Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Thứ Ba, 3/3/2009 14:11'(GMT+7)

Hà Nội: Đề nghị giảm từ 30-50% phí tham quan cho khách

Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Du khách nước ngoài tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Khách giảm vì nhiều lý do

...Năm 2008, ngành Du lịch Hà Nội đã có nhiều cố gắng, lượng khách đến Hà Nội tăng 6% so với kế hoạch năm. Trong đó khách nội địa, tăng 12% nhưng lượng khách quốc tế chỉ đạt 1,3 triệu lượt, bằng 91,3% so với kế hoạch năm. Các thị trường khách quốc tế chính của Hà Nội là châu Âu, Bắc Mỹ, Đông Bắc Á (Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản) và ASEAN.

Theo đánh giá của Sở VH, TT&DL Hà Nội, mục tiêu đón khách quốc tế năm 2008 không hoàn thành là do tác động của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu quá lớn, làm giảm sức cầu về du lịch trên thế giới nói chung và cầu du lịch tới Việt Nam nói riêng, trong đó có Hà Nội. Giá dịch vụ du lịch tại Hà Nội và ở cả Việt Nam tăng cao hơn so với các nước trong khu vực từ 30- 40% so với năm 2007 do giá khách sạn, vé máy bay và một số loại hình dịch vụ tăng khiến cho không ít du khách đã không lựa chọn Việt Nam, Hà Nội làm điểm đến.

Các lãnh đạo phụ trách du lịch Hà Nội cũng tự nhận: năng lực cạnh tranh điểm đến và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp còn thấp. Sản phẩm du lịch chủ yếu dựa vào các yếu tố tự nhiên, khai thác những cái sẵn có, chưa đầu tư đúng mức, dịch vụ du lịch, cơ sở hạ tầng du lịch còn bất cập, các khu vui chơi giải trí và dịch vụ bổ trợ cho khách du lịch còn thiếu, đơn điệu và bị hạn chế về thời gian phục vụ.

Các doanh nghiệp lữ hành nhìn chung chưa quan tâm đúng mức tới xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch, thiếu chắc chắn về thị trường, chưa tạo được nhiều sản phẩm mới đón đầu nhu cầu của thị trường. Quy mô kinh doanh của các doanh nghiệp còn nhỏ. Phương tiện vận chuyển thiếu. Hoạt động xúc tiến, quảng bá thiếu chuyên nghiệp, hiệu quả chưa cao nên công tác xúc tiến quảng bá còn thụ động, không theo kịp với các hoạt động của du lịch khu vực và thế giới, nhất là những hoạt động lớn.

Nguyên nhân cần nhấn mạnh nhất là khan hiếm phòng khách sạn (đặc biệt là khách sạn cao sao) ở Hà Nội và một số địa phương, gây khó khăn cho việc đặt chỗ đến Hà Nội, dẫn đến đầu năm 2008 các hãng lữ hành phải hủy tour hoặc phải chuyển hướng, đưa khách đến địa phương khác, không lưu trú tại Hà Nội. 

Trình nhiều “sớ” để cứu ngành

Khó khăn của năm 2008 dự kiến sẽ tiếp tục và đạt đỉnh điểm suy thoái kinh tế ở năm 2009. Điều này cho thấy, việc phát triển du lịch trong thời gian tới đặt ra bất kỳ một mục tiêu nào cũng khó đạt được nếu không đồng lòng nhất trí và vì lợi ích chung.

Ngành Du lịch Hà Nội sẽ chủ động kết nối, xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú, đa dạng theo điều chỉnh địa giới hành chính mới. Bên cạnh đó, việc năm 2010 Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long- Hà Nội và được giao tổ chức Năm du lịch quốc gia (đã hoàn thiện Dự thảo đề cương trình UBND thành phố phê duyệt) là cơ hội để ngành đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến du lịch.

Ngành Du lịch Hà Nội cũng đã đề nghị Thành ủy ban hành nghị quyết mới về “Phát triển Du lịch Hà Nội”, ban hành “Đề án phát triển Du lịch Hà Nội giai đoạn 2010- 2020”.

Đề nghị HĐND thành phố giảm từ 30- 50% phí tham quan cho khách du lịch tại các điểm du lịch trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian thực hiện chiến dịch khuyến mãi du lịch của Tổng cục Du lịch từ tháng 1- 9.2009.

Đề nghị UBND thành phố báo cáo Bộ VH, TT&DL trình Chính phủ: Sớm phê duyệt chủ trương và Đề cương Năm du lịch quốc gia 2010 tại Hà Nội để Sở VH, TT&DL có căn cứ xây dựng kế hoạch chi tiết, tổ chức thực hiện công tác chuẩn bị, xây dựng sản phẩm, chương trình du lịch, tổ chức tuyên truyền quảng bá, thu hút khách ngay từ đầu năm 2009. Đề nghị tạo điều kiện cho thí điểm một số hoạt động du lịch giải trí (karaoke, vũ trường, bar) tại các khách sạn đã được xếp hạng sao hoạt động đến 2h. 

Đề nghị thành phố có ý kiến với Bộ Tài chính sớm trình Quốc hội và Chính phủ cho phép được áp dụng mức thuế VAT đối với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch từ 10% xuống còn 5% và giữ nguyên mức thuế VAT 5% đối với doanh nghiệp kinh doanh vận chuyển khách du lịch. Giãn và giảm thời gian nộp thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ theo nghị quyết 30 ra ngày 11.12.2008. Có mức quy định cụ thể về thu bản quyền âm nhạc tại các khách sạn. Với Bộ Công thương: đề nghị giảm giá điện, nước tại khách sạn. Với Bộ Thông tin & Truyền thông đề nghị xem xét mức thu dịch vụ cước điện thoại (hiện nay quá thấp, thu không đủ bù chi). Với Bộ Công an đề nghị triển khai cấp visa cho khách tại cửa khẩu quốc tế...

Những đề xuất về đơn giản thủ tục cấp visa tại các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài; cho xe du lịch chạy trong các tuyến phố cụ thể giờ cao điểm trong nội đô, dừng trả khách tại các khách sạn trên địa bàn, xây dựng đường quanh hồ Hoàn Kiếm thành “ đường hoa”... cũng được gửi tới các cơ quan liên quan.

Ông Mai Tiến Dũng- Phó giám đốc Sở VH, TT&DL Hà Nội cho biết: “Sở đã đề nghị với thành phố hỗ trợ ngành Du lịch với gói kích cầu 7 tỉ, hỗ trợ trực tiếp các doanh nghiệp du lịch của Hà Nội. Nhưng trước hết, doanh nghiệp phải tự cứu mình trước đã”.

Năm 2009, Hà Nội ước tính đón 9,87 triệu lượt khách du lịch, bằng 110% so với kết quả thực hiện năm 2008. Trong đó, khách quốc tế hơn 1,3 triệu lượt, bằng kết quả năm 2008; khách nội địa là 8,56 triệu lượt, tăng 12% so với 2008./.

(Theo: Báo Văn hoá)   

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất