Chủ Nhật, 24/11/2024
Môi trường
Thứ Hai, 5/11/2012 21:37'(GMT+7)

"Hà Nội cần sớm tháo gỡ các vướng mắc về đất đai"

(Ảnh minh họa: TTXVN).

(Ảnh minh họa: TTXVN).

Theo báo cáo của Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội, đến nay toàn thành phố đã cấp trên 646 ngàn giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp đạt tỷ lệ 93%; cấp trên 1 triệu giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân tại khu vực đô thị và nông thôn, đạt 95% số thửa đất đủ điều kiện.

Khối lượng công việc trên là một sự nỗ lực rất lớn. Tuy nhiên, số còn lại chưa được cấp do có nhiều vướng mắc, khó khăn về cơ sở pháp luật.

Bên cạnh việc vi phạm pháp luật, tranh chấp, lấn chiếm đất đai dẫn tới khó khăn trong làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì việc các văn bản chồng chéo, chưa thống nhất đã thực sự vướng mắc khi giải quyết các thủ tục.

Ngoài ra, còn khá phổ biến tình trạng cá nhân, tổ chức không có hồ sơ chứng minh quyền sử dụng đất nhưng thực tế đã sử dụng trước khi có Luật đất đai, đất có nguồn gốc do các bộ, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các địa phương giao sử dụng.

Các tài liệu hồ sơ giao đất trước đây không còn lưu giữ, đến nay các tổ chức không lập hồ sơ hoặc không hoàn thiện hồ sơ xin giao đất, cho thuê đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo đúng quy định của Luật đất đai.

Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Hồng Khanh cho rằng, các văn bản của thành phố Hà Nội không sai so với luật quy định, tuy vậy vẫn còn văn bản chưa phù hợp với thực tế.

Hà Nội cũng đã nỗ lực hết sức nhưng trong quá trình thực hiện vì đây là địa bàn lớn có rất nhiều tình huống đặt ra nên việc giải quyết không hề đơn giản.

Đơn cử như một người để lại thừa kế một mảnh “đất vàng” 6 m2 cho 6 người con. Khi chia thừa kế không thể tách hộ cấp giấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chừng ấy người theo yêu cầu của họ. Vì nếu làm vậy thì mỗi người chỉ được một m2 đất, quá nhỏ để sử dụng...

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên & Môi trường Nguyễn Mạnh Hiển đề nghị, thời gian tới Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội cần rà soát lại tất cả các văn bản liên quan, cần bãi bỏ hoặc điều chỉnh phù hợp, kịp thời với Luật cũng như thực tế tại địa phương.

Những vướng mắc khó khăn của Hà Nội cần báo cáo Bộ gấp để cùng nhau giải quyết tháo gỡ. Thực tế, việc để chậm, kéo dài thủ tục không thể đổ lỗi hoàn toàn bộ cho người dân, mà cũng có phần chủ quan và chưa quyết liệt của một số cán bộ làm thủ tục.

Vì vậy, thành phố cũng cần tăng cường công tác kiểm tra và xử lý kịp thời những mặt hạn chế./.

(Nguyễn Văn Cảnh/Vietnam+)

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất