Chủ Nhật, 22/9/2024
Kinh tế
Chủ Nhật, 1/3/2009 8:33'(GMT+7)

Trong “cơn bĩ cực” cần hướng đến “tuần thái lai”

Cả nước hiện có khoảng 350 nghìn doanh nghiệp, trong đó DNN&V chiếm đến trên 90%, và những tồn tại trong đối tượng doanh nghiệp này luôn được bộc lộ chưa thể khắc phục trong suốt những năm qua là vốn, công nghệ, trình độ quản lý... đặc biệt các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực làng nghề. Đến nay, khi cuộc khủng hoảng kinh tế bùng nổ, những yếu kém này lại càng thể hiện rõ nét nhất, đẩy không ít doanh nghiệp đứng bên bờ phá sản. Bị cuốn theo vòng xoáy của cuộc khủng hoảng, các doanh nghiệp làng nghề thực sự lâm vào “cơn bĩ cực”, “ tiến thoái lưỡng nan” đang cần được “giải cứu”...

Trong cơn “bĩ cực”...

Theo Hiệp hội các DNN&V, với tiêu chí mỗi doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng và dưới 300 lao động được coi là DNN&V thì trong tổng số khoảng 350.000 doanh nghiệp thì DNN&V chiếm đến gần 95%. Hàng năm, các doanh nghiệp này đóng góp khoảng 40% - 50% việc làm mới cho người lao động, 78% mức bán lẻ, 33% giá trị sản lượng công nghiệp. Nhưng tới thời điểm này đã có hơn 60% doanh nghiệp đang gặp khó khăn; nhiều doanh nghiệp đang ngừng trệ, đóng cửa hoặc đã phá sản; chỉ còn phần nhỏ doanh nghiệp đang làm ăn tốt.

Tình trạng này càng diễn ra gay gắt đối với các doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu các sản phẩm trong lĩnh vực làng nghề. Theo Báo cáo của Hiệp hội Làng nghề Việt Nam, hiện có tới 5 triệu trong tổng số 10 triệu hộ làng nghề nước ta đang không có việc làm, số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, đóng cửa, phá sản ở các địa bàn kinh tế trọng điểm đang ngày càng gia tăng. Tác động của cuộc khủng hoảng mang đến cho các làng nghề dù trực tiếp hay gian tiếp nhưng người gánh chịu trước hết vẫn là người lao động và các doanh nghiệp đầu ra cho sản phẩm. Cả nước hiện có khoảng 2.790 làng nghề truyền thống, thu hút và giải quyết việc làm cho khoảng 11 triệu lao động. Trong đó có cả những người già, thương binh, người tàn tật, trẻ em và lao động lúc nông nhàn. Năm 2008, kim ngạch của làng nghề ước đạt khoảng 850 triệu USD. Nhưng, ngay từ khi bước vào năm 2008, khó khăn của các làng nghề ngày càng thể hiện rõ do ảnh hưởng của suy giảm kinh tế toàn cầu. Hậu quả là, thị trường của các làng nghề bị thu hẹp lại, nhiều hợp đồng đã ký nay buộc phải hủy bỏ vì khách hàng không có khả năng thanh toán. Sức tiêu thụ trên thị trường trong nước cũng giảm sút nặng nề. Các sản phẩm làm ra không có nơi tiêu thụ, hiện, các làng nghề đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề nhức nhối. Trong khó khăn, các doanh nghiệp làng nghề lại các bộc lộ nhiều hạn chế cần được tháo gỡ như: Hạn chế trong tiếp cận nguồn vốn, thị trường chưa phát triển do mẫu mã chậm cải tiến, công nghệ lạc hậu, diện tích sản xuất nhỏ hẹp, thiếu nhân lực có trình độ cao và vấn đề ô nhiễm môi trường do quá trình sản xuất.

Có thể nói, thiếu vốn là vấn đề muôn thủa của hầu hết các doanh nghiệp Việt Nam, các doanh nghiệp làng nghề lại càng trầm trọng hơn, nhất là trong giai đoạn gian nan hiện nay. Dù Nhà nước ta đã có những biện pháp hỗ trợ như giải ngân, giảm lãi suất, lùi thời hạn vay vốn; nhưng đến nay vẫn chỉ là giải pháp trước mắt chứ chưa giải quyết được triệt; nguy cơ tình trạng này còn nghiêm trọng hơn vào năm tới.

Mặc dù có nhiều nguồn tín dụng dành cho doanh nghiệp, nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng tiếp cận được nguồn vốn đó, bởi họ không đủ khả năng đáp ứng những quy định của các ngân hàng. Bên cạnh đó, đặc điểm của làng nghề là hoạt động riêng lẻ, chưa có sự gắn kết, năng suất lao động thấp nên tỷ suất lợi nhuận thấp so với lãi suất vay ngân hàng, người dân lại không có tài sản thế chấp, nên chỉ có thể hướng tới Ngân hàng Chính sách xã hội, trong khi nguồn vốn của ngân hàng này rất ít.

Bên cạnh đó, hoạt động của các doanh nghiệp làng nghề luôn vấp phải vô vàn khó khăn, do sản xuất kinh doanh thiếu tính bài bản. Đa phần doanh nghiệp làng nghề thuộc quy mô nhỏ (chỉ khoảng 50 công nhân) và quy mô siêu nhỏ (dưới 20 công nhân) sản xuất thu gọn trong hộ gia đình. Và có tới 80% số chủ doanh nghiệp làng nghề xuất thân từ nông dân, trình độ văn hoá chỉ từ cấp 3 trở xuống, trình độ quản trị của các chủ doanh nghiệp thấp...

Ngoài ra, chi phí đầu vào tăng cao đã khiến khó khăn của khối doanh nghiệp làng nghề càng trở nên gay gắt. Giá thành đầu vào tăng chóng mặt bởi nhiều chi phí đồng loạt tăng: giá nguyên vật liệu, lãi suất tín dụng, chi phí vận chuyển, giá nhân công...

So với những doanh nghiệp lớn, các doanh nghiệp làng nghề khó tiếp cận vốn ngân hàng hơn nhiều, doanh nghiệp nghiệp lớn thường có hệ thống trang thiết bị giá trị lớn để thế chấp, trong khi doanh nghiệp làng nghề chỉ có thể thế chấp bằng nhà đất, tài sản và trang thiết bị máy móc giá trị rất thấp. Các doanh nghiệp lớn đều đã quen với những thủ tục vay vốn phức tạp, nhưng doanh nghiệp làng nghề vẫn rất lúng túng khi làm hồ sơ vay vốn. Ngân hàng thường xem xét phương án kinh doanh và khả năng hoàn trả vốn của doanh nghiệp rồi mới cho vay, nhưng các doanh nghiệp làng nghề lại rất khó soạn thảo được bản phương án sản xuất với những phân tích lý luận chặt chẽ để thuyết phục. Mặt khác, do không chủ động được kế hoạch trả nợ ngân hàng, nên rất nhiều doanh nghiệp buộc phải vay những “quỹ tín dụng đen” với lãi suất “cắt cổ” 7-10%/tháng để đáo nợ ngân hàng. Vì vậy khó khăn lại càng chống chất.

Giải pháp... “tới tuần thái lai”

Theo ông Vũ Quốc Tuấn, Chủ tịch Hiệp hội Làng nghề Việt Nam để giúp các doanh nghiệp vượt qua “cơn bĩ cực” cần phải giúp doanh nghiệp làng nghề tháo gỡ khó khăn về vốn. Các ngân hàng nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp làng nghề được vay vốn dễ dàng với lãi suất ưu đãi, gia hạn đáo nợ cho những doanh nghiệp đứng trước nguy cơ phá sản. Về lâu dài, nên thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng ở mỗi địa phương. Để các ngân hàng yên tâm cho vay vốn, quỹ này sẽ giúp đỡ các doanh nghiệp xây dựng phương hướng kinh doanh thiết thực. Nguồn vốn của quỹ bảo lãnh được tạo từ 3 nguồn: do doanh nghiệp đóng góp; ngân hàng góp vốn; và ngân sách Nhà nước.

Trên thực tế, tháng 12/2001, Chính phủ đã có Quyết định về Quy chế thành lập, hoạt động của Quỹ bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhưng cho đến nay, quỹ mới được thành lập ở 9 tỉnh, trong đó chỉ có 3 quỹ ở Trà Vinh, Yên Bái và Vĩnh Phúc là chính thức hoạt động. Mới đây, Bộ Kế hoạch và đầu tư đã đề nghị thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, tập trung vốn trong và ngoài nước để hỗ trợ các làng nghề, không chỉ chú trọng vấn đề vốn mà còn hỗ trợ đào tạo nhân lực và phát triển thị trường.

Tuy nhiên, các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất ở làng nghề cần hướng tới việc thoát ra khỏi gia công sản phẩm. Chúng ta phải tự mình thực hiện tất cả các khâu để thu lợi nhuận toàn bộ. Muốn vậy phải phát triển công nghiệp phụ trợ để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, cần di chuyển hết các doanh nghiệp và cơ sở sản xuất từ hộ gia đình ra những cụm công nghiệp làng nghề tập trung; Cần phải tăng cao thu nhập của nhân công làng nghề để giữ chân lao động; Nhà nước cần hỗ trợ các dự án phát triển làng nghề, giúp các làng nghề, nghề thủ công đủ sức đầu tư phát triển sản xuất với nhiều hình thức như đề nghị các ngân hàng cho vay theo phương thức thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay, bảo lãnh bằng tài sản của bên thứ ba; nghiên cứu áp dụng hình thức tín chấp đối với các làng nghề truyền thống, nghề thủ công có thu hút nhiều lao động; hoặc áp dụng chính sách ưu đãi lãi suất, thuế đối với các cơ sở, doanh nghiệp hoạt động sản xuất, kinh doanh ở nông thôn và giải quyết nhiều lao động; hoặc khuyến khích, huy động vốn trong dân, các thành phần kinh tế để đầu tư phát triển ngành nghề nông thôn, trong đó vốn ngân sách ưu tiên cho đền bù giải tỏa, hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật thiết yếu, xúc tiến thương mại, đào tạo nghề, hỗ trợ thương hiệu... Tiếp tục triển khai chương trình khuyến công, lồng ghép với các chương trình dự án liên quan trên địa bàn, đẩy mạnh việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và sở hữu nhà để người dân, cơ sở sản xuất có điều kiện vay vốn tín dụng đầu tư, phát triển; tạo thuận lợi cho việc tổ chức lại sản xuất của các cơ sở trong làng nghề, hình thành sự liên doanh, liên kết trong sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp đầu mối... Xúc tiến thành lập quỹ bảo lãnh tín dụng tại các địa phương để hỗ trợ doanh nghiệp lập phương án sản xuất, kinh doanh, vay vốn hoạt động./.

Đỗ Quỳnh Chi
Cục Tài chính-Doanh nghiệp

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất