Ngay từ thời điểm dịch Covid-19 bắt đầu, nhất là giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội, với phương châm nhanh nhạy, sâu sát xuống cơ sở, chính xác, kịp thời định hướng, dẫn dắt dư luận, phản bác mạnh mẽ các luận điệu sai trái, Ban Tuyên giáo Thành ủy đã chỉ đạo, trực tiếp triển khai đồng bộ các giải pháp công tác tuyên truyền, ứng dụng tối đa công nghệ hiện đại, tùy vào diễn biến dịch bệnh theo từng giai đoạn cụ thể, để triển khai những giải pháp phù hợp, hợp với xu thế, điều kiện thực tế trong hoạt động tuyên truyền chống dịch của ngành tuyên giáo Thủ đô. Trong đó, việc ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong công tác tuyên giáo là giải pháp đem lại kết quả rõ rệt nhất trong điều kiện thực tiễn và công tác chỉ đạo phòng chống dịch Covid -19.
Thứ nhất, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã ứng dụng công nghệ thông tin trong rà soát, nắm bắt dư luận xã hội trên thực tế, trên không gian mạng, hoạt động báo chí và truyền thông. Chỉ đạo cộng tác viên dư luận xã hội nắm bắt tình hình dư luận để tập trung tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện đúng theo chỉ đạo của Chính phủ về công tác phòng, chống dịch. Chỉ đạo các cơ quan báo chí Hà Nội duy trì, nâng cao chất lượng các chuyên trang, chuyên mục, chương trình tuyên truyền phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Định hướng báo chí tập trung tuyên tuyền thực hiện các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương và Thành phố; khai thác những quan điểm và nội dung cơ bản của chỉ thị, nghị quyết gắn với thực tiễn của Thành phố. Tập trung tuyên truyền để người dân đồng thuận, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. Chú trọng tuyên truyền về các giải pháp chăm lo sức khỏe, đời sống cho Nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội, hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, hỗ trợ các nhóm yếu thế trong xã hội.
Ban Tuyên giáo Thành ủy đã phối hợp với Sở Y tế, Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan chức năng liên quan thường xuyên cập nhật, cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh để kịp thời định hướng báo chí. Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng phóng sự chuyên đề: “Vai trò của hệ thống chính trị cơ sở trong nắm địa bàn vận động Nhân dân chống dịch covid-19”. Công tác điểm báo (2 lần/ngày) của Ban Tuyên giáo Thành ủy đã cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo. Chủ động nắm bắt các thông tin trên mạng xã hội về tình hình dịch bệnh để tham mưu định hướng tuyên truyền. Đăng tải và cập nhật thường xuyên các tin, bài video clip về công tác phòng, chống dịch bệnh của Thành phố trên Trang thông tin Điện tử Đảng bộ Thành phố.
Thứ hai, ngành Tuyên giáo Thủ đô đã ứng dụng công nghệ trong chỉ đạo, điều hành. Ban Tuyên giáo Thành ủy đã tổ chức họp trực tuyến qua phần mềm Zoom giữa lãnh đạo Ban, lãnh đạo các phòng chuyên môn với lãnh đạo ban tuyên giáo các quận, huyện, thị ủy hàng tuần. Đồng thời, thành lập nhóm Zalo riêng để chỉ đạo hệ thống tuyên giáo, báo chí, cộng tác viên của ngành tuyên giáo Thủ đô và các nhiệm vụ thường xuyên, đột xuất qua mạng 24/24 giờ.
Thực hiện chỉ đạo của Thành ủy, hướng dẫn của Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban tuyên giáo các quận, huyện, thị ủy, Đảng ủy trực thuộc, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội Thành phố đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động thực hiện có hiệu quả Lời kêu gọi toàn dân đồng lòng chống dịch Covid-19 của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; các chỉ thị, nghị quyết, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nhất là Chỉ thị số 31 của Thành ủy Hà Nội với phương châm “vào từng ngõ, gõ từng nhà”. Điều đó đã tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong phòng, chống dịch bệnh của cán bộ, đảng viên và Nhân dân với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Trên hệ thống loa truyền thanh, cổng thông tin điện tử, tuyên truyền lưu động, nhóm Zalo, trang fanpage, tờ rơi, pano, áp phích... Các nội dung tuyên truyền tập trung vào một số vấn đề như: Thực hiện giãn cách toàn xã hội bảo đảm khoảng cách an toàn, đeo khẩu trang, thực hiện khử trùng, diệt khuẩn theo quy định; các hành vi vi phạm phòng, chống; biểu dương người tốt, việc tốt, các hành động nhân văn trong công tác phòng, chống dịch; diễn biến tình hình dịch bệnh trong cả nước và trên thế giới... Nhiều biện pháp được các địa phương, đơn vị thực hiện có hiệu quả nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh như: Duy trì các tổ công tác liên ngành, lập các chốt để kiểm tra thân nhiệt khi người dân đi vào khu dân cư; tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm, qua đó tạo nên tác dụng lớn trong công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn Thủ đô.
Thứ ba, ngành Tuyên giáo Thủ đô ứng dụng công nghệ trong đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội. Chỉ đạo các thành viên Ban Chỉ đạo 35 quán triệt đến cán bộ đảng viên khi chia sẻ thông tin và bình luận trên các trang mạng cũng như đăng tải, chia sẻ thông tin theo các trang chính thống để không gây hoang mang, lo lắng trong Nhân dân.
Thành đoàn Hà Nội sử dụng các công cụ tuyên truyền phù hợp với xu thế xã hội hiện nay của hơn 70 triệu thuê bao di động có sử dụng các ứng dụng mạng xã hội hiệu quả như: Xây dựng các trang infographic, frame, avarta, video clip để tuyên truyền qua facebook các nội dung như: Tuyên truyền các ngày lễ lớn (thiết kế infographic các ngày lễ lớn, sự kiện quan trọng của Thủ đô và đất nước năm 2020). Website Thành đoàn Hà Nội thường xuyên đăng tải các nội dung tuyên truyền theo định hướng của thành phố; sáng tạo trong phát động Tháng Thanh niên năm 2020 livestream trực tiếp đúng thời điểm Covid-19 thu hút 60.000 lượt xem. Kịp thời tổ chức các hoạt động hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp: Phối hợp với Không gian làm việc chung UP, Vietchallenge tổ chức khóa tập huấn miễn phí tại các trường đại học trên địa bàn; livestream trực tiếp chia sẻ trên Fanpage của Thành đoàn Hà Nội; triển khai “Chiến dịch 10.000 việc làm vì cộng đồng - chống thất nghiệp mùa dịch” thu hút 963 doanh nghiệp tham gia tạo việc làm cho người lao động, hơn 10 ngàn ứng viên tìm được việc làm... Những đổi mới trong phương thức công tác tuyên giáo thực hiện đã tạo sự chuyển biến đáng kể trên nhiều lĩnh vực công tác tuyên giáo Thành phố.
Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội đã kịp thời tham mưu 4/18 văn bản chỉ đạo của Thường trực Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo công tác thông tin, tuyên truyền phòng chống dịch Covid-19.
Ban hành nhiều công văn hướng dẫn gửi các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy khối, trực thuộc, đồng thời cử thành viên tham gia, theo sát hoạt động Ban Chỉ đạo công tác phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố.
Lãnh đạo Ban Tuyên giáo Thành ủy, Ban tuyên giáo các quận, huyện thị ủy tham gia đầy đủ tất cả các cuộc họp trực tuyến của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 Thành phố (mỗi tuần ít nhất 3 cuộc vào chiều thứ 2, 4, 6).
|
Trong thời gian tới, ngành Tuyên giáo Thủ đô tiếp tục chủ động tham mưu giúp Thành ủy, cấp ủy các cấp lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các mặt công tác tuyên giáo. Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức công tác tuyên giáo; nâng cao khả năng dự báo, nhanh nhạy, kịp thời, hiệu quả trong định hướng tuyên truyền, thực hiện nhiệm vụ chính trị; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác triển khai các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, tăng cường chỉ đạo, định hướng báo chí, xuất bản; đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi suy thoái tư tưởng chính trị, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ. Cổ vũ, động viên cán bộ, đảng viên, các tầng lớp nhân dân phấn đấu hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu năm 2021 của thành phố. Chủ động tham mưu đối với những vấn đề “nóng”, dư luận xã hội quan tâm, góp phần tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ổn định để phát triển bền vững Thủ đô.
Thu Hằng