UBND thành phố Hà Nội quyết định trích ngân sách thành phố hơn 100 tỷ đồng để tặng hơn 125.000 suất quà cho các đối tượng chính sách, nhằm động viên, chăm lo đời sống các gia đình người có công.
Nhân 73 năm Ngày Thương binh-Liệt sỹ (27/7/1947-27/7/2020), Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội đã quyết định trích ngân sách thành phố hơn 100 tỷ đồng để tặng hơn 125.000 suất quà cho các đối tượng chính sách, nhằm động viên, chăm lo đời sống các gia đình người có công.
Các mức quà cho cá nhân gồm: 1 triệu đồng/người (gồm các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh, thương binh loại B, người hưởng chính sách như thương binh suy giảm khả năng lao động từ 21% trở lên; bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 41% trở lên; đại diện thân nhân của liệt sỹ; người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học đang hưởng trợ cấp); 500.000 đồng/người cho đại diện gia tộc thờ cúng liệt sỹ.
Ngoài ra, thành phố cũng giao Sở Lao động-Thương binh và Xã hội thành phố Hà Nội, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã tổ chức thăm, tặng quà 44 đơn vị chăm sóc, nuôi dưỡng người có công, Ban quản lý nghĩa trang liệt sỹ (mức quà trị giá từ 6-11 triệu đồng/đơn vị); tặng 72 suất quà cho các cá nhân tiêu biểu (mỗi suất trị giá 2,5 triệu đồng).
Ngoài ra, thành phố cũng chỉ đạo các địa phương tùy vào điều kiện và khả năng thực tế có thể có các cơ chế chính sách hỗ trợ các gia đình người có công khó khăn trên địa bàn quản lý.
Dịp 27/7 năm nay, thành phố Hà Nội đã lên kế hoạch vận động Quỹ "Đền ơn, đáp nghĩa" toàn thành phố đạt gần 22 tỷ đồng; tặng gần 2.800 sổ tiết kiệm "Tình nghĩa" (phấn đấu mỗi sổ tiết kiệm mức thấp nhất là 1 triệu đồng); tu sửa, nâng cấp 67 công trình ghi công liệt sỹ.
Thành phố cũng hỗ trợ, tu sửa nâng cấp nhà ở đối với 223 hộ gia đình người có công; phấn đấu 100% hộ gia đình người có công có mức sống ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú, hỗ trợ nâng mức sống hộ gia đình người có công thoát hộ cận nghèo…
Cụ thể, đối với các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các địa phương chăm sóc chu đáo đời sống vật chất và tinh thần. Trong đó, chú trọng thực hiện nhận phụng dưỡng, đỡ đầu, xây mới hoặc sửa chữa nhà ở, nâng cấp tiện nghi sinh hoạt… cho các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Các địa phương tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công với cách mạng theo hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương; phối hợp thực hiện đề án tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sỹ; thực hiện tốt điều dưỡng người có công; chăm sóc, nuôi dưỡng và điều trị cho con của người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh…
Đặc biệt, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công từ thành phố đến cơ sở; ngăn ngừa và xử lý nghiêm các vi phạm, tiêu cực trong việc thực hiện chính sách ưu đãi người có công.
Thành phố Hà Nội cũng chú trọng rà soát các hộ gia đình người có công thuộc diện hộ cận nghèo, trên cơ sở phân tích hoàn cảnh cụ thể của từng hộ để có giải pháp thiết thực, hiệu quả hỗ trợ các hộ có mức sống ổn định bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của nhân dân nơi cư trú.
Thành phố Hà Nội cũng không để hộ gia đình người có công tái nghèo theo tiêu chí mới; huy động tối đa các nguồn lực xã hội với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, mang lại hiệu quả thiết thực nhằm chăm lo tốt hơn cho các đối tượng chính sách./.
Theo TTXVN