(TG)-Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Tô Văn Động, trong thời gian tới,
việc xử lý sai phạm biển quảng cáo sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy
nhiên, với sự quyết tâm và đồng thuận của các cơ quan quản lý đã tạo
điều kiện cho đoàn thanh tra liên ngành kiên quyết xử lý sai phạm, lập
lại trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng kỷ
cương, xây dựng văn minh đô thị, xây dựng con người Hà Nội thanh
lịch, văn minh.
Ngày 11/8, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã thông báo kế hoạch hoạt động của Đoàn Thanh tra liên ngành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Thành phố Hà Nội. Đồng chí Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội chủ trì buổi họp báo.
Ngày 3-8, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội đã ban hành Chỉ thị 16 về việc tăng cường công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Hà Nội. Chỉ thị nêu rõ: hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố đang diễn ra sôi động, phong phú với nhiều loại hình. Bên cạnh những tác động tích cực, còn tồn tại nhiều hạn chế, bất cập, tình trạng vi phạm còn phổ biến, tập trung ở hai loại hình: bảng quảng cáo đứng một cột và bảng quảng cáo trên dải phân cách; việc xử lý vi phạm chưa được chặt chẽ, kiên quyết, đồng bộ.
Để hoạt động quảng cáo thực hiện đúng quy định, Ủy ban Nhân dân thành phố giao Sở Văn hóa và Thể thao chịu trách nhiệm toàn diện trước UBND Thành phố về thực hiện công tác quản lý nhà nước trong hoạt động quảng cáo, khẩn trương hoàn thiện Quy hoạch ngoài trời trên địa bàn thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trình thành phố phê duyệt, ban hành và triển khai thực hiện.
Tại buổi họp báo, đồng chí Nguyễn Khắc Lợi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Phó Trưởng đoàn Thanh tra liên ngành thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn thành phố Hà Nội cho biết, quảng cáo tấm lớn phát triển mạnh và vi phạm ngày càng nhiều. Theo Đoàn Thanh tra liên ngành, đường Phạm Hùng, quận Nam Từ Liêm có tới 24 biển quảng cáo phải tháo dỡ. Ngã tư đường Phạm Hùng - Dương Đình Nghệ có mức độ giao thông dày đặc, thế mà nơi đây đã mọc lên có tới 3 biển quảng cáo tấm lớn. Điều đặc biệt, những biển này mọc ngay trên đảo phân luồng giao thông. Trên thảm cỏ xanh các biển tấm lớn ngang nhiên chiếm diện tích, che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng lớn đến giao thông trong khu vực. UBND quận Nam Từ Liêm đã nhiều lần ra văn bản yêu cầu tháo dỡ nhưng không cưỡng chế được. Ngoài 6 biển quảng cáo nhiều năm không cưỡng chế được nay lại được dựng thêm 3 biển quảng cáo khác hiện đang quảng cáo. Hay tại ngã 3 Phạm Văn Đồng - Hoàng Quốc Việt, biển quảng cáo tấm lớn dựng ngay trên vỉa hè hoàn toàn sai quy định.
Đặc biệt, dưới chân cầu Nhật Tân, 2 biển quảng cáo dựng lên trong khuôn viên Xí nghiệp Bê tông Thăng Long. Ngày 29.4.2014, UBND xã Xuân Đỉnh quận Băc Từ Liêm đã tổ chức cưỡng chế thành công, nhưng chỉ sau vài tháng 2 biển đã dựng lại và quảng cáo suốt 2 năm qua. Quận Tây Hồ, đường Võ Chí Công vừa khánh thành sau hơn 1 năm, trong thời gian ngắn sau đó đã mọc lên biển quảng cáo dày đặc, không phép. Chỉ trong khoảng 4km có tới 19 biển quảng cáo tấm lớn được dựng lên. Nhiều biển đã có khách hàng và một số biển có số điện thoại sẵn sàng mời khách quảng cáo. Việc dựng biển quảng cáo bấp chấp quy định trong khuôn viên Trung tâm Thể thao quận Tây Hồ, chỉ trong một đoạn ngắn đã có 3 biển quảng cáo tấm lớn. Ngay cả trong khuôn viên Trường THCS Xuân La cũng mọc lên 1 biển quảng cáo tấm lớn. Mặc dù UBND thành phố đã có văn bản cấm quảng cáo trên đường Võ Nguyên Giáp, nhưng sau hơn 1 năm đã có nhiều biển quảng cáo mọc lên, toàn bộ biển này đều xây dựng không phép tập trung ở địa bàn huyện Sóc Sơn.
Bên cạnh đó, có nhiều biển quảng cáo xin xã hội hóa với mục đích tuyên truyền cho những ngày lễ lớn của đất nước, nhưng không một doanh nghiệp nào tuân thủ quy định xã hội hóa công tác tuyên truyền. Cương quyết tháo dỡ các biển quảng cáo vi phạm Theo thống kê của Đoàn Thanh tra liên ngành, tính đến ngày 15/7/2016, đã có 212 hộp đèn quảng cáo đứng độc lập trên dải phân cách không được chấp thuận của cơ quan quản lý trên địa bàn thành phố. Trong quá trình thanh tra, Đoàn Thanh tra liên ngành cũng đã phát hiện 190 bảng đứng độc lập (tính đến ngày 8/8/2016), dựng trái phái trên địa bàn thành phố, trong đó nhiều nhất là huyện Sóc Sơn với 68 bảng, quận Nam Từ Liêm với 25 bảng, quận Cầu Giấy 23 bảng.
Sở Văn hóa và Thể thao đã báo cáo thành phố, đồng thời yêu cầu các quận, huyện, thị xã và doanh nghiệp tự tháo dỡ các hộp, bảng quảng cáo vi phạm. Đến ngày 3/9, toàn bộ số bảng quảng cáo vi phạm này sẽ được xử lý, tháo dỡ, trả lại mặt bằng nguyên trạng ban đầu.
Theo đồng chí Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trưởng đoàn Thanh tra, các doanh nghiệp hoạt động quảng cáo sai phép đã gây cản trở rất nhiều trong việc quản lý của cơ quan chức năng, gây thất thu cho thành phố khi mà những doanh nghiệp này tự động nâng giá quảng cáo, trốn thuế.
Chiều ngày 10/8, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã làm việc với các doanh nghiệp có nhiều sai phạm, yêu cầu doanh nghiệp tự tháo dỡ, giải quyết, xử lý triệt để những vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Trước mắt, các tấm bảng quảng cáo tấm lớn và bảng quảng cáo trên dải phân cách xây dựng trái phép, gây mất mỹ quan đô thị, che khuất tầm nhìn của người tham gia giao thông sẽ được đoàn thanh tra tập trung xử lý trước, tiếp sau đó sẽ đến biển quảng cáo bên hông và băng rôn quảng cáo.
Về kinh phí tháo dỡ, đồng chí Tô Văn Động khẳng định, ngân sách không chi cho việc tháo dỡ các biển quảng cáo, doanh nghiệp làm trái quy định thì tự bỏ tiền, nếu nhà nước phải cưỡng chế thì sau này doanh nghiệp vẫn phải hoàn trả. Trong thời gian tới, việc xử lý sai phạm biển quảng cáo sẽ gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Tuy nhiên, với sự quyết tâm và đồng thuận của các cơ quan quản lý đã tạo điều kiện cho đoàn thanh tra liên ngành kiên quyết xử lý sai phạm, lập lại trật tự đô thị trên địa bàn thành phố, góp phần xây dựng kỷ cương, xây dựng văn minh đô thị, xây dựng con người Hà Nội thanh lịch, văn minh.
Bảo Long