Ngày 20/3, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo đã
có văn bản chính thức về việc tạm dừng thay thế cây xanh trên địa bàn,
theo đề án do Sở Xây dựng đề xuất.
Trước thông tin này, phóng viên đã trao đổi ý kiến
với một số người dân xoay quanh quyết định được cho là hợp lòng dân của
thành phố Hà Nội để rộng đường dư luận.
Ông Lê Văn Xuân, sinh năm 1938, ở phố Tạ Hiền, phường Hàng Buồm, quận
Hoàn Kiếm Hà Nội, cho biết việc thành phố Hà Nội tạm dừng thay thế cây
xanh là rất phù hợp, thành phố đã biết nghe cái đúng, loại bỏ cái chưa
phù hợp. Vẫn biết rằng, việc tạm dừng thay thế là một quyết định khó
khăn, không đơn giản. Nhưng trên thực tế, người dân đã chỉ ra những bất
cập, những điều chưa phù hợp, trong việc thay thế cây xanh, thành phố đã
biết trọng dân và quyết định đúng.
Ông Lê Văn Xuân cho rằng, chủ trương thay những cây già cỗi, cong, sâu
mục là hợp lý nhưng đừng vì việc thay đổi này mà biểu hiện sự nóng vội,
ảnh hưởng đến đường môi trường của thành phố thì không nên.
Sỹ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nghỉ hưu Lê Văn Xuân cũng bày tỏ,
việc thành phố có chủ trương dừng lại để xem xét là rất hợp lòng dân ý
Đảng.
Thành phố Hà Nội có đề án thay các cây xanh già cỗi là cần thiết nhưng
khi làm phải hết sức thận trọng bởi vì cây cũng như con người cần chăm
sóc, đảm bảo cây sống. Nếu làm ồ ạt thì không những cây đó bị chết mà
không đạt yêu cầu, nghị quyết của thành phố trong việc thay thế cây xanh
thì rất không hay.
Cùng chung quan điểm, ông Bùi Dượng Dư, sinh năm 1952, nhà ở 30 Hàng
Điếu, Phường Cửa Đông cho rằng việc Hà Nội dừng chặt cây là hoan nghênh,
nhưng không phải dừng hẳn, không chặt hạ, không thay thế. Vấn đề ở đây
là chọn thời điểm và cách thức triển khai đề án thay thế cây xanh sao
cho phù hợp.
Trước khi triển khai đề án, Hà Nội cần công khai thông tin cho người
dân, biết cây nào cần thay thế, cây trồng mới là loại gì. Chỉ có cách,
công khai như thế, Hà Nội sẽ có được dàn cây xanh, đẹp mắt xứng đáng là
thành phố xanh, một "trái tim" của cả nước.
Thể hiện sự hài lòng của mình trước quyết định "để đời" của thành phố Hà
Nội là dừng thay thế cây xanh, bà Phạm Thị Xuân Dung, nhà thơ, sinh năm
1947, số nhà 26, ngõ 504 Nguyễn Chí Thanh, khu tập thể Tổng cục Thống
kê bộc bạch, việc chặt hạ một số cây xanh sẽ làm cho đường thông hè
thoáng, tầm nhìn của người đi đường không bị che khuất, an toàn giao
thông hơn.
Tuy nhiên, không vì những cây đó mà những cây khác bị "chết oan." Vì
vậy, việc phân loại cây cần chặt hạ phải được làm cho rõ, cho chu đáo,
cẩn trọng, có ý kiến của nhiều người, tuyệt đối không được vội vàng
trong chuyện này, chỉ cần một quyết định chặt chưa đúng, thì cả một khu
phố sẽ mất cả chục năm sau người dân mới có thể tìm lại được bóng mát.
Như vậy, rất ảnh hưởng đến đời sống của người dân.
Nhìn nhận ở một khía cạnh kinh tế, anh Nguyễn Đắc Lực ở huyện Gia Lâm
bày tỏ, việc duy trì cây xanh tốn chi phí khá lớn. Đối với đơn vị tham
gia trồng cây cho thành phố, chỉ khi cây sống mới được thanh toán tiền
công, tiền giống. Khi cây đã trưởng thành, sẽ được thành phố chi trả
tiền chăm sóc, tỉa cành. Do vậy, với một cây có tuổi đời khoảng 20 đến
30 năm, thời điểm cho bóng mát, tán, thân tốt thì số tiền chi cho cây
cũng không phải nhỏ. Vậy mà một cây, đang cho bóng mát bị chặt đi, thay
thế vào đó là một cây mới, cho dù có thể bằng hình thức xã hội hóa cây
giống, nhưng về phần chăm sóc, cắt tỉa sẽ dùng ngân sách nhà nước. Vậy
thì câu hỏi đặt ra, nếu thay thế cây xanh nhiều, cùng một thời điểm
thành phố được hay mất.
Bởi vậy theo anh Lực, việc Chủ tịch thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Thảo ra
quyết định tạm dừng thay thế cây xanh là một thông tin vui với những ai
yêu Hà Nội, yêu màu xanh của Thủ đô. Quyết định dừng thay thế cây xanh
thời điểm này là đúng đắn, bởi ngân sách thành phố cũng không phải rộng
dài cho việc duy trì cây xanh, thảm cỏ.
Tuy nhiên, việc tài trợ phải đảm bảo cây chất lượng tốt, theo đúng yêu
cầu, tiêu chuẩn của thành phố quy định, “không thể để cây trồng sau
không bằng cây cũ”, anh Lực lưu ý.
Sau khi tiếp nhận nhiều ý kiến của người dân, nhà khoa học, bày tỏ quan
điểm với hình thức khác nhau, về cách triển khai thay thế cây xanh trên
địa bàn Thủ đô, ngày 20/3, Hà Nội đã dừng việc này, là một quyết định
đúng và có trách nhiệm, phù hợp với tình hình hiện nay, ông Trần Ngọc
Chính, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam cho biết.
Qua vụ việc này, Hà Nội có một bài học rất bổ ích để triển khai đề án
thay thế tốt hơn trong thời gian tới. Theo ông Trần Ngọc Chính, một đề
án thay thế cây xanh khoa học, cần có ý kiến của các nhà chuyên môn,
công khai cho người dân biết để tham gia.
Khi triển khai cũng cần thực hiện một cách thận trọng, làm từng bước,
từng tuyến phố, sau đó lắng nghe ý kiến của người dân rồi triển khai
tiếp. Với cách làm như vậy, Hà Nội sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân
về vấn đề thay thế cây xanh, Chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị
Việt Nam chỉ ra.
Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội cho biết từ tháng 11/2014 đến nay, Sở
Xây dựng đã và đang triển khai việc thay thế hơn 500 cây xanh trên 7
tuyến phố, nguồn kinh phí do các cá nhân, tổ chức tài trợ. Tuy nhiên,
trong quá trình triển khai do công tác thông tin không kịp thời, đầy đủ,
các đơn vị thực hiện hạ chuyển và thay thế hàng loạt cây trên một số
tuyến phố, dẫn tới công luận, dư luận phản ánh nhiều chiều.
Vì vậy, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu rà soát, đánh
giá, phân loại những cây phải hạ chuyển, bổ sung, thay thế, lập kế
hoạch, lộ trình thực hiện từng bước, đảm bảo duy trì mật độ xanh thường
xuyên liên tục cho từng tuyến phố.
Đối với những cây cong nghiêng, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị và những
cây không đúng chủng loại cây đô thị thực hiện chỉnh trang thay thế từng
bước; chỉ thay thế những cây không thể chỉnh trang và duy trì được.
Việc chỉnh trang trồng bổ sung thay thế cây phải thực hiện theo đúng quy
định, đồng thời thông tin kịp thời, đầy đủ, công khai minh bạch và tiếp
thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học, nhân dân, tạo
sự đồng thuận trước khi thực hiện./.
Mạnh Khánh (TTXVN)