Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Thọ, sau 5 năm thực
hiện Đề án của Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đến nay
trên địa bàn tỉnh đã có trên 24.000 người được hỗ trợ đào tạo nghề,
trong đó số lao động có việc làm sau học nghề chiếm 81,19%.
Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Phú Thọ đã mang lại hiệu quả, giúp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nâng cao thu nhập cho lao động nông thôn, góp phần đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo trên địa bàn tỉnh đạt 52%.
Tỉnh Phú Thọ đã chuyển mạnh sang đào tạo theo nhu cầu của lao động và yêu cầu của thị trường; gắn đào tạo nghề với kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ở từng địa phương. Tỉnh đã phê duyệt định mức chi phí đào tạo đối với 60 nghề, trong đó có 33 nghề nông nghiệp và 27 nghề phi nông nghiệp. Tỉnh cũng đầu tư 156 tỷ đồng xây dựng mạng lưới cơ sở dạy nghề; phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề. Đến nay, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đều có cơ sở dạy nghề công lập tham gia đào tạo nghề cho lao động nông thôn. Phần lớn, các trung tâm dạy nghề đã dạy từ 6 đến 12 nghề, phù hợp yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và nhu cầu người học. Đội ngũ giáo viên dạy nghề tăng gấp đôi so với thời điểm bắt đầu thực hiện Đề án dạy nghề cho lao động nông thôn. Trong đó, tỷ lệ giáo viên có trình độ cao đẳng, đại học chiếm hơn 90%. Trang thiết bị dạy học ở các cơ sở dạy nghề đều bảo đảm chất lượng, phù hợp với nghề dạy, cơ bản đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề của tỉnh.
5 năm qua, tỉnh Phú Thọ đã tổ chức đào tạo 42 nghề cho lao động với 57 mô hình, trong đó có nhiều mô hình thí điểm đã khẳng định được hiệu quả và được nhân rộng như mô hình trồng keo, bồ đề, bạch đàn làm nguyên liệu giấy ở huyện Tân Sơn, mô hình trồng cây sơn cho thu hoạch nhựa tại huyện Tam Nông, mô hình trồng và nhân giống nấm ở huyện Thanh Thủy, huyện Yên Lập...
Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn còn bộc lộ nhiều tồn tại như cơ cấu đào tạo nghề cho lao động chưa hợp lý, chủ yếu dạy nghề nông nghiệp, tỷ lệ dạy nghề phi nông nghiệp còn thấp; công tác quản lý, theo dõi lớp học chưa chặt chẽ, vẫn còn hiện tượng “đánh trống ghi tên”, bỏ học, học theo phong trào. Việc rà soát nhu cầu, xây dựng kế hoạch dạy nghề cho lao động nông thôn hằng năm chưa sát thực tiễn.
Theo kế hoạch, giai đoạn 2015 - 2020, toàn tỉnh Phú Thọ sẽ đào tạo nghề cho 84.400 lao động nông thôn; bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho khoảng 5.000 lượt cán bộ, công chức cấp xã. Từ năm 2015, tỉnh sẽ tăng số lao động được hỗ trợ đào tạo nghề, trong đó ưu tiên đào tạo nghề cho các đối tượng là người có công với cách mạng, người nghèo, dân tộc thiểu số, người khuyết tật. Tỉnh Phú Thọ đang tăng cường tuyên truyền về đào tạo nghề; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị, phương tiện cho các trung tâm dạy nghề; đổi mới chương trình, phương pháp dạy nghề, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên dạy nghề; nâng cao chất lượng khảo sát, dự báo nhu cầu đào tạo nghề sát với thực tế; xây dựng hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích cán bộ, công chức tham gia đào tạo bồi dưỡng nâng cao năng lực, trình độ; tăng cường kiểm tra, giám sát, đánh giá việc thực hiện công tác dạy nghề./.
Theo TTXVN