiệu quả, phải bảo đảm sự lãnh đạo toàn diện, trực tiếp của cấp ủy đảng, chính quyền, hoạt động khuyến học phải gắn chặt với nhiệm vụ chính trị của đảng bộ địa phương, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh. Phát huy vai trò là lực lượng nòng cốt của công tác khuyến học, khuyến tài, cùng với kiện toàn đội ngũ cán bộ chuyên trách, các cấp hội khuyến học tỉnh Hà Nam luôn chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, MTTQ và các đoàn thể đẩy mạnh và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động để cán bộ, đảng viên và nhân dân nhận thức sâu sắc hơn ý nghĩa, mục đích và sự cần thiết của việc học. Quan tâm, xây dựng đội ngũ cán bộ hội theo phương châm "5T" (có tâm, có trí, có tài, có tín, có thời gian). Từ các phong trào quần chúng đã xuất hiện nhiều cách làm hay, sáng tạo.
Các cấp hội khuyến học trong tỉnh luôn quan tâm xây dựng nguồn quỹ hội, hằng năm đã vận động các nhà tài trợ và bằng nhiều hình thức xây dựng quỹ khuyến học phong phú, phù hợp với điều kiện của mỗi địa phương như: Ðường cây khuyến học, sào ruộng khuyến học, quỹ nâng niu tài năng trẻ, học bổng 1+1, nuôi lợn (nhựa) tiết kiệm... Nhờ đó, 10 năm qua, Quỹ Khuyến học tỉnh Hà Nam thu bình quân hơn mười tỷ đồng/năm để khen thưởng cho hàng nghìn lượt giáo viên, học sinh có thành tích xuất sắc trong giảng dạy và học tập; trong đó, cấp học bổng cho hơn 10.000 lượt học sinh, sinh viên nghèo vượt khó với số tiền hơn 10 tỷ đồng; cấp học bổng lâu dài cho 200 học sinh, sinh viên; trang bị hàng trăm bộ bàn ghế, máy tính cho 15 trường học trên địa bàn.
Trước thềm năm học mới, tất cả các cấp hội khuyến học của tỉnh Hà Nam đều tổ chức tuyên dương các thầy giáo, cô giáo có nhiều thành tích trong giảng dạy, các học sinh chăm ngoan, học giỏi, học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Vì mục tiêu "Dạy tốt, học tốt" chăm lo thực sự đến người dạy và người học, đó là gốc rễ của khuyến học, khuyến tài.
Ðào Phương/Nhân dân