Thứ Ba, 1/10/2024
Cuộc sống số
Thứ Năm, 10/9/2009 14:58'(GMT+7)

Hà Nội: Doanh nghiệp viễn thông sẵn sàng dùng chung BTS

Tính đến tháng 5/2009, chỉ riêng khu vực Hà Nội đã có hơn 1.200 trạm BTS của 6 mạng di động gồm: VinaPhone, MobiFone, S-Fone, Viettel, EVN Telecom và Hanoi Telecom. Với tốc độ phát triển thuê bao nhanh như hiện nay thì để đảm bảo phủ sóng toàn bộ khu vực Hà Nội, một mạng di động cần có khoảng 900 trạm BTS.

Như vậy, chưa kể đến 2 nhà mạng mới là Gtel và Đông Dương Telecom, nếu để 6 DN trên phát triển số trạm một cách tự do thì Hà Nội sẽ có tới hơn 5.000 trạm BTS. Cũng theo phân tích của bản đề án này, nếu các DN không dùng chung cơ sở hạ tầng của nhau thì sẽ phải đầu tư mạng lưới trạm BTS riêng của từng mạng nhưng lại chỉ phục vụ một số lượng khách hàng nhất định. Ước tính số vốn đầu tư sẽ tăng khoảng gần 4 lần so với việc các DN ngồi lại với nhau để thống nhất việc dùng chung cơ sở hạ tầng của nhau.

Ông Phạm Quốc Bản, Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội cho biết, chỉ tính riêng năm 2009, theo kế hoạch phát triển mạng lưới do các DN báo cáo thì địa bàn Hà Nội sẽ có thêm hơn 2.000 trạm BTS. Trong đó, có nhiều vị trí các DN dự định dựng trạm ở khu vực Hà Nội có tọa độ trùng nhau. Quan điểm của Sở là các DN có vị trí đặt trạm trùng hoặc gần nhau phải bàn với nhau để thỏa thuận việc dùng chung cột.

Đa số các đại diện DN di động trên địa bàn Hà Nội đều cơ bản thống nhất việc chia sẻ, sử dụng chung cơ sở hạ tầng mạng là xu hướng tất yếu. Ông Nguyễn Văn Tiến, Giám đốc Chi nhánh kỹ thuật Hà Nội (Tổng công ty Viễn thông Quân đội Viettel) cho biết: “Viettel nhất trí với định hướng dùng chung cơ sở hạ tầng. Với hạ tầng BTS, Viettel sẵn sàng bắt tay tất cả các doanh nghiệp khác để dùng chung trên cơ sở hạ tầng Viettel đã có”.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, không thể có chuyện 100% vị trí dựng trạm BTS của các DN có thể triển khai dùng chung. Do đó, việc mà các DN cần làm trước mắt là đạt được sự thống nhất ở một số vị trí dùng chung hạ tầng. “Từ kinh nghiệm của Viettel, thường là diễn ra theo hình thức trao đổi song phương giữa các DN. Ví dụ như giữa Viettel và VinaPhone thường là trao đổi 1-1, rất hiệu quả”, ông Tiến chia sẻ.

Ông Tiến cũng cho hay, về lâu dài để thực hiện được dự án dùng chung cơ sở hạ tầng, phải xây dựng được quy chế dùng chung cơ sở hạ tầng, trong đó phải đảm bảo 4 yếu tố: Thứ nhất, phải chỉ ra được 1 cơ quan đứng ra chủ trì và Sở TT&TT phải đứng ra chủ trì việc này; Thứ hai, quy chế phải phù hợp với các quy định pháp luật hiện hành; Thứ ba, quy chế phải tính đến hiệu quả trong quá trình sản xuất kinh doanh của các DN; Thứ tư, quy chế phải đề cập đến quyền quyết định của DN.

Còn theo đại diện EVN Telecom, việc dùng chung hạ tầng BTS phải được thực hiện trên cơ sở thực tế của địa phương, cần thực hiện có lộ trình theo định hướng: dễ làm trước, khó làm sau; từ mới chuyển sang cũ.

Ông Nguyễn Bá Đức, Phó Giám đốc VNPT Hà Nội lại đề xuất, trước mắt, nơi nào sóng yếu, Sở TT&TT có thể quy hoạch một số vị trí, thống nhất với các DN chọn những vị trí hợp lý để dựng trạm và triển khai thí điểm khoảng 50-70 điểm trạm BTS dùng chung. Còn những nơi khó thực hiện sẽ triển khai quy hoạch dần từng bước, gom lại để giảm bớt số cột.

Theo ICTnews

Phản hồi

Các tin khác

Thư viện ảnh

Liên kết website

Mới nhất